ClockThứ Bảy, 14/05/2022 22:16

Nếp chay, nếp người

TTH.VN - Người nấu chay qua việc chế biến cũng tự sửa mình. Hiếm thấy ai nấu chay mà nóng nảy, bực bội, mệt mỏi, người nấu chay lan tỏa cái sự an lành vào mỗi bữa ăn...

Đến Huế để chạy“Ngon & lành”, ẩm thực chay đủ sức làm hài lòng kháchLễ hội “Ẩm thực chay Huế 2019” thu hút gần 30 ngàn lượt khách

Món ăn chay lan tỏa sự an lành. Ảnh: Hoàng Lê 

Ngày 14 âm lịch, mạ thắp một nén hương ở mâm cúng ngoài trời. Trước đó, bàn thờ Phật cũng đã được sắp đặt sạch sẽ, gọn gàng. Ngày mai sẽ là ngày chay tịch. Hồi bé, lũ trẻ chúng tôi không hào hứng mấy với các bữa cơm chay. Chỉ mong ngóng cho ngày rằm (15 âm lịch) này trôi thật nhanh.

Sớm hôm đó, mạ gói theo một chiếc áo lam, cùng các dì, các o trong xóm đi lễ phật. Mấy chục năm trời, nhà tôi đều giữ nếp chay như thế. Buổi chợ ngày rằm lúc nào cũng có vài miếng khuôn đậu, một hũ chao, một nhúm đậu ngự và vài cọng boa rô. Cây boa rô thay thế cọng hành (cây gia vị phổ biến trong món mặn) trong ngày chay tịch, cọng to và ít hăng hơn.

Bữa chay luôn đơn giản như thế. Mạ nấu canh khuôn đậu với thơm, cà. Dầu phụng được phi boa rô thơm ngát, đảo vào một trái cà chua được cắt làm bốn để tạo màu sắc và thêm dưỡng chất. Tiếp đó, mạ cho vô nồi chừng một tô nước, bóp vào một khía thơm cho ngọt nước. Chừng nước sôi mới cho khuôn đậu, xì dầu, muối, một ít đậu ngự vào. Nồi canh hết sức giản dị, thanh đạm, đi vào kí ức tuổi thơ của mỗi chúng tôi. Bữa cơm ngày chay chỉ có thế, thêm một ít tương, chao, rau xào. Ăn không cốt để ngon, để no mà để thanh lọc cơ thể và tinh thần sau rất nhiều bữa thịt, bữa cá nhiều đạm và năng lượng.  Ngay cả đôi đũa, cái chén, mạ cũng trụng nước sôi trước khi dùng “để bỏ hết dầu, mỡ của thức mặn còn sót lại” như mạ nói. Nhiều năm cùng mạ chuẩn bị bữa chay, tôi cảm thấy mọi thứ diễn ra như là một nghi lễ.  Nhẹ nhàng, khoan thai, chỉnh chu, cẩn trọng.

Người nấu chay qua việc chế biến cũng tự sửa mình. Hiếm thấy ai nấu chay mà nóng nảy, bực bội, mệt mỏi, người nấu chay lan tỏa cái sự an lành vào mỗi bữa ăn. Có phải vì thế không mà cái không khí bữa chay cũng nhẹ nhàng, từ tốn hẳn. Người ăn giữ phong thái thanh lịch, ăn nhẹ, gắp khẽ. Một năng lượng an lành lan tỏa suốt bữa ăn. Không chỉ thế, cả ngày chay tịch hôm đó cũng trở nên an lạc hơn. Mọi người gìn giữ lời ăn tiếng nói, làm việc hướng thiện, hạn chế sát sinh.

Nghệ nhân Hồ Đắc Thiếu Anh chế biến món ăn tại "Chương trình Ẩm thực chay" diễn ra từ 13-15/5. Ảnh: Hoàng Lê 

Ngay cả cái lò mổ lớn nhất nhì ở tỉnh cũng ngưng việc giết mổ.  Với một địa phương như Huế, nơi đạo Phật chiếm đa số, ngày chay mà đặc biệt những ngày chay lớn như đại lễ Phật Đản rằm tháng Tư, rằm tháng Bảy diễn ra như ngày hội. Ở những ngôi chợ, rau xanh, khuôn đậu, chao tương, đậu, các loại nấm xuất hiện nhiều hơn hẳn các mặt hàng thịt cá. Người Huế ăn chay như một nếp sống lành mạnh, và cũng là dịp để nhìn sâu vào tâm mình mà tìm về thảnh thơi, an yên. 

Với nhà Phật, mỗi ngày tự sửa mình một ít, đó gọi là tu thân. Người Huế đa phần 1 tháng sửa mình 2 lần, có người 4 lần, có người 7 lần.  Và cũng có người ngày nào cũng sửa mình. Việc này được cụ thể hóa qua tâm nguyện ăn chay. Phải chăng, chính vì nếp chay này, mà người Huế trở nên hiền hòa, nhã nhặn hơn. Cuộc sống cũng vì thế nhẹ nhàng và ít xô bồ hơn những địa phương khác!

Cơ duyên đưa tôi đến việc trở thành đầu bếp, mở quán bán thức ăn chay. Ban đầu chỉ là yêu thích, sau đó là muốn lan tỏa nguồn năng lượng an lành này đến với mọi người. Khó có thể diễn tả được cái niềm vui của người nấu chay, nhưng có thể dễ dàng nhận ra niềm hạnh phúc, an lạc của người ăn chay. Chắc hẳn, người ta có thể đối xử tử tế với nhau chỉ sau một bữa chay. Chắc hẳn, tham sân, thù hằn cũng dịu bớt đi sau một bữa chay. Và chắc hẳn... Sau rất nhiều bữa chay như thế, đã trở thành nếp của rất nhiều người Huế, đã định hình nhân cách, bản sắc tốt đẹp cho cả một vùng miền. Nếp chay là nếp sống và cũng chính là nếp người.

Rằm tháng Tư, đây đó là những gương mặt hiền lành đang chắp tay cầu nguyện, dọc bên sông, cá phóng sinh bơi lội tung tăng. 7 đóa sen nổi trên sông Hương đón bước chân Phật. Những chiếc xe hoa diễu hành trên các cung đường xanh mát như trẩy hội.  Lễ hội Ẩm thực chay, tập trung các gian hàng của các cá nhân, đặc biệt từ khắp các chùa quanh thành phố quy tụ về. Các món chay ở đây được chế biến bằng những bàn tay khéo léo và mang đậm phong vị Huế từ các cô chú đam mê nấu chay hay từ các sư cô, sư thầy.

Quan sát tỉ mẩn những hoạt động hưởng ứng ngày đại lễ Phật đản hàng năm, trong tôi dâng lên những cảm xúc khó tả. Như thể những điều thiêng liêng, giá trị tâm linh không biết tự lúc nào đã thẩm thấu vào từng hơi thở, từng tế bào thật vi tế trong người Huế thật tự nhiên. Thế đó, nếp sống bình lặng, an nhiên và thiện lành cứ thế lan tỏa trong từng người, từng gia đình và khắp nơi nơi trong ngày chay tịch.

Anh Hoa Quỳnh 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơm nhà lam Huế

Huế có hàng trăm ngôi chùa. Vậy nên, vấn đề ẩm thực nhà chùa hay gọi nôm na là cơm nhà lam xứ Huế có rất nhiều chuyện thú vị. Cứ nghĩ đến cảnh mỗi khi mặt trời đứng bóng, các thầy chùa, ni sư ngồi vào bàn ăn gọi là Ngọ trai, đó đã là một cách thức ẩm thực khác hẳn với người thường...

Cơm nhà lam Huế
Khai thác giá trị ẩm thực chay phục vụ du lịch

Nhắc đến ẩm thực Huế, du khách luôn dành những lời khen. Trong đó, ẩm thực chay Huế là một điểm nhấn đặc biệt. Việc khai thác giá trị ẩm thực chay phục vụ du lịch không chỉ là cơ hội để thúc đẩy du lịch, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị ẩm thực chay Huế.

Khai thác giá trị ẩm thực chay phục vụ du lịch
Ăn cơm chùa

Hiểu theo nghĩa đơn giản, ăn cơm chùa là ăn cơm ở chùa. Ở một ý nghĩa nào đó, nó có hàm ý là ăn cơm miễn phí.

Ăn cơm chùa
Return to top