ClockThứ Hai, 23/01/2023 06:48

Ngày xuân nhớ khúc Nam Cầm

Bìa tập san “Những người bạn Cố đô Huế” (BAVH) tháng 3/1919

Xuân đến trên đất trời xứ Huế, sông như xanh hơn, núi như tím hơn. Mùa xuân mưa phùn thoảng sương, gió se lành lạnh, có tiếng chuông Thiên Mụ xa xa... Bấy giờ khách du bước chân ra ngoài khung cảnh xuân ấy, tự nhiên thấy một cái thú lang bạt cùng xuân đang hiện hữu trên những bước chân, không hơi rượu mà vẫn như say. Những lúc ấy, trong đêm khuya tự nhiên nhớ một tiếng đàn cổ xưa. Trong dân gian ngân vang các điệu huê tình. Trong cung phủ, tiếng đàn ngũ cung vang lên dưới bóng cây. Đây điệu Xuân Nữ réo rắt khoan thai mà da diết. Đây bài Nguyên Tiêu trong mười bài ngự của nhã nhạc sang trọng đài đệ chốn đế kinh… Những giai điệu hòa ca, khiến cho âm nhạc Huế từ lâu, đã góp phần tạo nên và nuôi dưỡng tính cách Huế, tâm hồn Huế.

Trong các loại đàn cùng ngân vang muôn điệu, gần ba trăm năm trước có một loại đàn do người Huế sáng chế, vang lừng nhiều năm. Rồi bỗng nhiên tiếng đàn tắt, tuyệt tích như một cánh nhạn góp thanh cùng đời rồi mang tất cả xuống tuyền đài. Loại đàn đó có tên Nam Cầm (còn gọi là Đàn Nam).

Lai lịch của người sáng chế ra Nam Cầm có gắn bó với làng quê Hương Cần, làng quýt thơm nổi tiếng. Người đó tên Nguyễn Phúc Dục, là con của ông Nguyễn Phúc Tứ sinh năm 1700 - con trai thứ 8 của Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu, mẹ là Chiêu nghi Tống Hồ Thị Được (họ Hồ Hương Cần). Công tử Tứ là em cùng mẹ với Chúa Ninh Nguyễn Phúc Chú.

Sách Đại Nam liệt truyện, phần các con Hiển Tông Hoàng Đế, có ghi chép về Hoàng tử thứ 8 (Tứ) như sau: (Nguyễn Phúc Tứ) “lại có tên là Đán… Tứ học rộng các sử sách, đặc biệt là trội về thơ Nôm. Khi Thế Tông Hoàng Đế lên ngôi chúa, vì Tứ có tài bị nhiều kẻ ghét, bèn xin nghỉ việc. Chúa làm nhà cho ở xã Hương Cần (thuộc huyện Hương Trà). Năm Quý Dậu (1753, Lê Cảnh Hưng năm 14) mùa hạ, Tứ mất, thọ 55 tuổi, được tặng Thiếu sư, Luân quốc công. Tứ có 5 trai: Dục, Tĩnh, Thăng, Túc và Hộ.

Cây đàn Nam Cầm do họa sĩ Tôn Thất Sa vẽ in trên BAVH tháng 3/1919

Con trưởng là Dục, học rộng, có tài lược, đời Duệ Tông Hoàng Đế, Dục làm Chưởng cơ, lãnh việc Bộ Hình, triều đình dựa làm trụ cột. Năm thứ 3 khoa Mậu Tý (1768) thi hương, Dục làm Giám thí lấy Lê Chính Viện, Bạch Doãn Triều đỗ đầu lúc bấy giờ cho là khoa ấy lấy được người khá.

Quốc phó Trương Phước Loan thấy Dục là bề tôi tôn thất của nước, có danh tiếng lừng lẫy, muốn kéo làm vây cánh, bèn gả con gái cho Dục. Dục đứng đắn, không a dua. Loan ghét, sai người vu Dục mưu phản. Đến khi tra xét không có chứng cớ gì, bèn bãi chức cho Dục về nhà riêng. Khi đã về nhà, Dục đặt tên chỗ ở là “Tĩnh Viên đường”, ngày ngày cùng mặc khách ngâm vịnh làm vui, tuyệt không nói đến việc nước. Dục hay thơ, cao cờ, biết âm nhạc. Đời truyền rằng điệu Nam Cầm của ta là do Dục đặt ra trước. Năm Tân Mão (1771) Dục mất, thọ 44 tuổi”.

Năm 1919, cụ Hoàng Yến, trong công trình nghiên cứu viết bằng tiếng Pháp “La Musique à Hué “đờn Nguyệt” et “đờn Tranh” (Âm nhạc Huế, “đàn nguyệt” và “đàn tranh”)”, có giới thiệu về đàn Nam Cầm. Sau, trong “Cầm học tầm nguyên” (khảo về nghề đờn ở nước ta), đăng trên Nam Phong Tạp chí, số 47, tháng 5.1921, cụ mô tả Nam Cầm như sau: “Đờn ấy thủng đáy, hình như quạt lá vả, cần dài ba thước, tám dây. Nam Bắc truyền bá, ai ai cũng cho là hay”.

Giáo sư Bửu Cầm về sau cũng khẳng định, người chế tác ra Nam Cầm là Nguyễn Phúc Dục: “Dục rất tinh nhạc lý, xét nghiệm âm điệu tiết tấu chẳng bao giờ sai lầm. Thường hiềm vì điệu nam rất cao, đàn xưa nhấn nhịp không đúng, Dục mới chế ra cây Nam Cầm. Đàn có tám dây, thùng dày và vuông, cần đàn dài ba thước mộc, hợp đàn cầm, đàn sắt và đàn tỳ bà làm một; tiếng rất thanh, lấn cả đàn tranh, đàn nguyệt”.

Cây đàn đặc sắc này cũng có một huyền thoại tri kỷ tri âm, nghĩa tình phu thê hiếm có. Cụ Hoàng Yến kể: Ngài (Nguyễn Phúc Dục) có dạy cho một cô hầu, ngài đờn hay lắm. Sau cô ấy lại dạy cho chị Đẩu Nương. Đẩu Nương sau cưới một vị quan tham tán làm chồng. Ông quan này cũng là người chơi đàn rất giỏi. Khi rảnh rang công việc, gặp buổi trăng thanh gió mát, hai vợ chồng thường hòa ca với đàn Nam Cầm, giai điệu hòa giao lưu luyến lòng người, khắp xứ không ai đàn hay được vậy. Sau ông tham tán mất, nàng Đẩu Nương treo đàn lên vách, thề không bao giờ đàn nữa. Từ đó Nam Cầm không có truyền nhân, và vắng bóng trong nhạc thính phòng Huế, cùng với nữ danh cầm Đẩu Nương. Tính ra Nam Cầm tồn tại chưa đầy một trăm năm đã mất tích.

Chính vì mấy điệu đàn Nam Cầm da diết và số phận truân chuyên của một tài sắc Đẩu Nương mà Tuy Lý Vương Miên Trinh - một “Ông hoàng thơ” trong Tùng Vân Thi Xã thời Vua Tự Đức - đã cảm khái viết “Nam cầm khúc” trong bộ “Vỹ Dạ hợp tập” của ông.

Năm 1957, Giáo sư Bửu Cầm trong bài viết “Nam Cầm khúc, một áng văn chương miền Trung” trên báo “Văn hóa nguyệt san” số 20, giới thiệu bài thơ trường thiên “Nam cầm khúc” viết bằng chữ Hán trong bộ “Vỹ Dạ hợp tập” của Tuy Lý Vương, được con trai của Tuy Lý Vương là Di Hiên Hồng Sâm diễn nôm thành “Nam cầm khúc phiên dịch quốc âm ca” (có người gọi là Nam Cầm khúc sử diễn ca).

 Ngày xuân nhắc lại trong gió hương hoàng mai chuyện cây đàn Nam Cầm, mới hay trong cõi tuyệt đỉnh âm sắc, những nhân vật liên quan đến cây đàn, từ Luân Quốc Công Nguyễn Phúc Tứ, đến người nghệ sĩ Nguyễn Phúc Dục, nàng Đẩu Nương và quan tham tán chồng nàng, tất thảy đều đã sống rất đẹp trong hồng trần. Bằng tâm hồn tuyệt đẹp, họ tạo nên một hệ thẩm mỹ hoàn toàn khác biệt đương thời, với cây Nam Cầm và âm giai tri âm diệu vợi vô cùng. Tất cả cũng từ nhân sinh cõi Huế một thời mà ngân lên vậy…

Bài, ảnh: Hồ Đăng Thanh Ngọ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày xuân xem võ cổ truyền

Chiều 23/1 (Mùng 2 Tết), tại công viên Thương Bạc, Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao TP. Huế tổ chức chương trình biểu diễn võ thuật cổ truyền. Hơn 20 màn biểu diễn mang đến không khí rộn ràng tươi vui cho công chúng, du khách trong những ngày đầu xuân.

Ngày xuân xem võ cổ truyền
Dậy hương bánh thuẫn ngày xuân

Những ngày cuối cùng của năm, khi cây hoàng mai trước ngõ rực vàng những chùm hoa, gia đình cũng đã dọn dẹp tổng kết vệ sinh xong đâu đấy, chúng tôi lại bắt tay vào làm những món mứt bánh chuẩn bị đón Tết. Và bánh thuẫn là món mà chị em tôi nghĩ đến trước tiên mỗi khi tết đến xuân về.

Dậy hương bánh thuẫn ngày xuân
Chút tình ngày xuân

Người đàn ông áng chừng 65 tuổi, gương mặt sạm đen, dáng vẻ khắc khổ.

Chút tình ngày xuân
Lễ hội Sắc Bùa ngày xuân ở Phò Trạch

Làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, hình thành từ thời di dân mở nước, tên làng được chép trong sách Ô châu cận lục (1553); nghề đan đệm bàng của làng này cũng được Lê Quý Đôn mô tả trong sách Phủ biên tạp lục (1776). Phò Trạch nổi tiếng với nhiều lễ hội, trò chơi, trò diễn như: sắc bùa, hát trò, tập chèo… cùng các trò chơi ném cù, leo cột mỡ, đi cầu nước; đu tiên, đu nhún, đu rút, đu giàng xay... Các địa danh: Cồn Hội, Cồn Đu, Cồn Cù, Bến Trò… nay vẫn còn, minh chứng cho một ngôi làng giàu truyền thống văn hóa.

Lễ hội Sắc Bùa ngày xuân ở Phò Trạch
Return to top