ClockThứ Bảy, 24/08/2024 14:21

Nghị lực của “kỷ lục gia” Para Games Bùi Thị Xím

TTH - Hơn 10 năm về trước, cô là vận động viên (VĐV) thể thao người khuyết tật mang vinh quang về cho Tổ quốc với những chiến tích ấn tượng ở ASEAN Para Games. Xím vượt qua những gian truân, nghịch cảnh, đứng trên số phận và truyền cảm hứng cho những người kém may như cô. Vẫn như ngày nào, cựu VĐV sinh năm 1973 luôn tràn đầy năng lượng tích cực để góp nhặt niềm vui cho đời dù thiếu may mắn.

Asian Para Games 2023: Đoàn Việt Nam giành huy chương thứ haiAsian Para Games 2023: VĐV người khuyết tật Việt Nam nỗ lực vượt lên chính mìnhASEAN Para Games 12 ngày 8/6: Đoàn thể thao Việt Nam giành được 66 HCV

 “Kỷ lục gia” Para Games Bùi Thị Xím (bìa trái) hiện nay trong một cuộc trò chuyện ở Hội Người mù tỉnh

Đóa hoa nở muộn

Xím sinh ra ở miền quê với những ngọn đồi thanh bình xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình). Cô có nhiều ước mơ, hoài bão khi thi đỗ một trường đại học ở quê nhà. Thế nhưng, tai họa ập đến. Trước khi nhận bằng tốt nghiệp, cô bị bướu cổ và bị biến chứng. Đôi mắt Xím không còn nhìn thấy. Sau tai ương đó, Xím đứt đoạn rời quê hương để vào Huế lập nghiệp, khi đó cuối những năm 90. Cô nhận công tác tại Trung tâm Giáo dục - Hướng nghiệp trẻ em mù tỉnh Thừa Thiên Huế.

Năm 2002, Thừa Thiên Huế là địa phương đăng cai Văn nghệ Thể thao Người khuyết tật toàn quốc. Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh với mong muốn phong trào càng ngày càng phát triển nên khuyến khích mọi người tham gia. Trong đó, ba môn thể thao chủ lực là điền kinh, cờ vua và bơi lội.

Vốn biết bơi và có trong mình chút tài năng, Xím chọn môn bơi lội. Cô đạt HCV ngay lần đầu tham dự. Lúc đó, Xím bước sang tuổi 30. Đó là tiền đề để cô được tuyển chọn vào đội bơi lội của Việt Nam tham dự ASEAN Para Games 2003 được tổ chức trên sân nhà tại Hà Nội.

Vượt xa cả sự kỳ vọng, cô giành 2 HCV, 1 HCĐ. Không dừng lại ở đó, hai năm sau ở giải đấu trên đất Philippines, Xím giành 3 HCV, bao gồm hai cự ly sở trường 50m tự do, 100m tự do và nội dung 100m ngửa. Ngắt quãng 6 năm, năm 2011, cô tái xuất ở đấu trường khu vực tại Indonesia và giành 1 HCV 100m tự do, 2 HCB 50m ếch, 50m tự do. Thành tích của cô đạt được ở hạng thương tật SB11, tức là mù hẳn. Trong số 6 HCV kể trên, Xím phá 3 kỷ lục Đại hội. Với chiến tích vẻ vang đó, Xím được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Hành trình gian truân

Xím tâm sự: “Đối với người bình thường, bơi đã vất vả. Người khuyết tật càng vất vả hơn. Phải có đam mê, sự nỗ lực mới hòa nhập”.

Cô đến với bơi lội chỉ là sự tình cờ và chút bản năng trong người. Khi được lựa chọn để tập luyện chuyên nghiệp, nhiều vấn đề xảy đến. Cô nhớ lại: “Tôi không sợ nước, nhưng nỗi sợ lớn nhất là không quen với chỗ lạ, sợ trước mặt có chướng ngại vật ảnh hưởng lúc bơi. Khi bơi sát vào phao rồi đập đầu vào vật cứng ở phao hay đập đầu vào bể.

Mỗi bể có cấu trúc khác nhau. Nếu thẳng từ trên xuống, tay chạm trước thì đầu sẽ không đập nhưng nó xuôi xuôi, mặt nước ngang mép bể, tay đập quá thành bể thì đầu đã đập vào bể rồi. Nhiều lần bị chảy máu đầu”. Xím không sợ nước bởi cô có cảm giác khi xuống nước rất tốt. Nhưng trở ngại khách quan đó khiến cô gặp trắc trở vì bây giờ, Xím không còn tự bơi bản năng. Cô phải học theo giáo án, đi thẳng đường để tìm đến vạch đích.

Cứ thế, Xím mất hơn 1 năm mới tìm được sự thăng bằng. Cô chia sẻ: “Năm đầu tôi thăng bằng chưa tốt, nhiều loạng choạng. Sau đó, khi vào đội tuyển tập luyện, tôi mới dần quen và ổn định bởi chỉ cần lách qua một chút là bị méo phao rồi. Nếu bị lệch, đường dài hơn, mất đi thời gian nên phải định hướng đường đi khá thẳng. Thời gian rất quý báu với môn thể thao này”.

Sau khi được các thầy cô chỉ dạy, Xím ngày càng tiến bộ và có sự phát triển vượt bậc. Song với cô, sự học vẫn vô vàn. “Tôi cứ tập, tập nữa, tập mãi, tập cho đến khi đi thẳng mới thôi”.

Chỉ ăn tập chuyên nghiệp 1 năm, khi sờ tay vào tấm HCV đầu tiên ở ASEAN Para Games, Xím bất ngờ: “Mình nghĩ làm sao có thể hơn họ vì họ được đào tạo từ bé, có sự chuyên nghiệp còn mình theo thời vụ. Phương tiện đi lại khó khăn khiến mình ít tiếp cận bể bơi, mục đích thi đấu cũng chỉ để cọ xát. Thế nhưng, tôi được tạo điều kiện của hội, các cơ quan, ban ngành chức năng nên thoải mái tinh thần, cố gắng vừa theo đuổi đam mê rèn luyện sức khỏe”.

Do đặc thù công việc làm ở Hội Người mù tỉnh nên Xím cũng chỉ tập luyện theo thời vụ. “Khi đi tập chủ yếu vào mùa hè. Còn lúc thi đấu, tôi nhờ đồng nghiệp làm giúp công việc của mình. Khi đi làm thì cũng chỉ tranh thủ ngoài giờ, lúc chiều tối để tập luyện. Tập nhiều đến nỗi, mỗi lần tập trung ASEAN Para Games về, mọi người nhìn không ra vì đen thui”, chị Xím hài hước kể. Thông điệp sống tích cực

Đến 2013, khi đã 40 tuổi, Xím từ giã sự nghiệp thi đấu quốc tế. Cô giãi bày: “Tuổi thể thao ngắn lắm. Tôi nghỉ để lứa trẻ lên, phát huy năng lực, có giải cao, mang về cho Tổ quốc. Bản thân luôn nghĩ, các em sẽ có thành tích cao hơn nên mình nhường cho mấy em. Thực tế, tiêu chuẩn đi thi đấu quốc tế không nhiều. Mỗi loại thương tật chỉ vài VĐV”.

Xím trở về cuộc sống bình thường. Cô cũng như bao người mù khác, hướng đến những điều tích cực của cuộc sống. Xím tập trung toàn lực cho công việc ở hội.

Thế nhưng, Xím vẫn đau đáu về thế hệ các em sau này. Cô biết các em có nhiều năng khiếu, sở thích nhưng vì điều kiện khách quan như ít tiếp cận với bể bơi nên khó đi theo con đường này. Xím luôn mong mỏi rằng các cơ quan chức năng, mạnh thường quân hỗ trợ để thể thao người khuyết tật phát triển, có điều kiện tiếp cận thể thao. Đây là hoạt động tốt cả về thể chất lẫn tinh thần. Trước tiên là cho bản thân sau có thể cống hiến cho nền thể thao nước nhà.

Bài, ảnh: TUỆ TƯỜNG - NHẬT MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Kí tự đặc biệt PUBG Cửa hàng Cơ bida Thế Giới Bida mod skin
Return to top