|
Khách hàng mua khoai |
Chuyến du lịch của 6 người gồm ba thế hệ trong gia đình anh Hoàng Linh xuất phát từ Sơn La, Huế chính là điểm cuối cùng trong chuyến hành trình của họ. “Tôi tình cờ được một người dân giới thiệu về biển Tân Mỹ, tuy di chuyển hơi xa thành phố nhưng lại gặt hái rất nhiều bất ngờ. Biển ở đây vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ nên rất sạch. Hải sản vô cùng tươi ngon vì được đánh bắt trong ngày. Ban đêm, chúng tôi đốt lửa trại, nướng khoai lang, ăn dưa hấu mua của người dân trong vùng vừa thu hoạch. Hương vị khoai lang xứ này thật tuyệt”, anh Hoàng Linh chia sẻ.
Đẩy xe rùa chất đầy khoai lang từ cánh đồng lên đường quốc lộ, ông Phan Công Mùi đưa tay quệt giọt mồ hôi vừa rớt xuống mi mắt. Nụ cười tươi rói của ông lão như xóa tan cái nắng bỏng rát sáng mùa hè. Tuổi đã ngoài bảy mươi, nhưng ông Mùi vẫn còn rắn rỏi với làn da rám nắng của xứ biển. Hôm nay là ngày đầu tiên ông cùng vợ ra đồng thu hoạch khoai. Đôi tay của ông lão vẫn đủ chắc khỏe để nâng cao chiếc cuốc chỉa cuốc sâu vào những luống đất, kéo ra từng chùm khoai căng tròn. Bà Phan Thị Liên, vợ ông Mùi ngồi trong chiếc lều dựng tạm bên đường, liên tục cân khoai cho khách đi đường ghé mua.
Hai vợ chồng ông Mùi, bà Liên trồng hai sào ớt, thêm hai sào khoai lang. Tháng 11 âm lịch bắt đầu làm đất, rồi xuống giống khoai lang. Đến tháng 3 âm lịch là vào mùa thu hoạch khoai. Khoai lang không cần chăm bón và tưới tiêu nhiều, lại ít sâu bệnh. Từ khi thực hiện chủ trương chuyển đổi sang trồng cây khoai lang để phù hợp với thổ nhưỡng địa phương đã giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng mức thu nhập cho bà con. Bà Liên nói, mỗi sào khoai lang, sau khi trừ hết các chí phí, vợ chồng bà kiếm được tầm bảy đến tám triệu đồng. “Sáng nay vừa bới một ít, nhưng thấy củ nhiều”, bà Liên hớn hở.
Dọc đường quốc lộ ngang qua làng Thành Công, xã Quảng Công, hơn chục lều dựng tạm nơi vệ cỏ bên đường để bán khoai lang, dưa hấu cho khách ngang qua. Bà Lê Thị Lai nói rằng, tùy mỗi năm thời tiết khác nhau mà khoai lang cho sản lượng nhiều hay ít. Khoai lang ở đây có loại ruột đỏ, ruột tím và ruột trắng, nhưng khoai lang ruột trắng thường có vị ngọt đậm đà hơn. Trong khi chồng thu hoạch khoai dưới ruộng, thì bà Lai cùng nhiều phụ nữ khác như bà Yến, bà Gái… tranh thủ ngồi bán khoai cho khách qua đường, với giá 15 nghìn đồng một ký. Bà Lai cho biết, thương lái thường đến thu mua vào buổi chiều, với giá tầm 12.000 – 13.000 đồng/1kg. Khi bán lẻ cho khách, giá có cao hơn một chút vì khách được thoải mái lựa chọn. Họ đều là những người đã quen tiếng khoai nơi này, nên ngang qua đúng mùa khoai đều dừng lại mua về trữ ăn dần.
Đang ngồi chọn lựa những củ khoai mình ưng ý nhất cho vào bao, chị Diễm Trang nói rằng, rất thích vị khoai nơi này, nên đúng mùa thu hoạch khoai, nếu ngang qua vùng Quảng Công, chị đều tranh thủ mua đem về chia cho người thân mỗi nhà một ít. “Dưa gang, dưa hấu đất này cũng ngon ngọt, nhưng tôi thích khoai lang hơn. Khoai ở đây bở nhưng không bị khô nghẹn, cũng không bị ướt nước, mà có độ ẩm ướt, mềm dẻo vừa đủ. Bẻ củ khoai ra, thấy những hạt bột trắng li ti lấp lánh rất đẹp mắt. Ăn vào lại có vị ngọt thơm mặn mà”, chị Trang nói.
Tôi nhớ đêm hôm ấy, khi cắm trại qua đêm trên biển Tân Mỹ, chúng tôi đã đốt lửa trại, nướng khoai lang và hát hò đến tận khuya. Đêm ở biển, gió mát lành, đưa hương khoai nướng xứ biển chạy khắp bãi cát. Một vài người theo hương khoai thơm lừng mà tìm tới, để rồi tiếc nuối vì hành trình ra biển đã quên thêm vào hành trang vài ký khoai lang miệt biển. Để đêm nay qua đêm trên biển, họ thiếu đi một phần cuộc vui.
Ai đó đã hẹn, mai trở vào thành phố nhất định sẽ mua khoai mang về như một món quà quê ngọt lành nơi xứ cát.