ClockThứ Năm, 05/08/2021 13:30

Người trẻ yêu sống xanh

TTH - Gội đầu bằng nước bồ kết, cỏ mần trầu; lau nhà, rửa chén bằng nước bồ hòn; trồng cây xanh trong nhà, phòng làm việc; rèn luyện sức khỏe gần thiên nhiên bằng việc chạy bộ, đạp xe, leo núi, và hạn chế tối đa thải rác... Đó là cách những người trẻ thực hiện lối sống xanh.

Nhặt rác kêu gọi bảo vệ đầm phá Tam GiangNgười trẻ “sống không cần nhựa”

Đạp xe giữa thiên nhiên

Gần gũi với thiên nhiên

4h30 sáng, nhóm bạn của Thân Quỳnh Thư (TP. Huế) gồm 10 người đã có mặt đông đủ tại Đàn Nam Giao, chuẩn bị hành trình cho chuyến leo núi Kim Phụng. Việc leo núi được Thư và các bạn lần lượt thực hiện vào những ngày cuối tuần. Điểm đến có khi là núi Kim Phụng, Hòn Vượn hoặc Bạch Mã. Gần gũi với thiên nhiên, hòa mình vào không gian tươi mát của núi rừng là cách mà Thư và các bạn của mình thực hiện lối sống xanh. Với Thư, được đi dưới những con đường rừng rợp bóng cây, lắng nghe hương vị của cây cỏ, hòa lẫn trong mùi đất đai thơm nồng, nghe tiếng nước suối róc rách, tiếng gió vi vu thổi xào xạc trên cây lá... luôn mang lại nguồn năng lượng tích cực tràn trề.

Chị Bích Vân (phường Thủy Vân, TP. Huế), lại chọn lựa đạp xe. Vân cho biết, đạp xe đạp mỗi sáng không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn giúp chị khám phá những cảnh đẹp quê hương. Mỗi cung đường ban mai đều khiến chị yêu Huế hơn và tạo động lực để chị sống xanh, gìn giữ môi trường, cảnh quan của quê nhà. Nếu cung đường cầu Trường Tiền – Hương Vinh có hồ sen Thanh Hà đẹp ngỡ ngàng khi nắng lên thì quãng đường về cầu ngói Thanh Toàn có những cánh đồng lúa thơm, hồ Khe Ngang xanh mát những núi đồi chập chùng trong sương sớm… Rong ruổi trên mỗi cung đường và khám phá những điểm đến mới, hít thở không khí trong lành giúp chị và những người bạn luôn mang tinh thần lạc quan khi đối diện với cuộc sống.

Đối với Thảo Vi thích nhất là bơi lội. Những ngày hè nóng rát, được đắm mình trong dòng nước mát luôn khiến chị thỏa mãn. Nhưng Vi thích nhất là bơi lội trên sông. “Cái cảm giác dòng nước mát lành tự nhiên vỗ về lên da thịt, lắng nghe con sóng dập dềnh, nghe dòng nước êm êm lặng lẽ chảy qua mình, sự thú vị đó không thể diễn tả hết bằng lời”, Vi nói. Dù bơi rất giỏi, nhưng Vi vẫn dùng áo phao, và đi theo nhóm khi chọn ra sông bơi lội để đảm bảo an toàn. Những bến nước phía Kim Long, Hương Hồ thường là điểm đến được Vi và các bạn lựa chọn trong những ngày hè thay vì giam mình trong những hồ bơi kín mít, nồng nặc mùi Clo.

Không lười biếng, sĩ diện

Có rất nhiều cách để người trẻ thực hiện phương pháp sống xanh của mình, nhưng theo bạn Phi Khanh, để được sống xanh, trước tiên mỗi người phải dẹp bỏ sự lười biếng và sĩ diện. Bỏ qua sự lười biếng để mỗi tuần 3 lần, Khanh tự nấu nước bồ kết với chanh, sả để gội đầu, nấu nước bồ hòn để rửa chén, giặt áo quần hay mỗi sáng thức dậy sớm hơn 1 giờ đồng hồ để kịp chạy bộ và chăm sóc cây trong vườn nhà. Cô gái trẻ đang công tác trong lĩnh vực thiết kế khoe, dù không có diện tích, nhưng trong nhà và cả nơi làm việc của cô lúc nào cũng có cây xanh.

“Công việc căn thẳng, chỉ cần nhìn vào cây cối, mình sẽ thấy tinh thần sảng khoái ngay. Mỗi ngày nhìn từng ngọn lá lớn lên, nhìn cành cây đơm nụ cũng khiến mình yêu hơn cuộc sống”. Sống xanh với Khanh chỉ đơn giản là vậy, như cách cô mỗi lần đi mua thức ăn buổi sáng đều mang theo hộp đựng thay vì dùng bọc ni lông hay hộp xốp, mua trà sữa đều mang theo ly giữ nhiệt và tuyệt đối từ chối sử dụng ly dùng một lần.

Vượt qua sĩ diện để theo đuổi việc sống xanh như cách Thảo Vi kể, cô bỏ qua ánh mắt mọi người nhìn cô như “một kẻ lạc loài” khi cầm theo hộp để mua bún, mua phở mang về nhà. Hay cái nhìn ý nhị của bạn bè, người quen mãi không thấy cô mua thêm quần áo mới, đổi một đôi giày, cái giỏ xách theo “trend”. Luôn bình tâm để giữ vững cách sống của mình, ít sĩ diện để bớt mua sắm nhằm hạn chế rác thải theo Thảo Vi đó cũng là cách mà cô chọn để sống xanh. Sống xanh, không chỉ đem lại lợi ích cho bản thân, mà còn góp phần tạo nên sự tốt đẹp cho môi trường, xã hội. Vi thích những sản phẩm gần gũi với thiên nhiên như ly tách, muỗng đũa từ gỗ, rổ rá được làm từ tre thay vì đồ nhựa; chọn quần áo được dệt từ tre, sợi đay; thực phẩm được trồng hữu cơ. Nấu một bữa cơm vừa đủ dùng để không dư thừa dẫn đến đổ bỏ, tạo gánh nặng cho môi trường cũng là cách mà cô gái trẻ thực hiện phương pháp sống xanh.

Môi trường ngày càng bị ô nhiễm, rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, biển xâm lấn đất liền, hạn hán, lũ lụt xảy ra khắp nơi… đòi hỏi con người phải dần dần thay đổi cách sống. Sống xanh chưa bao giờ là dễ dàng, cũng giống như việc thay đổi bất cứ một thói quen nào đều không phải là việc dễ dàng. Thế nhưng, để giữ gìn sức khỏe của bản thân, giữ gìn môi trường thân thiện, cần lắm những con người dám thay đổi và dám sống khác biệt. Thay đổi để sống xanh, đơn giản từ những việc nhỏ nhất. Bạn thử chưa?

Bài, ảnh: Linh Chi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc

“Tôi muốn mỗi tác phẩm của mình không chỉ đẹp, mà còn phải kể được câu chuyện của người Cơ Tu, về cuộc sống, tín ngưỡng và những giá trị truyền thống mà cha ông để lại” - Phạm Văn Vệ, một chàng trai 26 tuổi với đam mê khắc họa bản sắc dân tộc qua từng đường nét gỗ chạm, chia sẻ.

Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc
Cảm hứng sống xanh từ A Lưới

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” tại huyện A Lưới đã tạo ra những thay đổi lớn, góp phần cải thiện môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng và mang lại diện mạo mới cho các thôn, bản vùng cao.

Cảm hứng sống xanh từ A Lưới
Báo động người trẻ sử dụng ma túy

Theo thông tin từ UBND tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 400 người nghiện và gần 800 người sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng báo động, có tình trạng một bộ phận giới trẻ nhận thức rằng ma túy tổng hợp chỉ là chất kích thích gây cảm giác hưng phấn tức thời, không gây nghiện, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Báo động người trẻ sử dụng ma túy
Tăm cá mùa nước lên

Với những người ưa chuộng bộ môn câu cá, mỗi khi nghe nơi đâu có tăm cá, dù xa hàng chục cây số họ cũng sẵn sàng lặn lội đến nơi để thỏa lòng đam mê sông nước.

Tăm cá mùa nước lên
Return to top