ClockThứ Năm, 03/08/2017 13:31

Nhiễm “H” không có nghĩa là “chấm hết”

TTH - Tổ chức giao lưu văn nghệ truyền thông (VNTT) ở các xã, phường... là phương thức phòng, chống HIV/AIDS của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh (trung tâm) được đánh giá hiệu quả.

Thanh, thiếu niên tham gia trò chơi tìm hiểu về HIV

Nâng cao nhận thức cho cộng đồng

Gần 10 năm qua, chương trình VNTT ở các xã, phường... do trung tâm tổ chức nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân địa phương. Chương trình để lại ấn tượng bởi những tiết mục sôi động, kiến thức phòng chống HIV/AIDS được lồng ghép chuyển tải giúp người nghe dễ hiểu, dễ nhớ.

Năm 2017, chương trình VNTT tiếp tục được tổ chức tại các phường, xã trên địa bàn tỉnh. Mới đây, tại phường Phú Hậu, TP. Huế, trung tâm tổ chức đêm giao lưu VNTT với sự tham gia của các ca sĩ không chuyên của đơn vị và Đoàn Thanh niên địa phương với hơn 300 thanh thiếu niên, người dân đến xem và cổ vũ. Các tiết mục văn nghệ xen với các trò chơi, trả lời câu hỏi trắc nghiệm phòng, tránh HIV/AIDS... đã giúp người xem hiểu hơn về các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

Bác sĩ Đoàn Chí Hiền, Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, cho biết: “Các thành viên luôn tập luyện, cố gắng biểu diễn tốt các tiết mục văn nghệ và truyền tải hiệu quả các thông điệp truyền thông, nhằm góp phần giúp cộng đồng có góc nhìn tích cực về căn bệnh HIV/AIDS. Những đêm VNTT, chúng tôi thường kết hợp với những bài hát, những khúc ca, tiểu phẩm hài... chứa đựng nội dung cần truyền thông về cách phòng lây truyền HIV. Kết quả, thu hút đông đảo bà con tham gia”.

Từ những thông điệp của chương trình VNTT tại Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi (57 Lâm Hoằng, TP. Huế) vào tối 6/7 do trung tâm tổ chức, anh Nguyễn Văn Tấn, công nhân đang tham gia xây dựng dự án cải thiện môi trường nước trên địa bàn TP. Huế chia sẻ: “Chương trình VNTT phòng, chống HIV/AIDS  do trung tâm tổ chức rất hay. Những tiết mục có nội dung dễ hiểu lại nhớ lâu…”. Cùng cảm nhận này, anh Hồ Văn Tý, đồng nghiệp với anh Tấn nói: “Phương thức tổ chức VNTT của trung tâm đã giúp người xem tiếp nhận thông tin nhẹ nhàng, không nhàm chán. Do vậy hiệu quả tuyên truyền cao hơn nhiều so với các hình thức treo băng rôn, phát tờ rơi... như trước”.

Giảm sự kỳ thị với người nhiễm “H”

Bác sĩ Đoàn Chí Hiền chia sẻ, sự kỳ thị, phân biệt đối xử không chỉ làm tổn thương người nhiễm “H” mà còn là một trong những nguyên nhân tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Trong các buổi VNTT, trung tâm luôn chú trọng việc cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính xác, giải thích rõ những nguy cơ bị lây hoặc không lây truyền “H”, đồng thời lồng ghép nội dung chống kỳ thị, phân biệt đối xử vào các hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV. Ngoài ra, các chương trình đã nói lên được điều cần nói là người nhiễm “H” không phải là “chấm hết”.

Bạn Lê Văn Bi, phường Phú Hậu, TP. Huế tâm sự: “Đến với đêm VNTT, chúng em hiểu rõ hơn về căn bệnh “H”. Có những kiến thức cơ bản về căn bệnh “H”, chúng em sẽ là “cầu nối” đến mọi người để nhận thức và có cách nhìn đúng, đặc biệt là tránh sự kỳ thị, phân biệt, đối xử với người nhiễm “H”.

Theo bác sĩ CKII Trần Thị Ngọc, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thông qua các buổi VNTT, nhận thức của cộng đồng về căn bệnh này có sự chuyển biến rõ rệt. Người dân đã chủ động, tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở khu dân cư, cộng đồng; nhiều người nhiễm HIV/AIDS đã giảm bớt mặc cảm, sống tự tin. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS hiện nay đã giảm đáng kể.

“Chúng tôi nghĩ đây là một hoạt động không thể thiếu, phải tìm mọi cách để duy trì thường xuyên ở các địa phương; trong đó những buổi giao lưu VNTT là không thể bỏ qua”. Bác sĩ Trần Thị Ngọc chia sẻ.

 Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho gần 1.500 học sinh

Ngày 26/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho gần 1.500 học sinh các trường THTP Cao Thắng, Gia Hội, Nguyễn Huệ.

Truyền thông phòng chống HIV AIDS cho gần 1 500 học sinh
Truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong học đường

Từ ngày 18/9 đến 5/10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Sở Y tế tổ chức tập huấn truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho các trường trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn tỉnh.

Truyền thông phòng, chống HIV AIDS trong học đường
Nâng cao nhận thức phòng, chống HIV/AIDS cho cán bộ Đoàn

Nhằm nâng cao kiến thức và năng lực truyền thông cho Đoàn Thanh niên trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, từng bước ngăn chặn đẩy lùi tệ nạn ma túy, mại dâm và đại dịch HIV/AIDS trong lứa tuổi thanh thiếu niên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức cơ bản và kỹ năng truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho cán bộ đoàn chủ chốt.

Nâng cao nhận thức phòng, chống HIV AIDS cho cán bộ Đoàn
Return to top