TS.BS. Phạm Nguyên Cường lấy bệnh phẩm khối u làm xét nghiệm chẩn đoán tế bào học
Vị bác sĩ không nhiều bệnh nhân biết đến
Một ngày của TS.BS. Phạm Nguyên Cường (Phụ trách Khoa Giải phẫu bệnh – Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2) di chuyển rất nhiều địa điểm. Khi thì ở Phòng Xét nghiệm tế bào học, gặp gỡ, khám cho bệnh nhân và chẩn đoán dựa trên xét nghiệm tế bào học với những bệnh nhân tới khám vì khối u mới mọc. Có lúc, ông một mình trong Phòng Sinh thiết mô bệnh học với những khối u. Nhìn thấy một khối u tím tái, hình dáng xù xì, to như một viên sỏi, tôi không khỏi rùng mình. Trái lại, BS. Cường khá bình thản, đôi tay được bọc trong găng tay y tế thoăn thoắt tiến hành cắt khối u thành lát mỏng, rồi chuyển sang kỹ thuật viên để xử lý các quy trình tiếp theo.
BS. Cường cho hay: “Giải phẫu bệnh là để tìm ra nguyên nhân bệnh, biết được bản chất của bệnh tật. Bác sĩ giải phẫu bệnh là người chẩn đoán những mẫu bệnh phẩm từ cơ thể bệnh nhân để các bác sĩ lâm sàng căn cứ vào đó mà điều trị”. Ngành giải phẫu bệnh như rễ cây, chữa bệnh lâm sàng là phần thân cây. Nếu ta “bắt mạch” sai rễ cây, bón loại phân không phù hợp thì thân cây không thể phát triển xanh tốt được. Giải phẫu bệnh sai, dẫn đến nhìn nhận sai về bản chất căn bệnh, hệ lụy đem lại là phác đồ điều trị đi chệch hướng, khó đem lại kết quả tốt. Vậy mới thấy, trọng trách của bác sĩ giải phẫu nặng đến ngần nào.
Nhờ việc xem xét kỹ hình thái các tế bào và các cách sắp xếp hình thái học của chúng, bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ xác định mẫu mô được xét nghiệm là lành tính hay ung thư. BS. Cường nói, chẩn đoán này thường được coi là tiêu chuẩn vàng, nghĩa là độ chính xác rất cao. Trong những trường hợp điển hình, bác sĩ giải phẫu bệnh dễ dàng đưa ra các chẩn đoán chính xác để các bác sĩ ung thư học lựa chọn biện pháp điều trị thích hợp.
Gắn bó với nghề gần 17 năm, hằng ngày, khi phải viết trên những phiếu kết quả xét nghiệm, theo tâm lý bệnh nhân là những “bản án” sinh tử đối với họ, BS. Cường không khỏi trăn trở khi thấy số bệnh nhân mắc mới ung thư ngày càng tăng, độ tuổi ung thư lại ngày càng trẻ hóa. Bên cạnh những nỗi niềm kia, BS. Cường vẫn tìm được nhiều niềm vui trong công việc với sự tôn trọng của đồng nghiệp và sự tin cậy của bệnh nhân. Có những niềm vui đằng sau kính hiển vi không thể nói thành lời. Ông kể, có lần gặp một trường hợp đồng nghiệp được chẩn đoán lâm sàng nghi ung thư phổi, đến khi phẫu thuật làm sinh thiết giải phẫu bệnh được chẩn đoán là viêm lao, sau đó chữa khỏi. Đó vừa là niềm vui của bệnh nhân, vừa là niềm vui của một người bác sĩ như ông.
Bác sĩ giải phẫu bệnh thường không biết mặt bệnh nhân, nên lời cảm ơn thường chỉ dành tới bác sĩ trực tiếp điều trị. Dù vậy, họ vẫn miệt mài làm công tác cứu người.
Trợ lý đắc lực
Bác sĩ giải phẫu bệnh bộn bề với trăm việc không tên, nếu thiếu sự hỗ trợ đắc lực của những người trợ lý, công việc của bác sĩ khó mà hoàn thành tốt được. Lữ Thị Thu Thảo, Kỹ thuật viên (KTV) Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viên Trung ương Huế cơ sở 2 được xem là cánh tay đắc lực của BS. Cường trong công tác giải phẫu bệnh. BS. Cường nhận xét: “KTV Thảo là một cô gái trẻ nhưng khá cẩn thận và nghiêm túc trong công việc, đó là những tố chất cần thiết của một KTV giải phẫu bệnh. Thảo là một trong những người bạn đồng hành của tôi trong công việc”.
Công việc của KTV Thảo khá lặng lẽ. Có khi cô làm nhiệm vụ chỉ dẫn, giúp đỡ bệnh nhân tiến hành lấy bệnh phẩm để xét nghiệm. Lại có lúc, cô lẩn khuất sau cánh cửa khép kín của phòng Sinh thiết mô bệnh học, "làm bạn" với bệnh phẩm, tiếp xúc với nhiều loại hóa chất độc hại, với tiêu bản, để cuối cùng có thể giúp bác sĩ có được một kết quả xét nghiệm chính xác. Chẩn đoán giải phẫu bệnh dựa trên việc xem xét các mẫu bệnh phẩm (mô u) đã được cố định trong formol, chuyển đúc trong nến (paraffin), cắt thành các lát cắt rất mỏng, chỉ 3 đến 4 micromet và nhuộm màu bằng nhiều phương pháp khác nhau. Đây là công việc của KTV Thảo, đòi hỏi phải có khả năng sử dụng thành thạo những trang thiết bị tự động hóa để thực hiện các xét nghiệm, phân tích và nhận định kết quả; đòi hỏi sự chặt chẽ và chính xác, tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc về quy trình, vì chỉ một sơ suất nhỏ sẽ ảnh hưởng đến kết quả. Những tiêu bản của bệnh phẩm sau đó được chuyển đến BS. Cường xem xét, nghiên cứu đưa ra chẩn đoán kết quả bệnh học.
Chia sẻ về công việc của mình, Thảo nói: “Có hôm ngủ, tôi mơ thấy bệnh nhân ung thư tới hỏi kết quả xét nghiệm. Tỉnh giấc, cứ thấy đau đáu ở trong lòng. Và có những khi kết quả trả về không mắc ung thư, tôi lại thầm vui thay cho bệnh nhân”.
Chẩn đoán giải phẫu bệnh ung thư giữ vai trò quan trọng trong việc điều trị và tiên lượng bệnh (dự báo sự diễn biến của bệnh). Trên mỗi tờ giấy có ghi kết quả xét nghiệm, kết quả thường là có mắc bệnh hoặc không, chỉ khác nhau ở vài con chữ nhưng lại có ảnh hưởng hoàn toàn trái ngược đến diễn biến sức khỏe và tâm lý của bệnh nhân, cũng như phương hướng và kết quả điều trị. Vậy nên, những người làm trong công tác giải phẫu bệnh luôn phải chịu khó, nhẫn nại, tỉ mỉ. Với những đóng góp nhỏ vào công tác chẩn đoán chính xác cho các trường hợp bệnh lý khối u – ung thư như thế, những “chiến sĩ” áo trắng giải phẫu bệnh âm thầm đó xứng đáng được vinh danh nhiều hơn nữa.
Phước Ly