ClockThứ Sáu, 02/02/2024 08:36

Những “chú ong non” chăm chỉ

TTH - Ngoài hai mươi tuổi... vì thiếu may mắn, mang trong mình những căn bệnh, để dù không mong muốn, các em phải trở thành những con người đặc biệt. Nhưng không vì thế mà các em thu mình lại, mà mỗi ngày, các em đều cố gắng vượt lên chính mình để có thể hòa nhập, làm những điều có ích...
Các em tự tin giao tiếp với khách 

Nỗ lực và sự đồng cảm từ “thượng đế”

“Từ từ, dọn bàn xong, khi bưng đồ đứng dậy, cháu phải nhìn lui xem có ai phía sau lưng mình không, như vậy khi cháu đứng lên mới không bị đụng và làm đổ đồ”, một vị khách hàng trung tuổi nhẹ nhàng nhắc nhở nhân viên quán khi cậu bé đang định bưng khay ly, nước đứng dậy.

Còn ở bàn nước bên cạnh, một nhân viên khác đang nhắc khách hàng ghi số bàn vào giúp mình sau khi ghi nước uống.

Đến quán cà phê Bee ở đường Nguyễn Sinh Cung, TP. Huế, khách hàng không khó để bắt gặp những điều đặc biệt đó, bởi nhân viên phục vụ ở đây là những bạn thiểu năng trí tuệ tự kỷ... là học sinh của Trường Chuyên biệt tương lai.

Trong số 55 em học sinh đang học tại trường, có 8 em “xuất sắc” được tham gia bồi dưỡng kỹ năng pha chế và phục vụ bàn tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế.

Sau khi hoàn thành khóa học, các em được thực hành và trải nghiệm là những nhân viên phục vụ bàn tại quán cà phê Bee do nhà trường mở.

Thấy khách bước vào quán, Văn Toàn (20 tuổi) nhanh chân đưa tấm menu đến cho khách chọn đồ uống. Bởi vì gặp khó khăn trong việc nói, nhưng Văn Toàn vẫn cố gắng giao tiếp bằng ngôn ngữ vừa dùng các cử chỉ để khách có thể hiểu rằng, Toàn muốn khách ghi số bàn trước khi đánh dấu thức uống cần chọn vào một mẩu giấy nhỏ có sẵn ở menu, để khi đồ uống được làm xong, Toàn không bưng lộn bàn cho khách.

Đáp lại những yêu cầu đó của nhân viên quán, chị khách hàng vẫn vui vẻ và không tiết kiệm những lời khen dành cho Toàn. “Quán gần nhà nên cũng hay ghé ủng hộ, lúc đầu vào quán mình không biết nhân viên quán là những “em bé” đặc biệt đâu. Lần đầu bước vào mình cũng có “khựng” lại và nghĩ vào lỡ rồi thì ngồi thử một lần. Nhưng chính sự hồn nhiên, dễ thương, cố gắng  và “chuyên nghiệp” hơn từng ngày của các em đã thuyết phục mình trở thành khách hàng quen của quán”, chị Hoàng Hương, ở Phú Thượng, Huế, bộc bạch.

Sau khi được ba chở đến quán, Hà Anh vui vẻ vào thay đồng phục, cùng các bạn sắp xếp lại bàn ghế, dọn dẹp quán để đón khách. “Được ra quán em vui lắm ạ. Ở đây em được gặp nhiều người. Về nhà em khoe với hàng xóm là em được đi phục vụ quán cà phê nhưng mọi người không tin, nói ai mà nhận bọn em vào làm. Nhưng bọn em đã làm được, mặc dù phục vụ còn chậm hoặc nhầm lẫn nhưng khách hàng ai cũng yêu thương và động viên bọn em”, Hà Anh chia sẻ.

Mong được mọi người đón nhận

Nhẹ nhàng buộc tạp dề lại cho bạn, Viết Thịnh (21 tuổi) không quên căn dặn bạn mình: “Nhớ buộc kỹ dây tạp dề, không được để tạp dề hay bất cứ cái gì rớt xuống ly nước của khách. Bạn bưng ly vào đi, mình lau bàn cho”. Mặc dù những lời nói của Thịnh không được lưu loát, nhưng ngồi bàn kế bên, chúng tôi vẫn có thể nghe và hiểu được những lời mà Thịnh nhắc nhở bạn mình.

“Được đi làm ở quán em vui lắm, về nhà ai cũng khen em giỏi hết. Em biết mình và các bạn còn phục vụ chưa được tốt, nhưng em mong mọi người có thể đón nhận chúng em. Bởi mọi người đón nhận thì chúng em mới có thể tiếp tục làm việc”, Viết Thịnh tâm sự.

Là giáo viên, gắn bó với các em từ khi các em mới được cha mẹ đưa tới trường, nay lại đồng hành cùng các em ra quán để hướng dẫn, hỗ trợ các em trong quá trình rèn luyện kỹ năng để vượt lên chính mình, cô Nguyễn Thị Lê Thu chia sẻ đầy tự hào: Các em tiến bộ nhiều lắm. Từ những đứa trẻ ngây ngô, không biết nói, chỉ cười trong vô thức, nay các em đã có thể đọc, viết, biết nhớ chính xác tên, tuổi, địa chỉ nhà và cả tên bố mẹ mình. Giờ đây, nhiều em còn thể giao tiếp lưu loát với khách hàng. Nhìn thấy các em trưởng thành từng ngày, không những tự phục vụ bản thân mà có thể bước ra xã hội, làm việc giống như những bạn trẻ khác, chúng tôi vui lắm. Đó không chỉ là “quả ngọt” của những người giáo viên, gắn bó với các em 5-10 năm như tôi, mà đó là thành quả của sự nỗ lực, cố gắng của các em và sự quan tâm, yêu thương của gia đình.

Hiện tại, có 8 em học sinh của Trường Chuyên biệt tương lai được chọn để phục vụ tại quán cà phê Bee. Các em sẽ được chia thành hai ca làm việc, một ngày đi làm và một ngày đi học tại trường. “Trong 6 tháng đầu, các em sẽ vừa làm vừa được dạy thêm các kỹ năng. 6 tháng tiếp theo, chúng tôi sẽ trả công theo ngày làm việc cho các em. Sau khi dạy ở trường cho các em, chúng tôi cũng đã thử nghiệm nhiều mô hình dạy nghề cho các em nhưng chưa thành công. Khi bắt đầu với ý tưởng mở quán cà phê để vừa dạy kỹ năng vừa tạo việc làm cho các em, chúng tôi cũng đắn đo nhiều lắm. Nhưng khi được các tổ chức hỗ trợ bước đầu và hơn hết được cộng đồng chấp nhận, chúng tôi rất vui. Chúng tôi hy vọng, chính nơi này, các em sẽ trưởng thành hơn, có thể hòa nhập cùng cộng đồng, được mọi người đón nhận, không kỳ thị và coi các em là những nhân viên phục vụ bàn bình thường chứ không phải là những “đứa trẻ đặc biệt””, cô Văn Thị Nhàn, Quản lý Trường Chuyên biệt tương lai chia sẻ.

Bài, ảnh: Thanh Thảo
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chăm chỉ mưu sinh

Mời khách vào ngôi nhà khang trang vững chắc, vợ chồng chị Trần Thị Bé và anh Trần Văn Quang (xã Phú Xuân, huyện Phú Vang) nở nụ cười nhẹ nhõm khi kể về những năm tháng vượt qua những chông chênh để phát triển kinh tế.

Chăm chỉ mưu sinh
Năng suất lao động Việt Nam còn thấp

Năm 2015, mỗi người Việt làm được gần 80 triệu đồng và với con số này, năng suất lao động của Việt Nam vẫn trong diện thấp nhất khu vực. Phải chăng là do người Việt kém cỏi, chậm chạp, lười biếng hơn hay vì những nguyên nhân khác? Trả lời câu hỏi này sẽ thấy được nguyên nhân vẫn còn nhiều người nghèo dù lao động vất vả.

Năng suất lao động Việt Nam còn thấp

TIN MỚI

Return to top