ClockThứ Bảy, 23/11/2024 14:06

Chăm chỉ mưu sinh

TTH - Mời khách vào ngôi nhà khang trang vững chắc, vợ chồng chị Trần Thị Bé và anh Trần Văn Quang (xã Phú Xuân, huyện Phú Vang) nở nụ cười nhẹ nhõm khi kể về những năm tháng vượt qua những chông chênh để phát triển kinh tế.

“Ai bảo chăn trâu là khổ”Vất vả mưu sinh, gồng mình chống nóng

 Những lúc rảnh rỗi, chị Bé tranh thủ đan giỏ đựng cá

Nhớ về cái thuở nhà là con đò, quanh năm lênh đênh trên mặt nước, chị Bé nói rằng cuộc sống gặp vô vàn những khó khăn. Nước sông gạo chợ, ăn bữa hôm lo bữa mai nên cái khó, cái nghèo cứ đeo đẳng. Những mùa mưa bão, vợ chồng con cái chống đò tìm về các làng để neo đậu, tránh trú. Khi nước to, gió dữ, họ phải neo lại thuyền, dắt díu nhau lên bờ tìm nơi cao trú ẩn, lòng đầy thấp thỏm lo âu không biết con đò là tất cả tài sản của gia đình có bị con nước nhấn chìm hoặc cuốn trôi.

Cuộc sống bước đầu ổn định khi được lên bờ định cư, nhưng khó khăn thì vẫn chất chồng. Nhà cửa tạm bợ, ẩm thấp, dột nát. “Mình phải cố gắng hai trăm phần trăm thôi” - chị Bé lại nở nụ cười. Vậy là vợ chồng đồng cam cộng khổ, đêm chạy ghe đánh bắt trên đầm phá, ngày vợ đi bán cá, chồng phụ thợ nề.

Mỗi đêm, khi con nước đứng là lúc họ bắt đầu công việc. “Giờ nước đứng bất chừng lắm, có khi 10 giờ đêm, nhưng có khi phải đến 2 hay 3 giờ sáng, khi đó cá tôm tụ lại một chỗ mình mới dễ dàng bắt”, chị Bé nói. Vào những đêm trăng, đợi con trăng lên, vợ chồng chị Bé mới bắt đầu thả lưới, bởi đó là lúc cá dễ “đóng” lưới nhất.

Mưu sinh trên đầm phá, vợ chồng chị Bé “rành” từng loại lưới để ứng dụng vào sản xuất. “Thả lưới 40 li thì để bắt ghẹ. Lưới 30, 35 li thì để bắt cá dìa, cá kình, lưới 15 li chủ yếu là cá thệ, cá ngạnh “dính”…”, chị Bé chia sẻ. Miệt mài cả đêm lao động, lúc bình minh đến cũng là khi tôm cá “nằng nặng”, họ quay ghe trở vào bờ. Khi chị Bé mang tôm cá đánh bắt được lên chợ để bán, thì chồng chị trở về nhà chuẩn bị đi phụ thợ hồ, tiếp tục một ngày mưu sinh.

Chị Bé nói rằng, một đêm lênh đênh trên đầm phá để bủa lưới cá tôm, vợ chồng chị kiếm được tầm vài trăm nghìn đồng. Cũng có những đêm hiếm hoi, họ cũng trúng được cá dìa, cá ong nặng ký, may mắn kiếm được cả triệu đồng. Nhiều năm chăm chỉ mưu sinh, rồi đi làm thuê làm mướn thêm để tăng thu nhập, tích lũy từng chút một, vợ chồng chị Bé đã có vốn liếng, cùng với sự hỗ trợ từ gia đình, họ đã nhận chuyển nhượng mặt nước trên phá để nuôi trồng thủy sản.

Bây giờ, mỗi lần “xuống vụ” vợ chồng chị Bé đầu tư cả trăm triệu đồng vào cá, tôm giống. Nhờ tích lũy được kinh nghiệm và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, cũng như nhiều ngư dân sinh sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, vợ chồng chị Bé tự tin với hiệu quả của mô hình nuôi tôm, cua, cá xen ghép mang lại thu nhập rất ổn định. Ba năm nay, ngoài việc đánh bắt cá từ thiên nhiên, gia đình chị Bé đã có nguồn thu từ mặt nước do gia đình quản lý, thả giống, nuôi trồng. Chăm chỉ làm việc, biết tích cóp, vợ chồng chị Bé đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, kiên cố, không còn phải lo lắng trước mỗi mùa mưa bão. Kinh tế cũng có đồng vào đồng ra để có thể chủ động trong cuộc sống và sản xuất.

Ông Phan Minh Việt, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân khẳng định: Gia đình chị Bé là một trong những hộ tiêu biểu của thôn Thủy Diện nói riêng và trên địa bàn xã nói chung đã nỗ lực thoát nghèo, vươn lên làm chủ cuộc sống. Tinh thần vượt khó ấy được lan tỏa trong cộng đồng, làm động lực cho rất nhiều gia đình khác tại địa phương. 

Bài, ảnh: HÀ LÊ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vất vả mưu sinh, gồng mình chống nóng

Do đặc thù công việc, nhiều lao động phải làm việc ngoài trời thường xuyên khi nhiệt độ thời tiết tăng cao. Ngoài kỹ năng phòng bị cho bản thân, các chuyên gia y tế khuyến cáo một số biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cần thiết cho nhóm đối tượng này.

Vất vả mưu sinh, gồng mình chống nóng
“Chạy đua” với tết

Cận tết, đêm ở chợ đầu mối Phú Hậu, chợ Đông Ba nghe rõ bước chân vội vã của những người làm nghề “cửu vạn”. Những cánh tay quệt lau mồ hôi, những bữa ăn vội, cái chợp mắt chỉ vài phút làm cho nhịp sống ngày gần Tết Giáp Thìn thêm hối hả. Nhiều chị em phụ nữ gồng mình bốc vác hàng nặng nhưng không quên hối nhau: “Chạy đua nhanh lên cho kịp tết”.

“Chạy đua” với tết
Những “chú ong non” chăm chỉ

Ngoài hai mươi tuổi... vì thiếu may mắn, mang trong mình những căn bệnh, để dù không mong muốn, các em phải trở thành những con người đặc biệt. Nhưng không vì thế mà các em thu mình lại, mà mỗi ngày, các em đều cố gắng vượt lên chính mình để có thể hòa nhập, làm những điều có ích...

Những “chú ong non” chăm chỉ
Đằng sau gánh nặng mưu sinh

Không khó để bắt gặp hình ảnh các cụ bà dưới nắng mưa, gió lạnh, bất kể ngày hay đêm vẫn miệt mài vất vả mưu sinh trên đường phố Huế. Đã bao giờ bạn thử ngồi xuống một gánh hàng rong, mua một thứ gì đó của các mệ và lắng nghe những nỗi niềm của người bán hàng khắc khổ? Chắc chắn bạn sẽ có được một trải nghiệm rất thú vị và nhận ra rằng bạn may mắn biết chừng nào.

Đằng sau gánh nặng mưu sinh
Return to top