Ngư dân Phú Vang vươn khơi sau bão số 5
1. Nơi tôi đứng, ngay sau trận cuồng phong vừa dứt chừng vài tiếng đồng hồ, trời nắng ráo. Làng biển lộ rõ vẻ xác xơ. Rất lâu rồi, cư dân miệt biển mới tận mắt chứng kiến sự nổi giận của “mẹ” thiên nhiên.
Trước khi bão đổ bộ, trên các nẻo đường, công nhân đi làm, người đi chợ, chủ hồ vẫn thư thả với con tôm dưới mặt nước, nhưng thiên tai đến sớm hơn dự báo khiến những con người này sợ hãi. Nhiều người thoát chết trong chớp mắt. Mô tả của anh Hồ Duy Hoàn (thôn 11, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) khi ẩn nấp trong trại tôm càng thấy thiên nhiên “đùa giỡn” rất khủng khiếp.
“Lúc đang xuôi bè cho tôm ăn, cuồng phong kéo đến, hất văng tôi xuống nước. Trại canh tôm của tôi rộng chừng 70m2 được lợp tôn, chỉ khoảng 4m2 được đổ bằng xi măng. Gió quá to khiến hàng chục tấm tôn “bung lụa” bay loạn xạ. Tôi đội mũ bảo hiểm nấp trong khoảng không 4m2 ấy, chẳng dám nhìn ra ngoài. Vợ con ở nhà cũng dắt díu nhau chạy sang nhà hàng xóm kiên cố hơn. Nếu gió bão kéo dài, không biết chuyện gì sẽ xảy đến…”, anh Hoàn kể.
Gần 40 năm sống ở vùng cát ấy, nhưng đó là lần đầu tiên anh Hoàn tận mắt sự khủng khiếp của thiên tai đi vào từ phía biển. Không chỉ Hoàn mà trong tâm thức của người dân vùng đất này, họ không sợ bão. Bởi sau dặm dài năm tháng, khi những ngôi nhà trở nên kiên cố, bão lớn, bão nhỏ vẫn đứng vững, thậm chí trước đây, trong ngôi nhà ấy, bão đến họ ngồi ngó gió, ngó mưa.
Một nhà dân tại xã Điền Hòa (huyện Phong Điền) bị hư hỏng do bão số 5
Nhưng nay, đối diện với bão số 5, nhiều người sợ hãi. Hàng loạt cây keo tràm, dương liễu, chắn gió, chắn cát to bằng cột nhà bật gốc, nứt toác, ngả nghiêng. Sóng biển gầm vang liên hồi. “Nghe đài dự báo trưa, chiều bão mới vô nên sáng sớm tôi vẫn chở vợ đi chợ. Chưa kịp về nhà, mưa to gió lớn ập đến bất ngờ khiến vợ chồng ngã trên đường, bên cạnh là keo tràm ào ào đổ xuống. May mắn lắm chúng tôi mới an toàn trở về trong sợ hãi”, anh Nguyễn Văn Quý (xã Điền Hòa) nói. Nhưng cũng đã có người không may mắn như anh Quý!
Lướt vội facebook sau bão, có quá nhiều dòng trạng thái của bạn bè. Trong không gian mạng ấy là vô vàn những hình ảnh xác xơ. Bạn tôi thả một dòng trạng thái: “Trong những ngọn núi trùng điệp mà đời người phải vượt qua thì những giây phút này, nhiều gia đình ở Huế phải vất vả leo lên ngọn núi của mình, đó là lo vá víu lại mái nhà cho lành lặn vì đã rách nát sau cơn bão số 5. Có nhiều gia đình đã lành lặn được mái nhà, thế nhưng còn nhiều nhà vẫn màn trời chiếu đất...”.
Bão đến, người chạy nhưng mái nhà, hồ tôm và những của cải khác của người dân miền biển biết đâu mà chạy. Những thứ đã tạo nên hình hài cuộc sống cho họ, mất đi rồi gánh nặng sẽ càng thêm trĩu trên đôi vai. Người dân bảo, bão số 5 là cơn bão “đặc thù”, đến nhanh, đi nhanh và mang theo nhiều thứ.
Vẫn còn đó những mái nhà chờ tôn; những con tôm nổi đầu thiếu ô xy; điện lưới một số nơi vẫn còn chập chờn, đèn dầu leo lét như những năm 90 của thế kỷ trước. Bão tan và tôi đoán chắc rằng ngư dân không còn tâm lý ngó gió, đếm mưa trong những trận cuồng phong chắc chắn sẽ còn đến trong tương lai.
“Cơn bão vừa qua, ở vùng biển này nếu nhà nào bị tốc mái thì sẽ tốc mái hoàn toàn. Bây giờ, ai cũng chạy đôn chạy đáo mua ngói, tôn để sửa sang lại ngôi nhà. Mấy hôm điện bị sự cố, máy phát điện không đủ công suất, tôm nổi đầu, sinh trưởng kém. Giá như chủ động sẽ ít thiệt hại hơn. Qua cơn bão vừa rồi, không chỉ tôi mà người dân làng biển ai cũng dè chừng hơn trong mùa mưa bão. Dự báo có thể thiếu chính xác nhưng bằng cách này hay cách khác con người có thể nắm thể chủ động”, anh Hoàn tâm sự.
2. Lạ lẫm! đó là tâm lý chung của nhiều người sau khi đón bão. Người dân vùng biển lại càng lạ hơn, bởi bão tan, biển không gầm rú, hung dữ như vốn có. Ký ức “vớt củi mục”, “lượm láng” (thu gom những thứ trôi dạt trên biển) sau bão không lặp lại. Có chăng nơi nào đó ở Phú Lộc, ngư dân đổ xô đi nhặt loại hải sâm trắng trôi dạt vào bờ.
Chợ chiều Phong Hải (Phong Điền), Vĩnh Tu (Quảng Công, Quảng Điền), Vinh Thanh (Phú Vang)… xuất hiện cá tươi đồng nghĩa với việc những chiếc thuyền nan đã chòng chành vượt sóng sau bão. Rất khó lý giải nhưng dân miệt biển rất thích đánh cá sau bão, bởi con nước lúc này dường như động cá tôm, đẩy chúng bơi vào vùng nước lộng. Nhiều ngón nghề tạm gọi là cổ của ngư dân lại xuất hiện trên bãi cát. Nếu “câu cá vạt”, “kéo véc” (kéo lưới gần bờ) giúp bữa cơm thường nhật thêm vị mặn thì lộc biển từ những chiếc thuyền nan vượt sóng mỗi chiều sẽ bù vào mái tôn bị bão cuốn đi. Không quá lớn lao nhưng như thế thôi cũng đủ giúp ngư dân gắn bó hơn với con sóng, trong hoàn cảnh biển đang từng ngày đổi khác.
Ngư dân Trần Công Toàn (xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền) bảo với tôi rằng, khá lâu rồi thuyền ông lại bén nước. Không phải vì tình yêu với biển nguội lạnh theo thời gian mà chính con nước biến đổi khiến nhịp chèo càng thêm mệt mỏi. Trò chuyện, ông Toàn không nói về sản lượng sau những chuyến vươn khơi thời điểm này mà ông hướng tôi đến cảnh mua bán của tiểu thương ở chợ cá mỗi chiều - “Họ còn bán nghĩa là thuyền chúng tôi vẫn còn “đạp” sóng”, ông Toàn nói gọn.
Có hai thứ nghề mà mỗi lần rảo bước về phía cát tôi thường nghĩ đến, đó là nghề theo đuôi con cá trên biển và nghề theo đuôi con tôm chân trắng trên bờ, tất cả đều xuất phát từ ngư dân. Con cá là sự ban phát của tự nhiên nhưng con tôm khiến tôi nghĩ đến những cồn cát bị xẻ dọc, chạy dài theo đường bờ biển từ Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang cho đến Phú Lộc.
Ông Trần Quang Thuận (xã Phong Hải) bỏ đuôi con cá theo đuôi con tôm cắc cớ: “Không chỉ con người phá vỡ tự nhiên mà chính tự nhiên cũng phá vỡ tự nhiên”, ấy là ông nhắc đến tình trạng biển xâm thực, và có thể không lâu nữa sẽ ngoạm lấy những hồ tôm sát nách con sóng của ông. Không chỉ cơn bão số 5 này, điều đó đã xảy đến qua những mùa bão trước.
Bây giờ, để không “chia rẽ” với tự nhiên, con người phải tìm cách thích ứng. Ví như, muốn hồ tôm không bị con sóng đe dọa, người dân cần chuyên nghiệp hơn trong việc đầu tư từng máy phát điện, hồ xử lý nước thải để không tạo thành những mương nước dẫn dụ biển xâm thực… Biết thế, nhưng sự thay đổi vẫn còn lắm gập ghềnh.
Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN