ClockThứ Hai, 31/12/2018 09:05

Những tấm lòng thơm thảo

TTH - Có những cô giáo đã dệt nên mùa yêu thương cho nhiều cuộc đời nơi miền núi cao A Lưới.

Hết lòng với học sinh vùng caoTấm lòng của cô giáo vùng caoNgười “gieo chữ” ở vùng cao

Những tấm lòng

Sáng sớm, cô Nguyễn Thị Tứ (nguyên Hiệu trưởng Trường mầm non A Roàng, nay là cán bộ Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện A Lưới) vội vã dắt xe ra khỏi nhà. Hôm đó chủ nhật. Cô Tứ cùng các cô giáo Phan Thị Thủy, Nguyễn Như Úy (giáo viên Trường mầm non Hồng Thượng), cô Lê Thị Chi (giáo viên Trường tiểu học Hồng Vân) cùng ngược xuôi đến thăm những học trò có hoàn cảnh đặc biệt. Nơi căn nhà nhỏ tềnh toàng của chị Then ở xã Hồng Thượng, cậu bé bị bệnh máu trắng đang ngồi trong lòng mẹ, thấy các cô giáo, nụ cười vui mừng sáng lên trên gương mặt nhợt nhạt.

Cô giáo Đặng Thị Hồng luôn bên cạnh cô học trò bị tai nạn, động viên em “đuổi” theo chương trình học sau khi hồi phục sức khỏe

Chị Then xúc động kể, sau những đợt chữa trị, con trai chị phải uống thuốc thường xuyên hằng ngày, nên các cô giáo chuẩn bị riêng cho bé chế độ dinh dưỡng đặc biệt. “Năm ngoái cháu là học trò lớp cô giáo Thủy, năm nay lên lớp do cô giáo Úy phụ trách. Các cô thương cháu, thương gia đình tôi. Chạy chữa cho con nên gia đình khó khăn càng khó khăn hơn. Đến những cánh rừng rất xa để vác keo tràm thuê, vợ chồng tôi phải cõng con đi từ lúc trời còn chưa kịp sáng. Thế nhưng hôm nào các cô cũng đã có mặt, ôm đứa trẻ còn ngủ trên lưng mẹ vào lớp chăm sóc”, chị Then xúc động. Không biết bao chủ nhật lui tới nhà chị Then, lúc tặng bao gạo, khi biếu gói bánh, hộp sữa cho học trò, trong lòng các cô giáo cứ day dứt, thương cảnh học trò nhỏ đau ốm nhưng phải ở nhà với đứa em, vì cha mẹ còn bận mưu sinh nơi những cánh rừng xa.

Rời nhà chị Then, các cô giáo ngược lên xã biên giới Hồng Vân để đến với học trò của cô giáo Chi. Ngôi nhà cũng tềnh toàng và thêm phần lạnh vắng khi người mẹ của 5 đứa trẻ vừa mới qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Người cha lặn lội vào rừng, làm thuê từ sáng sớm đến tối mịt, có lúc đi mấy ngày liền mới về nhà. Cậu anh trai cả 16 tuổi nghỉ học, cáng đáng công việc nặng nhọc. Bữa ăn của bọn trẻ là nồi cơm với chén muối. Trao cho các em gói bánh, cô Tứ cứ nắm mãi những bàn tay bé nhỏ…

Niềm vui của các cô giáo

Nếu gia đình chị Then có con bò, cặp heo để chị ở nhà vừa chăm con, vừa có việc. Nếu gia đình của 5 đứa trẻ mồ côi có cặp dê để chăn nuôi, từ đó sinh sôi nảy nở thành đàn...Những nung nấu trong tâm tư cô Tứ, cô Thủy… được các đồng nghiệp, cũng là những người bạn đồng hành trên nẻo đường yêu thương đồng lòng. “Khi mở lời với những mạnh thường quân, chúng tôi đưa ra thông tin từng hoàn cảnh cần giúp cái gì, giúp như thế nào là phù hợp nhất để họ có cơ hội lấy đà ổn định cuộc sống, rồi dần phát triển kinh tế gia đình”- cô Tứ tâm sự.

Cô Nguyễn Thị Tứ vui cùng niềm vui của những gia đình được tặng con giống, phát triển kinh tế

Nhận chia sẻ từ những tấm lòng, trên vai các cô là trách nhiệm, làm sao để chia sẻ đó đơm hoa kết trái mới thực sự có ý nghĩa, xứng đáng với sự tin tưởng, tình yêu thương của những người cho đi. Vậy nên, không chỉ mang đến giao con bò, cặp heo, cặp dê là xong. Các cô giáo tìm kiếm, học hỏi kiến thức để hướng dẫn cách làm chuồng, cách chăm sóc, thường xuyên tranh thủ chạy lui chạy tới để cùng theo dõi sự phát triển của vật nuôi, cũng là để cổ vũ người nhận cảm thấy luôn được đồng hành trong giai đoạn khó khăn nhất mà cố gắng.

Mới bốn tháng trôi qua, con bò cái trị giá 9 triệu đồng đã “mơn mởn”trong chuồng nhà chị Then. Cặp heo giống bây giờ mỗi con cũng đã 50 kg. “Từ khi được tặng bò, heo, tôi loanh quanh gần nhà chăm sóc con, vừa đi hái rau, xin nước mã chăn nuôi. Bò, heo sẽ đẻ con. Gia đình tôi mừng và vui lắm”- chị Then bày tỏ.

Sự hớn hở của những đứa trẻ mồ côi mẹ ở xã Hồng Vân hôm ấy, khi theo chân cặp dê lên đồi phía sau nhà gặm cỏ làm dậy lên niềm vui trong lòng cô Tứ, cô Thủy, cô Chi… “Cùng đợt đó chúng tôi cũng kết nối và chuyển chia sẻ của mạnh thường quân là cặp dê cái đến gia đình ông Kha ở thị trấn A Lưới. Vợ ông Kha bệnh, mất để lại 4 đứa con. Ông Kha đi làm thuê được 3 triệu đồng mỗi tháng, rất nhiều khó khăn nên thỉnh thoảng chúng tôi ghé đến tặng bao gạo, cho mấy đứa nhỏ áo quần”- cô Tứ nói.

Niềm vui của các cô giáo nhân lên bội phần khi “đi xin” được kinh phí đủ để xây dựng một ngôi nhà vững chắc cho gia đình chị Tiền ở thị trấn A Lưới. Chồng chị Tiền đã mất. Đứa con út cũng mất vì ung thư máu, còn lại ba đứa con đang tuổi ăn học. Mấy mẹ con nương tựa vào nhau trong căn nhà dột nát. Người mẹ kém may mắn lại đang mang trong người căn bệnh ung thư vú. Cuộc sống quá chông chênh. Bây giờ, ngôi nhà mới đang được khởi công xây dựng bằng sự chia sẻ của những tấm lòng nhân hậu, thông qua sự kết nối của các cô giáo, cán bộ ngành giáo dục A Lưới. Ngôi nhà sẽ hoàn thành trước tết để mẹ con chị Tiền đón một mùa xuân thật ấm.

Tôi trở về xuôi mà không quên mang theo những trải lòng từ người thân của cô học trò Trường THPT A Lưới, cô bé bị tai nạn nguy kịch, phải điều trị dài ngày tại Bệnh viện Đại học Y dược Huế, được các cô giáo kết nối, giúp đỡ kịp thời: “Tình yêu thương của cô giáo Đặng Thị Hồng, giáo viên chủ nhiệm của cháu và nhiều giáo viên, cán bộ phòng giáo dục huyện, những tấm lòng hảo tâm là liều thuốc quý trong sự phục hồi sức khỏe cho con tôi”.

QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyện nghề của những cô giáo mầm non

Làm cô giáo mầm non, cái nghề “sớm con muộn chồng” ấy trải qua biết bao câu chuyện buồn vui. Thật sự yêu nghề, mến trẻ bằng tất cả cái tâm sáng trong của một người mẹ thì các cô mới có thể làm tròn sứ mệnh của mình.

Chuyện nghề của những cô giáo mầm non
“Ấm tình mùa đông” hỗ trợ phụ nữ khó khăn xã biên giới Hồng Bắc

Ngày 18/11, tại Nhà văn hóa xã Hồng Bắc (A Lưới), Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp Trường tiểu học Phường Đúc (TP.Huế) tổ chức chương trình “Ấm tình mùa đông” lần thứ 9 năm 2024, hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

“Ấm tình mùa đông” hỗ trợ phụ nữ khó khăn xã biên giới Hồng Bắc
Khi các cô giáo nghỉ hưu

Hoàn thành sứ mệnh "trồng người", các nhà giáo trở về cuộc sống đời thường. Đẹp biết bao, dù ở đâu và làm gì, họ vẫn được mọi người tôn vinh, kính trọng bởi tác phong mô phạm với lối sống giản dị, sáng trong cùng những việc làm, hoạt động có ý nghĩa cao đẹp…

Khi các cô giáo nghỉ hưu
Cô và trò Hồng Thái

Hồng Thái là xã nằm ở vùng giáp biên giới Việt - Lào và cũng là xã đặc biệt khó khăn của huyện A Lưới. Nơi đây, bà con dân tộc Tà Ôi chiếm hơn 91%; sinh kế chủ yếu của người dân là sản xuất nông - lâm nghiệp.

Cô và trò Hồng Thái
Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đặc thù

Ngày 15/11, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện A Lưới tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm 1 năm thực hiện Đề án 2036 “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang Quân khu 4 ở vùng đặc thù trên địa bàn huyện A Lưới giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”.

Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đặc thù
Return to top