ClockThứ Bảy, 11/05/2024 14:37

Niềm vui đời thường

TTH - Nhà có ba anh em thì anh trai cả và tôi đều sinh sống và làm việc ở tỉnh xa. May mà có vợ chồng cô em út làm nhà ngay trong vườn, sát cạnh nhà cha mẹ đã già yếu, đỡ đần sớm hôm lúc các cụ trái gió trở trời. Để phần nào “bù đắp” về việc mình không thể thường xuyên chăm sóc được cha mẹ, thời gian qua, lần nào về quê tôi thường đến siêu thị gần nhà, tranh thủ mua những loại thức ăn tốt cho sức khỏe của người già, cất vào tủ lạnh để cha mẹ dùng dần. Đồng thời, xin số điện thoại của nhân viên siêu thị, kết bạn zalo. Siêu thị có dịch vụ ship hàng tận nhà cho khách. Các bạn nhân viên cũng nhiệt tình tư vấn (gửi kèm hình ảnh qua zalo) nên dù ở xa, tôi vẫn có thể dễ dàng chọn lựa những loại trái cây tươi ngon cho cha mẹ.

“Liều thuốc bổ” của mạ

 

Nhưng rồi một hôm, khi tôi gọi điện thoại hỏi thăm, mẹ bảo tôi từ nay đừng mua hàng ở siêu thị nữa. Nghĩ thầm chắc mẹ lại tiếc tiền cho con gái, vì có lần cụ đã từng xuýt xoa rằng, giá mấy loại trái cây ở siêu thị đắt hơn nhiều so với người ta bán ngoài chợ. Đang định “trấn an” cụ, thì mẹ tôi tiếp lời: “Nếu khi nào mua, con nên mua hàng tại cô L., ủng hộ để cô ấy có động lực vững bước trên chặng đường gian khó”.

Trước đó, tôi đã được nghe em gái kể chuyện về cô L., một đồng nghiệp của em bị mắc căn bệnh ung thư quái ác. Trải qua những cuộc phẫu thuật và những lần hóa trị, cô L. phải rất kiên cường và nỗ lực để rèn luyện phục hồi sức khỏe. Tai họa tiếp tục ập đến, khi chồng của cô bị tai biến nặng, cũng phải phẫu thuật, tưởng chừng không qua khỏi. Thời điểm đó, cô L. là điểm tựa cận kề ngày đêm chăm sóc người chồng. Cùng với sự hết lòng của đội ngũ y, bác sĩ, có lẽ tình yêu thương tận tụy của người vợ là “liều thuốc” quý, giúp chồng cô L. phục hồi, dù sức khỏe không còn được như trước.

Tiền bạc để chữa trị bệnh cho cả hai vợ chồng khiến kinh tế gia đình trở nên khó khăn vô cùng. Vậy nên, cô L. bắt đầu bán hàng online (trái cây, thực phẩm tươi sống và nhiều mặt hàng thiết yếu của cuộc sống), công việc phù hợp với một viên chức. Sau giờ làm việc tại cơ quan, cứ buổi trưa hoặc chiều tối, người phụ nữ kiên cường, mạnh mẽ trước bệnh tật, tai ương cuộc đời, lại miệt mài đi “trả đơn”, dù mưa rét hay nắng nóng, kiếm thêm thu nhập bằng những giọt mồ hôi. Trong số khách hàng quen của cô, rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp “ngoài đời” và bạn bè trên mạng xã hội facebook – những người đã dõi theo và khích lệ ý chí kiên cường trước bệnh tật hiểm nghèo, lan tỏa tinh thần lạc quan, năng lượng tích cực vào cuộc sống của người phụ nữ ấy.

Vui vẻ “tuân lệnh” mẹ, tôi trở thành khách hàng quen của cô. Và mỗi lần đặt mua hàng, dường như niềm vui rất đời thường trong tôi được “nhân” lên hai lần. Đó là thực hiện trách nhiệm, tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, vừa ủng hộ được người phụ nữ có thái độ sống đáng trân trọng ấy.

QUỲNH ANH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Niềm vui trong những ngôi nhà nghĩa tình

Nhiều ngôi nhà khang trang, bền đẹp, giúp các gia đình khó khăn sớm ổn định cuộc sống là cách làm thiết thực, hiệu quả của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh.

Niềm vui trong những ngôi nhà nghĩa tình
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha

TIN MỚI

Return to top