ClockThứ Ba, 02/04/2024 14:14

“Liều thuốc bổ” của mạ

TTH - Dù một năm về quê rất nhiều lần, nhưng mỗi lần gói ghém đồ đạc để về nhà mẹ con tôi đều bồi hồi, nôn nao khó tả. Chẳng cần gọi như “hò đò” vào mỗi buổi sáng, mới hơn 5 giờ sáng, tôi đang cựa mình để xem giờ thì lanh lảnh bên tai giọng con trai tỉnh rót, chẳng có chút gì ngái ngủ của một đứa trẻ 5 tuổi khi thức dậy sớm. Mấy giờ rồi mẹ, sáng chưa, để con dậy đi về ngoại… Những câu hỏi cứ dồn dập, cùng với hành động bật dậy dứt khoát, đi thẳng vào nhà vệ sinh để đánh răng, rửa mặt của cu cậu càng khiến niềm vui, sự háo hức khi chuẩn bị về quê của tôi được nhân lên.

"Của để dành"

 

Đi qua những cánh đồng lúa đang thì con gái, ngồi trong xe nhưng dường như mùi ruộng đồng, mùi của yên bình cứ vương đâu đó, hiện rõ trong trí nhớ của một đứa trẻ lớn lên từ ruộng đồng như tôi. Sau hơn 5 tiếng đi xe, về tới cánh đồng lúa gần nhà, hạ cửa xe xuống tôi hít một hơi thật sâu, thật mạnh, để hít hà sự thanh bình của “hương đồng gió nội”… cho thỏa những nhớ thương.

Phải gần trăm mét nữa mới đến cửa nhà nhưng thấy chồng tôi đột ngột dừng xe, chưa kịp thắc mắc chuyện gì thì nghe cậu con trai nhỏ liến thoắng, cùng vẻ mặt rạng ngời: “Ngoại ơi, con đây này, con về tới rồi này”. Mở cửa xe, đón đứa cháu nhỏ trong vòng tay, ngoại chưa kịp nói câu nào thì cu cậu lại nhanh nhẩu: “Ngoại đợi con có lâu không, chứ con thấy đi lâu ơi là lâu. Ngoại biết vì sao không, vì con nhớ ngoại lắm luôn đó”. Nghe tới đây thì mạ tôi cũng phải bật cười rồi âu yếm trả lời đứa cháu láu cá: “Vì ngoại cũng nhớ con nên phải đi bộ xuống đây đợi để nhanh được gặp con hơn đó”.

Vẫn bóng lưng đó, nhưng tôi nhận ra bước chân của mạ ngày một chậm hơn, bởi nay mạ cũng đã gần 70. Bồng cháu đi bộ một quãng dài, nhưng mạ nhất quyết không để cháu xuống. Có lẽ mạ muốn ôm cháu thật chặt, cưng nựng đứa cháu ngày đêm thương nhớ. Đi qua những đoạn đường không có bóng râm, tôi lại thấy mạ nghiêng vành nón, che cho đứa cháu nhỏ, mặc dù trên đầu cháu đã có mũ. Đó chính là phản xạ của sự yêu thương.

Những cử chỉ đó lại khiến lòng tôi nghèn nghẹn. Ba mạ tôi cả đời lam lũ nuôi bốn chị em tôi khôn lớn. Sinh ra và lớn lên trong khó nhọc, nhưng chúng tôi luôn nhận được trọn vẹn yêu thương. Sự yêu thương đó được nối tiếp qua các thế hệ. Nhờ thế, đứa con trai bé nhỏ của tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương của gia đình lớn và con cũng luôn dành cho ngoại một tình yêu đặc biệt.

Khi chúng tôi trưởng thành, ba mạ bớt cực một chút, thì chị đầu tôi mất, ba mạ tôi lại sống với nỗi nhớ thương, mất mát. Không lâu sau, ba tôi lại qua đời. Ba mất đột ngột khiến chị em tôi hụt hẫng, chơ vơ vô cùng. Sau những nỗi nhớ, những đêm dài thức trắng, chúng tôi biết mình còn có một gia đình nhỏ để lo toan. Nhưng mạ thì khác, nỗi buồn lẻ bóng vẫn luôn ở đó.

Cứ mỗi lần con cháu về chơi, quây quần được một vài hôm rồi ai lại phải về nhà nấy để đi làm, đi học... tiếp tục với cuộc sống bộn bề lo toan. Mạ lại lủi thủi đi vô, đi ra với mảnh vườn, con gà, con chó xồm của mạ. Những lần chia tay ngoại, đứa con trai của tôi lại nước mắt ngắn, nước mắt dài vì vừa nhớ ngoại, vừa nhớ con xồm của ngoại. Chỉ vì thấy con khóc, tôi vô tình trêu, hay là mẹ chở xồm về Huế với con, để con nuôi xồm nhé. Những tưởng con trai sẽ thích mà đồng ý liền, nhưng câu trả lời của con trai lại khiến tôi phải suy nghĩ, phải cay khóe mắt: “Con nhớ xồm, thích xồm lắm lắm luôn, nhưng xồm vào ở với con thì ngoại cũng nhớ xồm rồi ngoại buồn. Mà xồm ở với ngoại thời gian lâu hơn nên vào Huế xồm cũng sẽ nhớ ngoại lắm đó mẹ. Thôi vào Huế nhớ ngoại, nhớ xồm thì con lại điện thoại để gặp ngoại, để xồm ở lại đây làm bạn với ngoại...”. Một đứa trẻ chưa được sáu tuổi đã nhận ra được sự cô đơn của ngoại khi nó biết ngoại râu (ông ngoại) không còn nữa. Mà người lớn đôi khi mải mê với công việc mà “bớt” đi những cuộc sum vầy, đoàn tụ với mẹ cha khi còn có thể.

Thời gian chẳng bao giờ quay trở lại, thanh xuân của mạ cũng vậy. Điều mà một đứa con gái lấy chồng xa như tôi có thể làm không chỉ là ngồi ở xa điện “ship” đến cho mạ những món ăn ngon, hộp thuốc bổ mà là “chạy” về bên mạ bất cứ lúc nào có thể, hay bất cứ lúc nào mạ cần. Không chỉ về một mình mà phải luôn mang cả đứa cháu yêu thương, “liều thuốc bổ” tinh thần về cho mạ.

Vy Vy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), chiều 25/3 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện, Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN huyện Phú Vang đã tổ chức đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương
Mùa ớt the cay

Hôm nay, mạ tôi lại gọi cho tôi. Thói quen từ khi tôi rời nhà đi làm, hễ có món chi ngon thì bà lại gọi. Cá sòng kho xổi với ớt xanh, chỉ đơn giản như thế thôi nhưng qua cách mạ kể, tôi như nếm được vị mặn mòi của con cá biển hài hòa với chất ớt the cay.

Mùa ớt the cay
Đất cằn tỏa tinh hương

Được ví là nơi "khô cằn sỏi đá", người dân vùng gò đồi Phong Sơn - Phong Xuân - Phong Mỹ ở phía tây huyện Phong Điền từng bán tín bán nghi khi một doanh nhân đem hàng chục tỷ đồng về quê xây nhà máy sản xuất tinh dầu dược liệu. Và giờ họ đã tin, đã vui khi đón làn "gió đồng ngát hương" của mùi dược liệu.

Đất cằn tỏa tinh hương
Nguyễn Thanh Hiếu - Người anh hùng thầm lặng - Bài 2: Để lại quê hương dáng hình “tạc vào thế kỷ”

Nguyễn Thanh Hiếu, sinh năm 1938, quê ở vùng ven biển Cảnh Dương thuộc thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, thoát ly năm 1960. Trước khi lên chiến khu, ông mang tên: Nguyễn Văn Chiến. Giải thích lý do ông Nguyễn Thanh Hiếu xâu lỗ tai, ông Nguyễn Thanh Thảo cho biết, cha mẹ tôi sinh 6 người con. Do 4 người con đầu toàn gái, sợ khó nuôi nên khi sinh anh Chiến (tức Hiếu), mạ tôi cho bấm lỗ tai.

Nguyễn Thanh Hiếu - Người anh hùng thầm lặng - Bài 2 Để lại quê hương dáng hình “tạc vào thế kỷ”
Return to top