ClockChủ Nhật, 28/01/2024 12:29

“Nồi cháo yêu thương”

TTH - Những phần cháo dù nhỏ, giá trị không lớn, nhưng lại chứa đựng tấm lòng yêu thương của những sinh viên Trường đại học Luật, Đại học Huế.

Nồi cháo yêu thương

Các thành viên Đội Công tác sinh viên phân chia nhau nấu cháo và phân thành các phần cháo 

“Nồi cháo yêu thương”

Khi đêm đã sâu, nhiều người đã bắt đầu chìm vào giấc ngủ, cũng là lúc hàng chục thành viên của Đội Công tác xã hội, Trường đại học Luật, Đại học Huế phân công nhau tỏa đi khắp nơi trong TP. Huế để phát những phần cháo còn nóng hổi đến những người lao động trong đêm. 100 phần cháo thịt đã nhanh chóng được trao đến tận tay những người thật sự cần.

Bằng nguồn kinh phí tích lũy được thông qua các hoạt động bán hàng và sự hỗ trợ của các cá nhân, “Nồi cháo yêu thương” từ đó hình thành. Buổi sáng, một số thành viên đi chợ, lựa chọn những loại thực phẩm tươi ngon, gồm thịt heo, cà rốt, khoai tây… Các loại thực phẩm được sơ chế và bảo quản cẩn thận. Vào buổi chiều, đúng giờ hẹn, các thành viên của đội tập hợp lại, phân chia nhau để bắt đầu nấu cháo. Những phần cháo sau đó được múc vào trong các hộp cẩn thận, gói trong các túi kèm theo muỗng và giấy ăn.

Sinh viên Trần Nguyễn Phước Triển, Đội trưởng Đội Công tác xã hội, Trường đại học Luật chia sẻ, hàng ngày, ở trên các tuyến phố vẫn bắt gặp những cụ ông, cụ bà phải mưu sinh trong giá rét; những cô chú miệt mài làm việc để gìn giữ sự sạch, đẹp cho thành phố; những em nhỏ phải bươn chải sớm vì gia đình gặp khó khăn... Vì vậy, “Nồi cháo yêu thương” ra đời với mong muốn mang đến những phần cháo làm ấm lòng những người còn đang gặp khó khăn đó; hay tiếp thêm nguồn năng lượng để các cô, chú tiếp tục “sứ mệnh” bảo vệ sự sạch, đẹp cho thành phố trong đêm.

 Gửi tặng phần cháo đến một cụ bà mưu sinh trong đêm

Cầm trên tay hộp cháo còn nóng, bà Sương, năm nay đã 72 tuổi, làm nghề bán vé số xúc động cho biết, hiện nay nhiều người bán vé số, nên việc bán ngày càng khó hơn. Ban ngày bán không được nhiều, nên bà tranh thủ bán thêm vào ban đêm. Khi các hàng quán vãn khách, bà mới trở về nhà. Nhiều khi đói bụng bà cũng cố gắng để về đến nhà ăn cho tiết kiệm. Giữa cái se lạnh của những ngày cuối năm, khi đêm đã về khuya, bước chân bà đã rã rời sau một ngày đi bộ để bán vé số, nhận lấy phần cháo bà không kìm được vẻ xúc động. Bà chọn một vị trí phù hợp gần đó và bắt đầu ăn cháo một cách ngon lành.

Trần Nguyễn Phước Triển cho hay, sau khi tặng cháo xong, các thành viên luôn cố tình ở lại lâu hơn một tí để trò chuyện, động viên các ông, bà phải làm việc trong đêm khuya. Sau khi rời đi, các thành viên quan sát xem các ông, bà, cô, chú có ăn cháo hay không. Đa số các phần cháo đều được ăn hết. Thế là khi đó, cả nhóm nhìn nhau cười, biết rằng những phần cháo đã được sử dụng hữu ích. Cả nhóm vui vẻ tiếp tục hành trình đi tặng cháo của mình.

Lan tỏa tình yêu thương

“Nồi cháo yêu thương” là hoạt động định kỳ được các sinh viên Trường đại học Luật tổ chức. Không chỉ có hoạt động tặng cháo, những chàng trai, cô gái tuổi mới đôi mươi này còn thực hiện hoạt động “Bữa sáng yêu thương”, để đem đến những ổ bánh mì đầy ắp tình cảm dành cho người đang gặp khó khăn ở các bệnh viện.

Sinh viên Nông Thị Tuyết, Đội Công tác sinh viên chia sẻ, nhìn thấy các cô chú vất vả làm việc trong đêm, em lại nhìn thấy bóng dáng của bố mẹ mình ở quê trong đó. Bố mẹ ngày ngày vất vả làm việc để chu cấp cho em ăn học. Qua mỗi hoạt động, nhận lại những nụ cười của những ông, bà, cô, chú, anh, chị… em lại cảm thấy ấm lòng và tự nhủ như mình đang mang lại nụ cười cho bố mẹ và người thân của mình. Đó cũng chính là một phần động lực để em tham gia tích cực hơn với hoạt động hiện tại và trong thời gian đến.

Đội Công tác xã hội, Trường đại học Luật cho biết, trong thời gian đến đội sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động gây quỹ để có thể tổ chức thêm các hoạt động ý nghĩa. Không chỉ có “Nồi cháo yêu thương”, “Bữa sáng yêu thương” mà sẽ có nhiều hoạt động khác nữa. Mong rằng chương trình sẽ lan tỏa đến nhiều người, đặc biệt là những sinh viên không chỉ trong Trường đại học Luật mà cả sinh viên bên ngoài.

ThS. Huỳnh Tây, Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Trường đại học Luật, Đại học Huế nhìn nhận, việc tham gia các hoạt động thiện nguyện, hướng về cộng đồng thể hiện sự đồng cảm của sinh viên với nỗi vất vả của những người còn khó khăn. Thông qua các hoạt động cũng là cách để sinh viên nuôi dưỡng tấm lòng chia sẻ và quan tâm đến mọi người xung quanh. Góp phần xây dựng thế hệ trẻ vừa có năng lực chuyên môn, vừa biết sống cho cộng đồng.

Bài, ảnh: Đức Quang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhà yêu thương từ những “mảnh ghép”

Căn nhà là có thật, còn “mảnh ghép” là biểu tượng của sự chung tay từ lời kêu gọi thông qua trang web, fanpage và các đội nhóm tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Từ tình yêu thương của cộng đồng, một mái ấm dần thành hình và tương lai sẽ có nhiều mái ấm như thế…

Nhà yêu thương từ những “mảnh ghép”
Gom đủ yêu thương

Mỗi khi có chuyện không vui, nàng lại đi mua hoa. Nàng thích đi bộ ra khu chợ gần nhà. Gọi là “gần”, nhưng đến nơi thì mồ hôi cũng lấm tấm trên vầng trán. Mà kỳ thực, ra đến hàng hoa là nàng thấy tâm trạng tốt hơn. Cũng có thể do năng lượng tích cực từ sắc hoa tươi tắn, hoặc đi bộ giúp tinh thần thư thái hơn. Cả hai điều này đều được khoa học minh chứng hẳn hoi.

Gom đủ yêu thương
Chia sẻ yêu thương với người bệnh

Nhằm cải thiện bầu không khí nặng nề, u buồn, đau đớn trong bệnh viện, đặc biệt là ở những nơi dành cho bệnh nhân ung bướu, bệnh nhi..., nhóm tình nguyện viên (TNV) thuộc dự án “Một bức tranh - nhiều hy vọng” đã có sáng kiến đặt những bức tranh, ảnh đẹp, tươi sáng vào phòng bệnh và hành lang.

Chia sẻ yêu thương với người bệnh

TIN MỚI

Return to top