ClockThứ Hai, 30/10/2023 15:13

“Điều em muốn nói”

TTH - “Em ước gia đình em hạnh phúc, không có cãi vã, ba mẹ em dễ tính”. “Con muốn gia đình không có bạo lực”. Đó là hai trong số hàng trăm lời nhắn gửi được đính lên Cây mong ước trong chương trình Vòng tay yêu thương.

Chăm lo cho phụ nữ và trẻ em mù, khiếm thịĐa dạng các hoạt động truyền thông bảo vệ trẻ em

 Học sinh huyện Phú Vang nhắn gửi những mong muốn trong chương trình Vòng tay yêu thương. Ảnh: Hội BVQTE

Những tâm tư

Giữa những mong ước trẻ thơ như con muốn làm diễn viên, con muốn làm ca sĩ, hàng trăm ước muốn này của các em học sinh tại huyện Phú Vang đã để lại những suy ngẫm cho nhiều bậc phụ huynh và cả những người làm công tác bảo vệ trẻ em.

Không chỉ không muốn gia đình cãi vã hay bạo lực, nhiều ước muốn của con trẻ được ghi nhận tại chương trình đã làm cho người đọc không khỏi cảm thấy xót xa. Như “Ba mẹ hãy hiểu con, tôn trọng con và đừng so sánh con với... con người ta”. “Con không muốn trở thành một ai khác, con chỉ muốn là chính mình”. “Đừng bắt con phải làm những điều mà con không muốn”. “Đừng đánh con, con đau lắm”.

Những lời nhắn gửi trên được đính vào Cây mong ước, là nơi các em có thể bày tỏ ước mong, nguyện vọng của mình, những điều mà các em muốn nói. “Điều em muốn nói”, đó cũng chính là thông điệp chủ đề được Hội Bảo vệ quyền trẻ em (BVQTE) tỉnh lồng ghép trong chương trình Vòng tay yêu thương được thực hiện tại TP. Huế và huyện Phú Vang vào tháng 9 vừa qua.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, Chủ tịch Hội BVQTE tỉnh cho biết: “Đọc những dòng tâm sự của các em, chúng tôi rất xúc động. Bên cạnh những lời cảm ơn, những tình cảm của các em dành cho cha mẹ và thầy cô, Cây mong ước còn ghi nhận những tâm sự, nỗi lòng sâu kín mà các em muốn giãi bày. Từ đó, các phụ huynh, thầy cô và cả chúng tôi cũng sẽ lắng nghe để thấu hiểu và tôn trọng những mong muốn của các em”.

Để trẻ lên tiếng

Cùng với công tác đồng hành, chăm sóc và bảo vệ, lắng nghe trẻ em nói là một trong những hoạt động được Hội BVQTE tỉnh chú trọng. Không chỉ vì trẻ em có quyền được lên tiếng, được tự do thể hiện quan điểm và ý muốn trước những vấn đề liên quan tới mình. Những ý kiến của các em cũng là cơ sở thực tiễn quan trọng để các cơ quan, ban, ngành, những người làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em thực hiện chính sách có liên quan đến trẻ em một cách có hiệu quả và thiết thực.

Khéo léo lồng ghép các hoạt động để khuyến khích trẻ em bày tỏ suy nghĩ, cảm nhận của mình, ngoài Cây mong ước, nhiều chương trình do Hội BVQTE tổ chức đã và đang ghi nhận sự đóng góp ý kiến của trẻ em liên quan đến các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến các em như bảo vệ quyền trẻ em, phòng, chống bạo lực học đường, phòng, chống xâm hại...

Đại diện Hội BVQTE tỉnh thông tin: Các hình thức để lắng nghe tiếng nói, tâm tư của trẻ em rất đa dạng. Hướng dẫn tổ chức diễn đàn trẻ em tại Thông tư số 29/2019/TT- BLĐTBXH ban hành ngày 26/12/2019 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ rõ, diễn đàn này là hoạt động để đại diện của trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của trẻ hoặc để cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em về những vấn đề về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em. Tại phiên thảo luận, trẻ em sẽ trao đổi, thảo luận thống nhất nội dung ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị, thông điệp của diễn đàn. Từ đó, tại các diễn đàn, diễn giả và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan sẽ trả lời thỏa đáng, chia sẻ với những ý kiến mà các em đưa ra, đồng thời thông tin về những kế hoạch, chương trình hành động cụ thể trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em có liên quan.

Cùng với diễn đàn lắng nghe trẻ em nói, các phiên tòa giả định, những hội thi với nội dung lồng ghép, lắng nghe tiếng nói của trẻ em trong phòng, chống bạo lực học đường, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, tìm hiểu về quyền trẻ em cũng thường xuyên được Hội BVQTE tổ chức. Đây là những hoạt động thiết thực và ý nghĩa để các cấp hội có thể lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các em. Từ đó có cách nhìn đa chiều về những vấn đề mà các em đang gặp phải để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các em tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Mai Huế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chăm lo đời sống hội viên

Hội viên khó khăn có nguồn lực vươn lên, hội viên nghèo luôn nhận được sự giúp đỡ, quan tâm. Đó là kết quả mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) đã và đang có được nhờ những cách làm hay như xây dựng các nguồn quỹ, kết nối các mạnh thường quân để kịp thời giúp đỡ, đồng hành cùng hội viên.

Chăm lo đời sống hội viên
Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Return to top