Từ thời thiếu nữ cho đến thuở nên duyên vợ chồng, dắt díu nhau về thôn Cù Dù sinh sống, nghề này đã giúp gia đình mệ vượt qua nhiều sóng gió cuộc đời. Khi chuyển về ở khu tái định cư Lộc Vĩnh, các con đã vào Nam lập nghiệp, mệ vẫn thủy chung với sông nước.
Từ 5 giờ sáng, mệ Khuyên soạn tay lưới, vợt, xô đựng cá... lên chiếc xuồng nhỏ bắt đầu hành trình bủa lưới như bao bạn nghề khác trên sông Cảnh Dương. Cùng hai chiếc dầm tay, mệ thoăn thoắt hướng ra khu vực rừng ngập mặn và làm công việc quen thuộc (thả lưới, thu lưới) như hơn 60 năm qua.
Gặp lúc trời thương, thu hoạch cá, tôm, cua, ghẹ khá… mệ bán được hai ba trăm ngàn, khi “hèn” chỉ được vài chục ngàn. “Giàu có chi con ơi, chẳng qua sông nước là cuộc đời không thể rời xa. Con cái nói mạ lớn rồi, tiền tiêu hàng tháng mấy đứa đều gửi về đầy đủ, dặn mạ nghỉ ngơi nhưng làm việc như ri cũng là một cách rèn luyện sức khỏe. Mà mệ yêu nghề ni lắm! Chỉ có mùa đông và ốm đau là mệ không đi thả lưới, còn lại vẫn gắn bó với con nước như một thói quen”.
“Người ta đi có đôi có bạn, đằng này mệ làm nghề một mình vừa chèo vừa thả lưới. Bình quân mỗi ngày lênh đênh chèo cả chục cây số chơ không ít. Trai tráng như tui e mần không được như mệ mô”, một ngư dân làm nghề trên sông Cảnh Dương cho hay.
Bí quyết để duy trì sức khỏe, chèo thuyền thả lưới dẻo dai của mệ Khuyên chính là chế độ ăn cơm nhiều cá, làm nghề đều đặn, tinh thần thoải mái. Chị Võ Thị Nhung Xuân, Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Vĩnh cho biết: “Tuy lớn tuổi nhưng mệ tham gia đều đặn các hoạt động địa phương. Vợ chồng mệ còn là tấm gương sống mẫu mực cho nhiều người trẻ noi theo”.
Cùng Thừa Thiên Huế Online xem lại một buổi mưu sinh của nữ ngư phủ kỳ cựu này:
Tại khu vực sông Cảnh Dương (vùng giáp biển), công việc của mệ Khuyên bắt đầu từ 5 giờ sáng cho đến 4 giờ chiều.
Chiều dài làm lưới kéo dài khoảng 3 cây số, một ngày mệ thả lưới và thu lưới mấy bận, tương đương với gần 10 cây số.
Khu vực gần rừng đước là bãi đẻ cho các loài thủy sản nên dễ có cá mắc lưới
Chiếc xuồng nhỏ, dầm tay, lưới, vợt, xô đựng cá… gắn bó với mệ Trần Thị Khuyên nhiều năm qua
Người ta đi có đôi, một người chèo một người thả lưới, riêng mệ thì một mình làm tất cả các công đoạn rất điệu nghệ.
Dấu vết thời gian và tình yêu sông nước
Bữa trưa của mệ Khuyên thường là ổ mì hoặc gói mì tôm. Mệ thường vào các chòi nuôi tôm xin nước sôi và nghỉ ngơi dùng bữa dưới chân cầu Bù Lu.
Thưởng thức ngụm nước lá, thư thái hưởng cơn gió mát cũng là niềm vui đơn giản của nữ ngư phủ già này.
Nụ cười trong nắng
…Tùy ngày, có khi thu hoạch vài cân cá, có khi chỉ vỏn vẹn vài con nhưng mệ vẫn đi bủa lưới một cách say mê
Vợ chồng anh Trần Văn Bửu là người thu mua trực tiếp thủy sản của mệ. Anh Bửu nói hễ nghe mệ a lô có cá là anh ra bến đón ngay.
Những đứa trẻ hàng xóm thường tò mò ngồi chơi, hỏi chuyện những khi mệ cập bờ, thu lưới về nhà.
Chồng mệ là ông Trần Ghe, 83 tuổi, lúc còn khỏe ông làm ruộng và phụ giúp mệ may vá lưới, mỗi khi mệ trở về đã có ông lo chuyện cơm nước.
Minh Tuệ (Thực hiện)