Chăm sóc cây trồng giữa Trường Sơn. Ảnh: Tư liệu
Thừa Thiên Huế có nguồn dược liệu khá đa dạng, từ loại dược liệu thực vật, động vật và khoáng chất, dược liệu rừng, gò đồi, đồng bằng, đầm phá đến dược liệu biển. Những năm gần đây, công tác bảo vệ và bảo tồn hệ sinh thái rừng của tỉnh có những kết quả khả quan, nâng độ che phủ rừng lên đến 60,67%. Nhiều hoạt động cải thiện sinh kế địa phương vùng đệm được thực hiện có hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều người tham gia vào công tác bảo tồn thiên nhiên. Việc bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu trên địa bàn tỉnh được các doanh nghiệp, tổ chức và người dân triển khai thực hiện thông qua các hoạt động hợp tác, các dự án được tài trợ. Dự án Trường Sơn Xanh là một điển hình.
Trường Sơn Xanh là dự án do USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) hỗ trợ hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế bảo tồn trữ lượng các bon hiện có. Một trong những hoạt động chính của dự án là cải thiện sinh kế cho các cộng đồng địa phương phụ thuộc vào rừng thông qua biện pháp tiếp cận chuỗi giá trị và quan hệ đối tác với khu vực tư nhân.
Ở Thừa Thiên Huế, dự án Trường Sơn Xanh chính thức khởi động từ năm 2016, hướng đến việc bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, phát triển miền núi, cũng như tăng cường bảo vệ môi trường trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, Trường Sơn Xanh đã thiết lập mối quan hệ đối tác với 10 tổ chức/công ty. Thừa Thiên Huế có Công ty Hoa Nén, Công ty Liên Minh Xanh, Hội Thiên nhiên vì cuộc sống, Công ty Trà vả Lộc Mai…
Với nỗ lực cải thiện sinh kế cho người dân khu vực vùng đệm, bảo tồn đa dạng sinh học của vườn quốc gia và khu bảo tồn, dự án Trường Sơn Xanh đã không ngừng tìm kiếm các giải pháp, mô hình sinh kế thích hợp để nhân rộng. Trong mối quan hệ đối tác với Công ty Trà vả Lộc Mai, hai đơn vị đã liên kết phát triển kinh tế từ mô hình trồng và phát triển các sản phẩm từ quả vả, nhằm giám áp lực vào rừng tự nhiên, đồng thời bảo tồn được nguồn gen quý của loài cây đặc trưng xứ Huế này. 235 hộ gia đình ở huyện Phú Lộc, nằm trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Bạch Mã đã tham gia và được cải thiện sinh kế từ mô hình này.
Với mục tiêu “liên kết để phát triển kinh tế”, thông qua mô hình này, dự án Trường Sơn Xanh đã thành lập được 5 tổ hợp tác phục tráng vả, với sự tham gia của 75 hộ gia đình. Trong quá trình này, dự án hỗ trợ bà con 12 khóa tập huấn hướng dẫn kỹ thuật về lập kế hoạch hoạt động của tổ hợp tác, cùng các kỹ năng về chăm sóc, phục tráng, chiết cành, thu hái, sơ chế và bảo quản vả.
Từ kết quả vận hành thành công mô hình liên kết sản xuất như trên, các nông hộ đã biết nhiều hơn về giá trị kinh tế của cây vả. Số lượng đăng ký tham gia mở rộng diện tích vùng nguyên liệu cho Công ty Trà vả Lộc Mai ngày càng tăng. Bên cạnh đó, dự án Trường Sơn Xanh cũng chú trọng việc hỗ trợ nâng cao năng lực cho Lộc Mai nhằm đảm bảo chuỗi giá trị từ quả vả được duy trì bền vững. Theo đó, Lộc Mai được hỗ trợ xây dựng quy trình sản xuất quả vả theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu, xây dựng câu chuyện sản phẩm và tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm.
Ông Đỗ Đăng Tèo, Phó Giám đốc Dự án Trường Sơn Xanh cho biết, trong quá trình thực hiện các mô hình thuộc dự án, Trường Sơn Xanh đã đánh giá sự thành công sự trên 6 yếu tố then chốt, gồm: chất lượng cây giống, quy trình kỹ thuật, số lượng và chất lượng, hợp tác công - tư - cộng đồng, dịch vụ tài chính và thị trường. Trong số này, quy trình kỹ thuật, số lượng và chất lượng, hợp tác công- tư- cộng đồng là những yếu tố đang bị “nghẽn” và cần được cải thiện để tăng lợi thế cạnh tranh. Sau khi xác định các điểm nghẽn, Trường Sơn Xanh đã thúc đẩy giải pháp cải thiện bằng cách tăng cường sự hợp tác và nâng cao vai trò của khối tư nhân, nhất là cộng đồng người dân. Từ đó, thiết lập, duy trì mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi, đồng thời huy động các nguồn lực trong cộng đồng để nhân rộng các mô hình.
“Hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế theo mô hình liên kết doanh nghiệp và nông hộ mà chúng tôi thực hiện đã đạt được nhiều thành công dựa trên cách tiếp cận theo chuỗi giá trị. Việc tìm kiếm, liên kết với các đơn vị thu mua sản phẩm để phát triển các mô hình sinh kế cho nông dân đã tạo ra bước đột phá so với cách tiếp cận truyền thống, phát huy được các tài nguyên sẵn có của địa phương nhưng thiếu nơi tiêu thụ. Bên cạnh đó, việc các nông dân liên kết với nhau tạo ra khối lượng sản phẩm đủ lớn sẽ thu hút được các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Chính vì huy động được các nguồn lực một cách hiệu quả từ cộng đồng, nên vai trò của Trường Sơn Xanh chỉ là thúc đẩy các mô hình phát triển, chứ hoàn toàn không phải là dự án hỗ trợ và đầu tư cho các mô hình”, ông Đỗ Đăng Tèo nhấn mạnh.
ĐỒNG VĂN