ClockThứ Tư, 22/02/2023 05:39

Phụng sự xã hội, lan tỏa yêu thương

TTH - Hội Phản ứng nhanh (PUN) 75 Huế đã có những tháng ngày xông pha chống dịch đầy hiểm nguy, song rất đáng tự hào. Bước sang tuổi thứ hai, những con người luôn mang tinh thần xung kích tình nguyện ấy vẫn sẵn sàng “đáp lời” khi cộng đồng cần…

Kết nối và tri ân các chiến binh PUN 75Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thăm, tặng quà Hội Phản ứng nhanh 75Nhiệt huyết & yêu thương

Gia đình bé Nguyễn Thành An nhận áo đồng phục trong ngày gặp lại các thành viên hội

Dốc sức vì đồng bào

Trong chiếc điện thoại của Lê Cảnh Thành Luân, một người chuyên làm in ấn quảng cáo tràn ngập ảnh hoạt động hỗ trợ chống dịch COVID-19. Luân cười bảo không nỡ xóa bớt, bởi đó là những khoảnh khắc ý nghĩa khi anh được phụng sự cộng đồng. “Không ai nghĩ có ngày, một người gắn bó với mực, giấy lại hỗ trợ, giúp đỡ được nhiều người như thế. PUN 75 cho mình nhiều kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, đánh thức tinh thần xung kích để được “cháy” hết mình hơn bao giờ hết”, anh Luân nói.

Dẫu bộn bề với công việc áo cơm hàng ngày, song người đàn ông trung niên này vẫn dành chút thời gian lắng đọng kể về ký ức khó quên khi trở thành thành viên PUN 75 và xông “vào trận” chống COVID-19. Đó là thực hiện trung chuyển người dân về quê tránh dịch qua Thừa Thiên Huế, đưa người bệnh đi điều trị, an táng cho người nằm xuống…

Vợ ở nhà chăm hai đứa con sinh đôi cùng ông bà, biết anh tình nguyện làm công việc nguy hiểm, cả nhà đều lo lắng. Rồi anh đi một mạch… mấy tháng trời, chỉ liên lạc, không dám về nhà sợ “rủi ro”, lây bệnh cho gia đình. “Nhìn đứa trẻ đỏ hỏn theo mẹ là F0 từ Bình Dương về; người nằm xuống vì bệnh trong khi gia đình cách ly tứ tán… mình ước có thể làm được nhiều hơn, chia sẻ vất vả, xoa dịu bớt nỗi đau của bà con”, anh Luân kể. Chính vì vậy, không chỉ anh mà hàng chục hội viên PUN 75 khác đều dãi nắng, dầm mưa suốt ngày trong bộ áo quần bảo hộ kín mít. Nhiều anh chị em không kịp ăn uống, ngủ trên thùng xe đợi lệnh, vận chuyển bệnh nhân xuyên đêm.

Trần Thị Hoài, một sinh viên vừa mới ra trường kể về kỷ niệm chống dịch cùng PUN 75, kèm theo hình ảnh minh họa từ chiếc điện thoại nhỏ xinh. “Chao ơi, không thể kể hết mô chị ơi. Mỗi trường hợp một kỷ niệm, em có đủ thông tin, hình ảnh còn lưu giữ cả đây. Đêm 29 tết năm trước, tụi em đón ba bệnh nhân lớn tuổi khi nồng độ oxy máu của họ đang xuống thấp. Có người chỉ số SPO2 còn 43. Tới Bệnh viện Phổi thì một bác mất. Tụi em ôm nhau ngồi khóc trong bất lực”, Hoài nhớ lại.

Giờ đây, Hoài đã ra trường, có việc làm. Không còn là một cô gái mít ướt, dễ xúc động nữa. Hoài cho rằng, hành trình cùng PUN 75 phụng sự cộng đồng tuy vất vả, gian nan nhưng là thanh xuân đáng nhớ của cô gái trẻ. Tự đáy lòng, Hoài thầm cảm ơn thời gian đồng hành cùng PUN 75 dốc sức giúp đồng bào. “Theo các anh chị, em đã học được cách làm việc theo nhóm, cách xử lý tình huống, các kỹ năng mềm cấp cứu…”, Hoài nói.

Nở hoa yêu thương

Mẹ chị N.T.H (TP. Huế) mất trong thời điểm dịch căng thẳng, nhà vừa có người dương tính và những người khác đang cách ly. Không biết tìm ai vì lúc đó ai cũng hoang mang lo lắng, may mắn có PUN 75. Anh chị em hội đến giúp gia đình an táng bài bản, đàng hoàng. “Thật sự không có PUN 75, việc hậu sự của mẹ mình không biết sẽ ra sao”, chị H. kể. Cảm ơn và chung tay hỗ trợ người khó khăn, gia đình chị trích tiền phúng điếu gây quỹ cùng PUN 75 chống dịch.

Đến bây giờ, chị Nguyễn Thị Thu Hằng vẫn không quên được cảm giác lo âu khi lên cơn chuyển dạ giữa tâm dịch. Chị nhớ lại: “Cồn Hến phong tỏa, mình thì vừa đau vừa cố nín vì không biết đi sinh kiểu chi. May được mấy chú PUN 75 đưa lên Trung tâm Y tế TP. Huế. Đến giờ vẫn không biết ai chở mình vì họ mặc đồ bảo hộ kín mít. Thiệt tui chỉ biết tri ân các anh chị tận đáy lòng”. Con trai chị được đặt tên Nguyễn Thành An, ghi nhớ sự bình an khi mẹ một mình vượt cạn giữa dịch bệnh.

Hành động, nghĩa cử của PUN 75 gieo vào cộng đồng tình yêu thương khó diễn tả hết bằng lời. Bill Phạm, một thanh niên ở phường Tây Lộc (TP. Huế) ghi lại cảm xúc của mình trên tài khoản cá nhân khi đứng giữa lằn ranh sống chết. Trong lúc nhiễm Sars-CoV-2 nằm mê man, anh chỉ nhớ được số điện thoại của PUN 75 và nhấn nút cầu cứu. Ngực như đông đặc lại, Bill Phạm dùng hết sức nhắn 1 tin nhắn cuối cho người thân. Vào thời khắc này, các anh chị PUN 75 xuất hiện, anh được cho thở ô xi, chăm sóc, tư vấn tâm lý. Quá cảm kích, ngay khi tỉnh táo trở lại, anh viết những lời cảm ơn và mong được nhận vào hội để cùng chung tay giúp đỡ nhiều người.

Nhiều thành viên xông vào nguy nan, san sẻ cùng đồng bào lúc khó khăn. Cao điểm 15 chiếc xe được PUN 75 huy động làm phương tiện chuyên chở, có tháng tiêu thụ xấp xỉ 4.000 lít xăng. Anh chị em phục vụ quên ăn, quên ngủ, quên cả hiểm nguy. Ấy vậy, tình yêu vẫn đơm hoa trong gian khó. PUN 75 se duyên cho hai cặp đôi. Một cặp là tài xế trung chuyển với bệnh nhân đi cách ly; một cặp là hai tình nguyện viên trong hội. 

Giữa những tháng ngày chung sức vì cộng đồng, 150 hội viên PUN 75 không ngại khó khăn gian khổ. Ai cũng bảo anh chị em cùng một chí hướng mới làm được nhiều công việc ý nghĩa như vậy. Anh Nguyễn Đình Anh Khoa, Chủ tịch Hội PUN 75 bảo, thương nhất là ai cũng phải “chọc mũi”, test thường xuyên, di chuyển mỗi ngày, tiếp xúc với hóa chất liên tục. Người này mệt thì người khác vào thay. Người ra tiền tuyến thì người ở nhà làm nhiệm vụ hậu phương. Tất cả chung chí hướng san sẻ khó khăn, hỗ trợ cộng đồng trong những lúc mọi người cần nhau nhất.

Không lo thất nghiệp

PUN 75 có quyết định thành lập của Chủ tịch UBND tỉnh ngày 9/11/2021, là tổ chức xã hội; tổ chức và hoạt động theo Điều lệ được UBND tỉnh phê duyệt. Đến nay PUN 75 có hơn 150 thành viên. Trong thời kỳ chống dịch COVID-19, các thành viên đã trung chuyển hơn 10 ngàn lượt người về các khu cách ly, bệnh viện tuyến Trung ương; test tầm soát toàn dân 36 phường và các ổ dịch trọng điểm; ATM ô xy hỗ trợ 36 phường, xã; khâm liệm các trường hợp mất vì COVID-19 tại nhà; kêu gọi hỗ trợ 125 tấn nhu yếu phẩm gửi vào miền Nam…

Trả lời câu hỏi sau dịch bệnh, PUN 75 sẽ làm gì, Chủ tịch Hội PUN 75 liệt kê: “Hỗ trợ mở ví điện tử trên Hue-S, hỗ trợ bà con nông dân trong một số hoạt động, phối hợp cùng các đơn vị y tế khám, chữa bệnh ở vùng cao, giúp những nơi cần trong thiên tai, thảm họa. PUN 75 không lo thất nghiệp khi xã hội còn cần”.

Mỗi người tham gia PUN 75 đều cần sức khỏe tốt để tình nguyện phục vụ. Các thành viên đều linh hoạt trên các lĩnh vực, sự vụ càng khó lại càng thu hút đông người chung tay. Nhân sự biến động thường xuyên, vì thế, công tác tập huấn kỹ năng phải tiến hành liên tục. Một khó khăn với PUN 75 chính là huy động kinh phí cho từng chương trình, hoạt động. “Cũng may có hệ sinh thái cùng các doanh nghiệp và nhiều cố vấn chuyên môn. Tài khoản PUN 75 gắn 5 số điện thoại, được kiểm toán hẳn hoi, tài chính minh bạch nên mới tạo ra niềm tin cho mọi người. PUN 75 trở thành một mái nhà chung cho những người có tinh thần chung tay chia sẻ hỗ trợ cộng đồng”, Hội trưởng Nguyễn Đình Anh Khoa tự hào.

Trong buổi gặp gỡ cùng các hội viên PUN 75, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cho rằng: “Năm tháng chống dịch ắt hẳn trong tâm trí nhiều người dân Huế có hình ảnh đội PUN 75 xông xáo, không nề hà hiểm nguy. Sự vào cuộc của lực lượng tình nguyện chống dịch PUN 75 đóng góp vào việc bảo vệ sức khỏe và phòng, chống dịch COVID-19. Lãnh đạo các cấp và cộng đồng đánh giá cao tinh thần tình nguyện của PUN 75. Mong các anh chị luôn giữ vững niềm tin và khí thế trong những ngày chống dịch để luôn đồng hành với người dân trong các sự vụ cấp thiết”.

Bài, ảnh: TUỆ NINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa mạnh mẽ tình yêu biên cương Tổ quốc

Được các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh sôi nổi, hưởng ứng, tham gia; là hoạt động có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân về truyền thống đoàn kết quân - dân, truyền thống anh hùng của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, là thành công của các cuộc thi.

Lan tỏa mạnh mẽ tình yêu biên cương Tổ quốc
Bước chân không mỏi

Ngoài công việc của một cán bộ hội, hơn 10 năm qua chị Võ Cẩm Thành, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Xuân (Phú Vang) là một trong những nhân viên thu tiêu biểu trong phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình.

Bước chân không mỏi
Phát huy thế mạnh nhân viên thu

Được mệnh danh là “cánh tay nối dài” của cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH), đội ngũ nhân viên thu là những người góp phần quan trọng trong việc đưa các chính sách bảo hiểm đến gần hơn với người dân, góp sức đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Phát huy thế mạnh nhân viên thu
Phát triển nhà ở xã hội: Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 1: Giải bài toán về nhu cầu

Các cơ quan, ban ngành liên quan cần phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là yêu cầu của Ban Bí thư tại Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới (Chỉ thị 34). Thừa Thiên Huế đã có nhiều giải pháp phát huy hiệu quả của Chỉ thị này nhằm thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế đầu tư 7.700 căn hộ.

Phát triển nhà ở xã hội Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 1 Giải bài toán về nhu cầu
NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 9/11:
Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật

Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tạo sự đồng thuận của Nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật

TIN MỚI

Return to top