ClockThứ Sáu, 25/01/2019 13:15

Quê hương đâu có bao xa

TTH - Trở lại TP. Hồ Chí Minh lần này, tôi theo địa chỉ tìm đến một quán ăn mà khi bắt gặp tên tôi đã thầm kêu lên “Huế” nhất Sài Gòn là đây chơ mô nữa!”. Đó là quán “Ruốc” của một người mà tên đã từng nằm trong cặp của nhiều thế hệ học trò với những bài thơ về tuổi hoa thật dễ thương- nhà thơ Mường Mán.

Sài Gòn nắngChất Huế

Văn hóa "mắm ruốc" trở thành ký ức khó phai với mỗi người Huế (Ảnh minh họa). Ảnh: TS 

“Ruốc” lời tri ân mạ - tri ân Huế

Khi nghe tôi nói từ Huế vô, nhà thơ Mường Mán và vợ đón tôi thân tình như một người con, cháu trong nhà. Tôi hỏi ông ngay về cái tên đặc biệt của quán, chỉ một chữ mà chứa đầy đủ hương thơm, vị mặn mà rất riêng của ẩm thực Huế- vị ruốc- thì được ông chia sẻ như là một nỗi nhớ sâu thẳm: “Khi có ý định mở quán ẩm thực Huế ở Sài Gòn, chú suy nghĩ thật nhiều về cái tên. Phải tìm một cái tên chưa ai đặt mà nghe là có thể hình dung ngay mùi vị món ăn Huế. Và cái tên “Ruốc” này đã đến trong đêm khuya, chú phải bật dậy viết ngay ra giấy!”

Sinh ra ở làng Chuồn- một ngôi làng nổi tiếng với những loại hải sản ngon, tươi của vùng đất Huế - nhà thơ Mường Mán (tên thật là Trần Văn Quảng) tường tận về món ăn của quê hương qua từng bữa cơm mạ nấu “Mạ chú là người nấu ăn rất ngon, bà là người “công-dung-ngôn-hạnh” nên bà xã chú khi về làm dâu cũng học được nhiều điều, nhờ rứa vào Sài Gòn mới mạnh dạn mở quán ẩm thực Huế và bà còn được mời dạy nấu món ăn Huế trên truyền hình nữa đó”. Và cái tình của ông khi mở quán “Ruốc” cũng rất đậm đà, rằng người Huế vào Sài Gòn lập nghiệp nhiều, thương nhớ quê hương họ tìm ăn món Huế, nếu nấu không đạt, ông sợ họ buồn.

Quán “Ruốc” của ông thực đơn gần 100 món, có những món khó (theo mùa), như bún giấm nuốc cũng có luôn, rồi nào là bún bò Huế, bánh bèo, nậm, lọc, ram, ít, cơm cá bống kho khô, thịt heo dưa giá... tất tần tật đều có và tất tần tật đều là hàng từ Huế chuyển vào. Thực phẩm tươi ông nhập theo đường máy bay, thực phẩm khô nhập bằng đường xe khách. Khi tôi ngồi chơi với ông thì cũng là lúc người ta chuyển hàng từ xe khách đến. Và dĩ nhiên, không thể thiếu hương vị làng Chuồn: bánh khoái cá kình, bánh tét, rượu gạo - món rượu mà nhạc sĩ Văn Cao mê nhất ở xứ Huế mưa dầm.

Người ta thường nói quê hương đâu ở nơi xa mà ở chính trong từng hương, vị của món ăn. Ai đến quán của ông cũng hỏi món nào ngon nhất, món nào là đặc sản nhất, ông hóm hỉnh “Quán tôi chỉ có một món ngon, những món còn lại đều rất ngon!”. Khi tôi hỏi ông về vị ruốc, ông bật mí “Quán món nào cũng có ruốc, đó chính là bí quyết nêm nếm của Huế và của ... mạ chú”. Nhờ bí quyết ấy mà quán “Ruốc” của ông đứng vững hơn 10 năm ở đất Sài Gòn trong khi rất nhiều quán ẩm thực Huế ở đây tồn tại được vài ba năm.

Ẩm thực đôi khi cũng đem đến cho con người niềm tự hào về quê hương của mình. Chữ “ Ruốc” mộc mạc làm tên quán của ông là một điểm để “thấy” Huế giữa lòng Sài Gòn chộn rộn, thấy cả một vệt dài xanh ngắt sông, biển, đầm phá của xứ Huế mộng mơ dậy hồn trong một sinh vật bé nhỏ. Với ông, “Ruốc” là lời tri ân thầm lặng quê hương Huế và Mạ “Con nuốc thương nhớ ngàn khơi/Con chim nhớ tổ, con người nhớ tông/Và con thương nhớ mạ khôn nguôi”. 

Quê hương đâu có bao xa

Với nhà thơ Mường Mán, quê hương đâu có bao xa, quê hương ở rất gần... ngay trong thơ ca và truyện ngắn của ông. Nổi tiếng trên văn đàn với bút danh Mường Mán từ những năm 1960, ông đem Huế đến với bạn đọc qua nhiều tác phẩm mà được yêu thích nhất là bài “Qua mấy ngõ hoa”. Cái chất Huế đặc sệt trong “o nớ”, “o ni”,“có chi mô”, “mạ” đã làm hệ thống từ địa phương xứ Huế - vốn là một phần trở ngại nho nhỏ trong giao tiếp hàng ngày ở trong Nam, ngoài Bắc - trở nên duyên dáng, đáng yêu. Rồi những truyện dài “Lá tương tư”, “ Một chút mưa thơm”... tất cả đều là Huế.

Quê hương Huế còn rất gần trong các bức tranh sơn dầu của ông. Năm 2006, ông trở lại với niềm đam mê vẽ mà trước đó ông đã dành 15 năm trình bày bìa sách cho Công ty Văn hóa Phương Nam. Ông bảo, vẽ Huế theo nỗi nhớ “màu tím Huế xa”: mưa Huế, sen Huế, con gái Huế, âm nhạc Huế, cảnh Huế.  “Quê hương đâu có bao xa, ngay trong tâm mình đó thôi!”, ông chia sẻ thật nhẹ nhàng.

Điều chia sẻ cuối của buổi trò chuyện

Tôi hỏi ông về cái tên đặc biệt “Mường Mán”, ông cười thú vị - đó là tên của một ga xép nhỏ ở Phan Thiết - ông tình cờ biết được qua một bản tin ngắn - và bút danh ấy đi suốt cuộc đời văn nghiệp của ông cho đến bây giờ.

Khi tôi hỏi ông nhớ nhất điều chi về Huế thì ông bảo ông nhớ nhất hình ảnh mạ ông ngồi ôm cà - mèn cơm chờ ông trước cổng Trường Nguyễn Tri Phương- người mạ quê tần tảo ấy đã khai tâm nghề viết của ông “đó là chữ của thánh hiền, con phải cẩn thận” có giá trị như một triết lý sống giúp ông luôn cẩn trọng từng chữ, từng câu trong bài ngắn, bài dài".

Mạ cũng là quê hương nên quê hương đâu có bao xa....

Và tôi biết có rất nhiều người con xa quê trong cuộc đời này đã có những cảm xúc về quê hương như ông, họ cũng đã yêu thương quê hương như yêu thương mẹ của mình.

Xuân An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
Tình yêu Hà Nội của một người Huế

Tôi cầm trên tay tập thơ Phở bia hơi và lời yêu Hà Nội của tác giả Nguyễn Duy Tờ trong những ngày lòng ngập tràn nhớ nhung Hà Nội - nỗi nhớ của một người Huế trót yêu vùng đất Hà thành và mùa thu chốn ấy.

Tình yêu Hà Nội của một người Huế
“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc

Tập tùy bút, ghi chép “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” (NXB Phụ Nữ Việt Nam) đã được tác giả - nhà báo Minh Tự giới thiệu đến công chúng, những người yêu sách tại Phố sách Hà Nội (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc
Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Return to top