Muôn vàn yêu thương
1. O con gái ở Sài Gòn chuyển về Huế làm việc. Ngay tuần đầu đã khoe phát hiện ở Huế có nhiều quán cà phê… mèo. Tôi chưa kịp khám phá thì chỉ hơn tuần sau, o đã bồng về một con mèo. Hỏi răng đây, o thản nhiên, mèo con mới mua, 2 triệu đồng, tên hắn là Đậu. Tôi dòm kỹ, một chú mèo vàng ú na ú núc, nặng tới 6 -7 cân. Vợ không ưa nuôi mèo chó, tỏ vẻ bực bội. O con gái thản nhiên, mẹ đừng lo, con đã có nhà cho Đậu, dây xích, túi xách để thỉnh thoảng mang “em” đi thư giãn, thức ăn và cả cát vệ sinh cho mèo nữa… Hỏi ngó đủ thứ con hè, o con gái lên giọng, còn nhiều thứ nữa ba ơi! Tôi tò mò. O con gái bảo, hắn bị thiến rồi nên ba cứ gọi là Đậu, hiền lắm ba ơi. Để sở hữu được Đậu, o con gái phải mấy buổi làm quen và gần gũi. Còn chuyện giới tính, ừ hí, hèn chi tôi nghe tiếng Đậu kêu meo meo lí nhí, không giòn vang như mấy gã mèo quê.
Những ngày đầu nhập gia, Đậu bị xích lại nhưng tỏ vẻ rất an phận và ngoan ngoãn. Đậu nhà tôi khá đẹp. Ngoài vóc dáng to cao mà lúc đầu khiến không ít người phải giật mình, Đậu còn có khuôn mặt bầu bĩnh với đôi mắt xanh lè. Đặc biệt, Đậu có chiếc đuôi thật dài. Ban đầu tôi không khỏi bất ngờ về ăn ngủ, chuyện vệ sinh và cả chuyện dạo chơi của Đậu. Ăn kiểu “bệnh nhân”, thường chỉ món hạt, thỉnh thoảng “bồi dưỡng” thêm món pa tê. Vệ sinh có toa-let cát và ngủ có ngôi nhà riêng. Lúc đầu cũng có đôi lần, Đậu bỏ nhà lang thang khiến cả nhà phải nhác nháo kiếm tìm. Còn bây giờ thì Đậu đã yên phận, sáng chiều sớm tối, cứ thế lên xuống từ tầng 1 lên tầng 3. Đôi lúc, đi làm về thấy Đậu ngồi ngay trước cổng nhà, dáng vẻ trầm tư.
2. Xưa ở làng, mạ cũng hay nuôi mèo. Nhà ở nằm sát cánh đồng lúa, chuột phá quá dữ, nuôi mèo là để bắt chuột. Thế nhưng, hình như cái số của mạ không hạp duyên với mèo. Mèo nuôi con chết sớm, con bị mất cắp, con bỏ đi… Nhớ dạo trước ngày giải phóng, nhà nuôi được chú mướp mau to chóng lớn, lại láu lỉnh. Mới là gã thiếu niên mà đã bắt được chuột, lại còn biết cách khoe công với chủ nữa chứ, đem xác chuột ra ngay giữa thanh thiên bạch nhật vờn giỡn. Đùng cái, một buổi tối chừng đâu 9 - 10 giờ, cả nhà đang ngủ bỗng nghe tiếng nổ “đùng”. Thì ra mấy eng dân vệ đi tuần, thấy mướp nhà tui nên trổ tài… ngắm bắn. Mướp chết rồi, chị em tôi buồn thúi ruột, cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ.
Sự đời, cái gì gần gũi thì thân quen, còn xa cách đâm hóa lạ. Quen với Đậu mèo lai, bất ngờ gặp lại chú mèo ta, tôi giật mình. Không chỉ vóc dáng bé nhỏ, mà cả dáng đi và điệu bộ cũng khác. Cạnh bên mèo Tây, mèo ta mình như mấy cô diễn viên Việt khoe body với các minh tinh màn bạc Hollywood. Lại nữa, dẫu có gần gũi và thân thiện với người thì mèo ta vẫn giữ khoảng cách, nhất là với khách lạ. Nhớ mâm cơm của ngoại xưa bao giờ cũng có cái chén “bể” dành cho mèo. Vào bữa ăn, mèo được ngồi chung mâm với người. Nó khác xa với phận chó, chỉ được phép quẩn quanh bên dưới. Hậu quả là, đã có nhiều cuộc hỗn chiến chó - mèo xảy ra, mâm cơm của ngoại đôi lúc tung tóe. Tục ngữ bởi vậy mới có câu “Ăn ở như chó với mèo”. Đậu nhà tôi bây giờ không ngồi chung mâm với người, nhưng cũng phải “cơm bưng nước rót” đàng hoàng.
3. Nhân bàn về quan niệm dân gian, phải nói rằng mèo là con vật xuất hiện dày đặc trong ca dao, tục ngữ Việt với nhiều góc nhìn đa diện. “Chó treo mèo đậy” là lời ông bà khuyên con cháu phải cẩn thận trong mọi hành vi thường nhật. Nếu có kẻ ranh ma, đạo đức giả như “mèo khóc chuột” thì cũng có kẻ ngây thơ như làm chuyện “chuột cắn dây trói cho mèo” để cứu kẻ thù! Trong tướng số học, người nữ phải “ăn như mèo” mới đắc cách, mới sang trọng, còn người nam thì phải ăn hùng hục như cọp mới là tướng đại quyền. Bởi thế mới có câu “nam thực như hổ, nữ thực như miêu!” là thế.
Trong những thành ngữ, xem chừng quá hiếm hoi câu nào có chữ “mèo” mang đến sự tốt lành. “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”. Thấy mèo là xui xẻo tới. Mèo tuy sạch sẽ, nhưng lại cẩu thả “như mèo rửa mặt”. Có kẻ hay hợm mình “mèo khen mèo dài đuôi”, mà thực ra chẳng có tài cán gì. Có người rộng lượng, thì cũng có kẻ bủn xỉn “buộc cổ mèo, treo cổ chó”; có người thông minh tài trí, thì cũng có kẻ đần độn ngu si như “chó khô mèo lạc”; có người thích “thẳng mực tàu” thì cũng có kẻ ưa xỏ xiên “chửi chó mắng mèo”, rồi sinh ra “đá mèo quèo chó”! Lại có kẻ vừa thấy lợi, nhất là vừa thấy gái đẹp mà hai con mắt đã chớp chớp thì không khác chi… “như mèo thấy mỡ”.
4. Lại nhớ, xưa có chuyện vua có nuôi một con mèo tam thể quý, cho ăn toàn cao lương mỹ vị. Trạng Quỳnh vào chầu, tìm cách bắt trộm về. Đến bữa, đợi mèo thật đói, Quỳnh để 2 cái dĩa, một cơm trộn thịt cá và một cơm trộn rau. Mèo vua quen ăn miếng ngon chạy đến chỗ thịt cá. Quỳnh cầm sẵn roi, hễ ăn thì đánh. Mèo đói quá, phải ăn đĩa cơm rau. Qua thời gian quen dần, không dám ăn gì ngoài rau nữa mới thả ra. Vua mất mèo, cho người đi tìm, thấy nhà Quỳnh có một con mèo tam thể giống như hệt, nghi lắm, bắt Quỳnh mang mèo vào chầu. Vua xem mèo, hỏi sao nó giống mèo nhà mình, nghi cho Quỳnh bắt trộm. Quỳnh làm bộ kêu oan thật là oan, xin đem thử, bảo bệ hạ phú quý thì mèo ăn thịt ăn cá, còn hạ thần nghèo túng thì mèo ăn cơm trộn với đầu tôm, rau luộc. Vua đồng ý. Con mèo chạy thẳng đến dĩa cơm rau, ăn sạch. Quỳnh lạy tạ, rồi đem mèo về, mặc cho vua tức tối.
Tết Quý Mão về, đôi dòng về mèo từ đời thường đến chuyện trong sách vở như một cách chiêm nghiệm cuộc đời. Khiến tôi nhớ mãi và thật lâu là câu chuyện về Trạng Quỳnh trộm mèo của vua, một câu chuyện mang nhiều ý nghĩa, cái gì cũng có thể rèn luyện và giáo dục. Mèo đẹp, mèo khôn, đa dạng và nhiều sắc màu tốt xấu là điều không bàn cãi… nhưng dạy mèo kiểu Trạng Quỳnh thì tôi đây “tâm phục, khẩu phục”. Cứ nhìn từ con mèo Đậu nhà tôi mà suy ngẫm. Ăn thức ăn chế biến sẵn, đi vệ sinh ở nơi dọn sẵn, rồi nữa là rất nhiều “nề nếp” do con người mà có.
Bài: Đan Duy
Ảnh: Tư liệu