ClockThứ Sáu, 27/01/2023 10:16

Thị trường bình ổn trong & sau Tết Nguyên đán Quý Mão

TTH - Bên cạnh chợ đầu mối Phú Hậu, từ mùng 2 Tết, trên địa bàn tỉnh có siêu thị GO! Huế mở cửa trở lại cùng một số chợ dân sinh có vài quầy hàng bán lấy ngày. Điều này giúp nhu cầu về thực phẩm, hàng thiết yếu của người tiêu dùng không bị gián đoạn cục bộ.

Giới trẻ chọn Huế làm điểm đến đầu nămDịp tết Quý Mão, sân bay Phú Bài đón hơn 4.000 lượt khách/ngàyGần 2.500 trẻ chào đời trong ngày mùng 1 Tết Quý Mão 2023

Rau, củ, quả ở GO! Huế khá dồi dào

Tại siêu thị GO! Huế, từ mùng 2 Tết đến nay, các mặt hàng thịt, cá cấp đông, chủ yếu là thịt heo, thịt gà, thịt bò và một số loại cá biển vẫn giữ nguyên giá như ngày thường. Mặt hàng rau, củ, quả cũng tương tự và khá dồi dào, phong phú về chủng loại lẫn số lượng. Theo đại diện GO! Huế, do đơn vị đã lên kế hoạch sẵn sàng cho việc đặt hàng và dự trữ hàng bán sau Tết, đảm bảo đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Tuy nhiên, từ mùng 2 đến mùng 5 Tết, mặt hàng tiêu dùng giảm nhẹ so với trước Tết do người tiêu dùng mua đồ trữ sẵn. Riêng mặt hàng đồ chơi, hàng ăn uống (nước giải khát, snack, thực phẩm chế biến sẵn, bánh mỳ các loại...) có sự tăng trái chiều, đồng thời nhóm khách hàng trẻ em cao hơn so với các thời điểm khác trong năm.

Đại diện GO! Huế thông tin, từ đây đến hết năm 2023, GO! Huế đặt ra mục tiêu doanh số tăng 5-8% so với năm 2022. “Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh đã lên chiến lược, kế hoạch cụ thể từ khâu đầu vào, đầu ra về mặt hàng hóa, nhân sự… thì chúng tôi rất cần sự hỗ trợ tiếp tục của chính quyền các cấp”, đại diện GO! Huế chia sẻ.

Siêu thị Co.opmart Huế mở cửa trở lại vào mùng 6 Tết. Tương tự GO! Huế, giá thịt, cá đông lạnh, rau, củ, quả cùng các mặt hàng khác ở Co.opmart Huế bình ổn, không tăng sau Tết. Chia sẻ về mục tiêu năm 2023, bà Nguyễn Thị Tuất - Giám đốc Co.opmart Huế cho hay, đơn vị phấn đấu tăng doanh số từ 5-10% so với cùng kỳ.

Hàng hải sản ở khu vực chợ Bến Ngự

Tại các chợ dân sinh, các mặt hàng rau củ, tôm, thịt, cá… được bày bán khá nhiều. Tuy nhiên, có lẽ do tâm lý “mấy ngày Tết” và ảnh hưởng mưa rét kéo dài nên một số loại rau ăn lá có giá chênh lệch cao so ngày thường. Cụ thể, rau dền đỏ (Huế) 100 ngàn đồng/kg, tăng gấp 4-5 lần; rau muống 70 ngàn đồng/kg, tăng gấp đôi…, cá biệt, ngày mùng 5 Tết, hành lá có giá 40 ngàn đồng/kg, ngang giá ngày thường, nhưng giá mặt hàng này biến động khá thất thường và theo từng ngày.

Trong khi đó, giá các loại củ, quả chỉ tăng nhẹ, thậm chí bằng giá ngày thường, như: cà chua 40 ngàn đồng/kg, tăng 5 ngàn đồng; thơm 20 ngàn đồng/quả, tăng 4-6 ngàn đồng; đậu cove 70 ngàn đồng/kg, tăng 10-20 ngàn đồng/kg; mướp đắng 35 ngàn đồng/kg, tăng 2-4 ngàn đồng; bầu, bí 25 ngàn đồng/kg, hành tím 45 ngàn đồng/kg, giá tương đương ngày thường…

Qua tìm hiểu một số vùng có nhiều người làm nghề ở Thủy Thanh (Hương Thủy), Quảng Điền…, phải từ mùng 7 Tết trở lên mới đánh bắt trở lại, vậy nên, mặt hàng cá sông, tôm đất, tôm rào… chưa được bày bán ở các chợ dân sinh, mà chủ yếu là một số loại cá, ốc, lươn phục vụ người có nhu cầu mua về phóng sinh.

Tuy khan hiếm thủy sản, nhưng hiện, tại các chợ dân sinh, các quầy bán cá biển, tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng và các loại hải sản khá phong phú, giá cả có loại tăng nhẹ, tương đương ngày thường, có loại thậm chí giảm mạnh. Cụ thể, tôm sú 450 ngàn đồng/kg, giảm 50 ngàn đồng/kg; tôm thẻ chân trắng 270 ngàn đồng/kg, giảm 30 ngàn đồng; đầu cá ngừ 80 ngàn đồng/kg, cá ngừ lát 140 ngàn đồng/kg; các mặt hàng hải sản, như: trìa, vẹm, sò, ốc hương, cua… giá tương đương ngày thường.

Các mặt hàng thịt bò có giá 280 ngàn đồng/kg, giữ nguyên giá từ trong Tết; thịt heo (ba chỉ 130 ngàn đồng/kg, sườn 150 ngàn đồng/kg…), tăng nhẹ từ 10-20 ngàn đồng/kg. Thịt gà, trứng gà ta, trứng gà công nghiệp và trứng vị giá tương đương ngày thường…

Theo ông Phan Hùng Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, dịp trong Tết và đến hiện tại, nguồn cung thực phẩm, rau củ , thịt cá cùng một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh nhìn chung khá phong phú, đa dạng, giá cả bình ổn, không xuất hiện tình trạng, tăng giá bất thường. Bên cạnh đó, thị trường xăng dầu cũng giữ được sự ổn định, không có tình trạng găm hàng, nghỉ bán không có lý do, đảm bảo phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Điều này một phần do các làng rau trên địa bàn tỉnh thu hoạch thường xuyên, rau, củ, quả từ Đà Lạt về liên tục, các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị đủ nguồn hàng cho thị trường và có các chính sách ổn định giá cả cho các tháng trong và sau Tết.

“Trong thời tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với Sở Công thương và các lực lượng hữu quan tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả các mặt hàng lương thực, nhu yếu phẩm cùng tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu, đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần bình ổn thị trường những tháng sau Tết”, ông Phan Hùng Sơn cho hay.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chặn sim rác ra thị trường

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) yêu cầu từ sau ngày 15/4, các doanh nghiệp viễn thông chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện sim được phát triển mới không đúng quy định.

Chặn sim rác ra thị trường
Giá vàng sáng 16/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 16/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Giá vàng sáng 16 4
Xóa độc quyền để bình ổn thị trường vàng

Giới đầu tư đang “nóng lòng” chờ Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ sớm được sửa đổi để bình ổn thị trường vàng. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, trước tiên, cần xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC.

Xóa độc quyền để bình ổn thị trường vàng
Return to top