Đang lo lắng thì may thay, người thân ở xa báo về, cậu bé đang ở đó, với tâm trạng rất tệ. Mấy ngày sau, cậu bé được “tháp tùng” về nhà an toàn trong sự thở phào nhẹ nhõm của người thân. Ai cũng bảo: May mà nó chưa làm điều gì dại dột.
Nguyên nhân cậu bé bỏ nhà ra đi là từ sự việc “nhạy cảm”. Hôm ấy, bà mẹ phát hiện số tiền trong ví mất đi gần một triệu đồng. Sau một lúc dò hỏi, cả nhà khẳng định, cậu bé lấy cắp tiền để chơi game. Nhất định không nhận tội, cậu bé bị bố đánh cho một trận nên thân.
Sau trận đòn, em bỏ nhà đi, cùng lá thư gửi lại. Đến lúc này, gia đình mới tin, em không phải là kẻ lén lút ăn cắp tiền của mẹ.
Đọc lá thư mà cậu bé để lại cho cha mẹ trước khi bỏ đi, tôi thực sự rùng mình. Trên thực tế, không ít đứa trẻ dại dột, trong chốc lát bất bình với sự oan ức do người lớn áp đặt, đã ra đi mãi mãi cùng những lá thư “tuyệt mệnh”.
Ở tuổi mới lớn, trẻ em thường có tâm sinh lý thiếu ổn định, dễ tổn thương, thường mặc cảm bản thân. Chỉ một lời nói, một ánh nhìn, một cách cư xử không phải cũng có thể khiến các em ‘‘nổi loạn”, dẫn đến những hành xử thiếu suy nghĩ, nông nổi, dại dột…
Câu chuyện trên âu cũng là bài học cho người lớn. Phải thận trọng và tôn trọng con trẻ trước bất cứ một phán xét nào đó, để đừng rơi vào tình cảnh: “Sai một ly, đi một dặm”.
Nhật Nguyên