“Đủ kiểu” săn bắt
Cứ đến lúc mặt trời lặn, trên khắp những cánh đồng lúa mới gieo sạ lại đông đúc người dân lẫn lũ trẻ hăng say bắt chuột. Theo tập tính của chuột đồng, trời vừa chập choạng tối là lúc chúng bắt đầu ra khỏi hang tìm thức ăn. Hạt lúa là nguồn thức ăn chính, khoái khẩu đối với chuột nên người dân phải săn bắt ngay sau khi xuống giống.
Săn chuột đồng bằng bẫy truyền thống
Từ khi gieo sạ đến nay đã hơn 20 ngày, nông dân Trần Hòa ở xã Quảng Công (Quảng Điền) luôn bám đồng ruộng, không chỉ để chăm sóc, bón phân mà còn “ứng phó” với lũ chuột đồng. Ông Hòa nói: “Nghe một số nơi bẫy bằng điện dẫn đến chết người, gia súc; hay rải thuốc diệt chuột thì ô nhiễm môi trường, gia cầm bị chết, chưa kể nguồn nước trong đồng ruộng ảnh hưởng đến các ao hồ nuôi trồng thủy sản xung quanh. Vì vậy, vây lưới, bẫy lồng, bắt chuột bằng tay là giải pháp tối ưu, an toàn”.
“Cách săn bẫy truyền thống tương đối đơn giản. Người dân chỉ cần đào một hố sâu hơn nửa mét tại một góc đồng ruộng, hay trên bờ đê, rồi rải thức ăn, lúa, cá nướng dụ chuột. Sau đó sử dụng lưới vây quanh hố, chỉ chừa một khoảng trống để chuột chui vào. Canh chừng vài chục phút sau, khi chuột đã vào hố thì nhanh chân đến vây kín lưới và bắt ”, ông Hòa chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Dương Lành ở xã Quảng Ngạn (Quảng Điền) chia sẻ, cách bắt chuột bằng bẫy sắt, hoặc tre cũng tương đối phổ biến. Bẫy có thể tự chế, hoặc mua ở các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, giá mỗi cái chỉ 10-15 ngàn đồng. Các loại bẫy này thường dành cho các nông dân cao niên, không còn nhanh nhẹn để bắt chuột. Mỗi lần đặt khoảng vài chục bẫy, săn bắt được số lượng chuột tương ứng.
Theo ông Lành, thời kỳ lúa trổ đến khi sắp thu hoạch là thời kỳ chuột đồng sinh sôi, phát triển rất nhanh nhờ nguồn thức ăn (lúa) dồi dào. Lúc này, chuột thường “ăn ở” ngay trên ruộng lúa, hoặc đào hang trên các bờ thửa để ẩn núp, sinh sản. Mỗi hang thường có đến vài chục con chuột. Ngoài các phương pháp giăng lưới vây bắt, săn bẫy, người dân còn dùng nước đổ vào hang làm cho lũ chuột bị ngạt nước, chui ra khỏi hang và tiến hành bắt bằng tay, hoặc sử dụng chó săn bắt.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh - ông Cái Văn Thám đánh giá cao những nỗ lực của người dân thời gian gần đây trong việc triển khai diệt chuột, bảo vệ mùa màng. Ngoài ý thức của nông dân, nhiều hợp tác xã còn khuyến khích bà con bắt chuột bằng cách thu mua đuôi với giá 2.000-3.000/đuôi. Chi cục phối hợp với các địa phương, thường xuyên tuyên truyền, vận động nông dân không sử dụng điện, thuốc độc, hóa chất để diệt chuột. Với các phương pháp săn bắt, bẫy truyền thống cũng có thể tiêu diệt đến 60-70% số lượng chuột, hạn chế tối đa thiệt hại năng suất, sản lượng lúa.
Món ăn khoái khẩu
Với người dân miền tây Nam bộ, chế biến các món ăn từ chuột đồng không còn là chuyện lạ. Nhưng với người dân Thừa Thiên Huế, chuyện ăn thịt chuột đồng chỉ mới phổ biến thời gian gần đây. Nhiều nông dân, kể cả trẻ em cũng ra đồng săn chuột về làm thức ăn, người bắt được nhiều còn đem bán để kiếm thu nhập. “Mỗi ngày bắt 50-70 con là chuyện thường. Có ngày bắt hơn cả trăm con, bán cho “dân nhậu” cũng kiếm được một vài trăm ngàn đồng”, ông Nguyễn Khanh ở xã Hương Vinh (TX.Hương Trà) cho hay.
Chuột đồng thường được người dân nông thôn chế biến nhiều món ăn dân dã, nhưng hấp dẫn. Chuột được lột sạch da, sử dụng muối, chanh để tẩy rửa bớt mùi tanh. Thịt chuột sau khi tẩm ướp lá chanh, sả, ớt và các gia vị sẵn có tại địa phương thì có thể trở thành những món ngon, như nướng, hon, xào… Người dân thường dùng rơm để nướng, thịt chuột vàng ươm và thơm phức. Thịt chuột đồng còn dai chắc như thịt gà.
Th.S. Trần Quốc Sửu, Trưởng phòng Dịch tễ- Chi cục Thú y tỉnh cho biết, chuột đồng chỉ chuyên ăn lúa nên thịt hoàn toàn sạch. Chi cục cũng đã từng lấy mẫu thịt chuột đồng để xét nghiệm, kiểm dịch, cho kết quả an toàn, không có các yếu tố, chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, ông Sửu cảnh báo, trong khi thịt chuột đồng ngày càng được làm món ăn khá phổ biến, người dân cần thận trọng, tránh ăn thịt chuột cống, không an toàn.
Ông Sửu khuyến cáo, người dân không nên sử dụng điện diệt chuột, nguy hiểm đến tính mạng, gia súc, gia cầm; tránh sử dụng thuốc diệt chuột, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các vùng nuôi trồng thủy sản. Có như vậy, việc săn chuột mới thật sự mang lại hiệu quả, an toàn.
Bài, ảnh: Hoàng Triều