ClockThứ Ba, 16/07/2024 06:12

Mùa “săn” đồ cũ của sinh viên

TTH - Thời điểm nhiều sinh viên (SV) năm cuối tất bật tốt nghiệp ra trường, cũng là lúc mà các SV đang còn theo học có cơ hội “săn” đồ cũ với giá rẻ.

Ra quân chiến dịch sinh viên tình nguyện hè Hơn 1.000 tân cử nhân và thạc sĩ Trường đại học Ngoại ngữ tốt nghiệp ra trườngGiúp sinh viên hiểu hơn về nghệ thuật thư pháp

Với nhiều sinh viên, quá trình học tập cần nhiều đồ dùng sinh hoạt 

Giao dịch sôi động

Vừa nhận bằng tốt nghiệp cử nhân kinh tế, trước khi về quê ở Quảng Nam, Hoàng Phương Nguyên quyết định lên “chợ online” của SV để bán lại các đồ dùng sinh hoạt đã phục vụ mình suốt 4 năm đèn sách tại vùng đất Cố đô. Vì là đồ dùng đã qua sử dụng nên có giá rất phải chăng, như quạt máy 50 nghìn đồng; toàn bộ chén bát, dao, nồi, rổ 40 nghìn đồng; kệ để chén 4 tầng 40 nghìn đồng; 2 thau giặt áo quần và ca múc nước 40 nghìn đồng; bàn học 35 nghìn đồng; máy uốn tóc 40 nghìn đồng; giày cao gót 50 nghìn đồng…

Hoàng Phương Nguyên chia sẻ, những vật dụng này gắn bó từ năm 1 cho đến lúc ra trường của mình, nên có rất nhiều kỷ niệm. Chuẩn bị bước qua một chặng đường mới, chỉ một số vật dụng cần thiết mới được Phương Nguyên mang về nhà. Một số đồ dùng dù cần thiết, nhưng do quá cồng kềnh nên Phương Nguyên quyết định bán đi. Theo tân cử nhân này, dù cũ song giá trị sử dụng vẫn còn. Gom tất cả vật dụng bán đi cũng được vài trăm nghìn đồng. Với SV mới ra trường, đó là số tiền kha khá.

Khi mà các trường đại học nhộn nhịp tổ chức lễ tốt nghiệp cho SV năm cuối, trên các diễn đàn mua bán đồ cũ của SV Đại học Huế vì thế mà sôi động hơn hẳn. Người bán liên tiếp cập nhật các món hàng cần bán, hay những mặt hàng vừa được bán xong; phía người mua thì tranh nhau trả giá những món hàng “hot”… Đã được gọi là chợ đồ cũ, nên tất cả vật dụng phục vụ đời sống SV đều được trao đổi, mua bán. Đó là những cái thau, cái rổ có giá trị vài nghìn đồng; những nồi cơm điện, quạt máy từ 100 – 200 nghìn đồng; cho đến những cái tủ lạnh, máy tính xách tay có giá trị trên dưới 1 triệu đồng…

 “Cũ người mới ta”, có những vật dụng đã không cần thiết với người này, nhưng lại có giá trị với người khác. Một SV chuẩn bị bước vào năm 2 Trường đại học Y – Dược, Đại học Huế chia sẻ, có hai thứ mà em rất muốn mua cũ, vì nếu mua mới thì có giá tiền rất cao. Đó là tủ lạnh và xe đạp. Với SV ngành y rất bận rộn cho học tập nên cần một cái tủ lạnh để dự trữ thức ăn. Khi học về muộn không phải gấp gáp để đi chợ. Chỗ trọ của SV này khá gần trường, lâu nay em chỉ đi bộ. Tuy nhiên, nhiều hôm dậy muộn, do đi bộ nên bị trễ học. Xe đạp là phương tiện phù hợp với SV lúc này. Dù là đồ cũ, nhưng cũng khá nhiều tiền, nhất là tủ lạnh, nên em và bạn cùng phòng dự định góp tiền để mua. Hai mặt hàng này đều khó tìm, phải “săn” dài ngày mới có. Dù thế, đã qua hai tháng mà em vẫn chưa mua được cái tủ lạnh phù hợp. Khi tìm được thì giá quá cao, còn khi giá “mềm” thì tủ đã quá cũ, bị hư hỏng nhiều lần trước đó.

Hay như Trần Văn Vinh, SV năm 2 Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế muốn thuê trọ riêng khi bước vào năm học mới, nên những ngày qua, Vinh lên các diễn đàn của SV để tìm mua đồ cũ. Theo Vinh, thay vì sắm mới các vật dụng, như thau, xô, chén bát… có thể lên đến vài trăm nghìn thì khi mua lại các vật dụng đã qua sử dụng thì chỉ dưới 100 nghìn đồng. “Cũng may, em mua được các vật dụng của một chị SV mới tốt nghiệp dùng cẩn thận, nên còn rất mới. Với SV như em, như thế là đã quá tốt”, Trần Văn Vinh hài lòng.

Vừa bán, vừa cho

Quan sát và trực tiếp tham gia hoạt động mua bán đồ cũ, đã qua sử dụng của SV mới thấy nhiều điều thú vị. Có nhiều trường hợp muốn bán nhanh, nên quyết định vừa bán vừa cho, chỉ tính tiền những đồ dùng có giá trị lớn, còn lại như chén bát, thau giặt đồ… được tặng kèm. Hay nhiều trường hợp “khuyến mãi” miễn phí thêm giáo trình các môn học trên trường.

Với Hoàng Mỹ Linh, sinh viên Trường đại học Luật, Đại học Huế vừa tốt nghiệp có cách suy nghĩ khác. Ban đầu, Linh muốn tặng lại toàn bộ vật dụng cho các em SV khóa sau cùng trong xóm trọ. Vì thực tế, các vật dụng dù bán lại cũng không nhiều tiền, nhưng Linh muốn bán chứ không cho, vì muốn người sử dụng sau trân trọng khi phải bỏ tiền ra mua. Bởi vì, trước đó Linh đã chứng kiến một số vật dụng được cho miễn phí thì người sử dụng sau không cẩn thận, nhanh chóng làm hư hỏng.

Mỗi SV có một hoàn cảnh khác nhau. Đã chấp nhận mua đồ qua sử dụng thì điều kiện còn khó khăn. Nguyễn Mạnh Hùng, SV Trường đại học Khoa học, Đại học Huế kể lại, em hẹn đến mua đồ của một chị vừa ra trường của Trường đại học Sư phạm. Nói qua điện thoại em đoán có thể chị là đồng hương Nghệ An với mình. Khi đến quả là thế. Sau một lúc nói chuyện, biết cùng quê và biết em vừa đi làm thêm về ghé lấy đồ. Vậy là chị quyết định tặng miễn phí toàn bộ các vật dụng. Tổng các vật dụng chỉ khoảng 200 nghìn đồng, có thể đủ tiền xe để chị về quê, song chị nói ai xa quê để đi học mới biết được nỗi niềm của SV. Chị ấy chỉ dặn em sử dụng đồ cẩn thận, xem đó là tài sản mình bỏ tiền ra mua, đừng nghĩ đó là đồ miễn phí rồi sử dụng thiếu cẩn thận.

Năm nào cũng thế, mùa “săn” đồ cũ diễn ra từ tháng 6 – 7 hàng năm. Đằng sau những món hàng, giao dịch là những câu chuyện đa dạng về cuộc đời SV. Những va chạm, kinh nghiệm qua việc mua bán, “săn” đồ cũ là trải nghiệm sống được tích lũy cho chính mỗi SV trước khi bước vào đường đời sau này.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ:
Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Trường đại học Sư phạm, ĐHH là một trong những cơ sở giáo dục đại học chất lượng tốp đầu của cả nước. Tuy nhiên, để trở thành cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao thì trường phải có sự nhìn nhận, đánh giá một cách thực tiễn, khách quan để có sự đầu tư đúng hướng".

Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước

TIN MỚI

thu mua máy tính cũ tại hà nội
Return to top