|
Trẻ “dán mắt” vào điện thoại - hình ảnh thường thấy ở các quán cà phê dịp cuối tuần |
Mẹ lướt điện thoại và chat với bạn bè, ba cũng vừa nói chuyện làm ăn vừa lướt web đọc báo, con thì mỗi đứa một cái smartphone hoặc Ipad, mải mê xem và chơi các trò chơi trên đó. Có nhiều em bé nhỏ xíu dưới 2 tuổi mà ba mẹ cũng thản nhiên cho con xem phim hoạt hình trên điện thoại để có thể thoải mái nói chuyện với nhau, hoặc lướt facebook mà không bị con làm phiền.
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị chậm nói là do cha mẹ để trẻ tiếp xúc và sử dụng điện thoại, máy tính và tivi quá nhiều. Đây là thông tin rất đáng chú ý đã được các nhà nghiên cứu từ Đại học Toronto Mỹ công bố tại cuộc họp của Hiệp hội Khoa học Nhi khoa (bài báo “Trẻ suốt ngày “dán mắt” vào màn hình tivi, điện thoại có thể phải đối mặt thêm với nguy cơ khôn lường này, cha mẹ hãy hết sức lưu tâm” trên trang thông tin điện tử afamily).
Cũng theo bài báo này, con số trẻ em sử dụng thiết bị di động đã tăng lên gấp nhiều lần khi năm 2013 đã có tới gần 40% trẻ em dưới 2 tuổi sử dụng thiết bị di động, trong khi con số này chỉ là 10% năm 2011. Những con số này thậm chí có thể còn cao hơn rất nhiều lần nếu tính đến nay, số liệu do tổ chức truyền thông phi lợi nhuận Common Sense Media, Mỹ - tổ chức chuyên giúp đỡ trẻ em và các bậc cha mẹ - công bố.
Các tác động tiêu cực đối với trẻ là rất rõ ràng khi trẻ thay vì vui chơi, tương tác cùng cha mẹ thì lại mải mê vào màn hình điện thoại nhiều hơn. Và điều này ảnh hưởng vô cùng lớn đến sự phát triển lành mạnh ở trẻ nhỏ.
Ở chiều ngược lại, cha mẹ cũng bỏ lỡ rất nhiều điều quý giá khi không dành nhiều thời gian cho con cái. Theo bác sĩ Đào Thị Thu Hương trong một bài báo trên trang YouMed, trẻ cần được nghe, được nói, được đọc, được hát, được chơi với ba mẹ để luyện những kỹ năng này trước khi đi ra môi trường bên ngoài. Những đứa trẻ được chơi nhiều với ba mẹ sẽ rất lanh lợi, tự tin khi nói chuyện với bạn bè, hoặc người lớn. Vậy mà nhiều ba mẹ nỡ lòng để mất những điều quý giá đó của con vì “cắm mặt” vào chiếc điện thoại!
Có hai gợi ý thú vị mà bác sĩ Hương đưa ra để ba mẹ có thể dành thời gian cho con. Thứ nhất là, tạo không gian cho con. “Ba mẹ hãy thử tạo một khoảng thời gian không công nghệ thường xuyên như một phần cuộc sống hằng ngày. Hãy tắt tivi, điện thoại, máy tính, các trò chơi điện tử trong một khoảng thời gian nhất định. Bữa tối và trước khi đi ngủ là khoảng thời gian quan trọng. Bạn có thể giới hạn một khoảng không gian trong ngôi nhà nhỏ bé của mình không có công nghệ. Ví dụ như bàn ăn - một khi đã ngồi vào bàn, không ai được phép dùng điện thoại và chỉ có trò chuyện mặt đối mặt với nhau mà thôi”, bác sĩ Hương khuyên.
Gợi ý thứ hai là, giao tiếp với con qua nhiều hình thức. Ba mẹ có thể dành thời gian đưa bé đến những vùng quê, sở thú, công viên hay hồ bơi… những nơi mà điện thoại không cần thiết phải sử dụng. Ba mẹ vẫn có thể chụp những tấm hình đẹp xinh với bé, nhưng vài tấm là đủ rồi, hãy nhớ mục đích chính của gia đình bạn tới đây là để vui chơi. Bạn và bé có thể trò chuyện, vui đùa mà không bị điện thoại hay bất cứ đồ công nghệ nào làm gián đoạn.
Ba mẹ có thể viện cớ là mình quá bận công việc và đủ thứ lý do khác. Nhưng suy cho cùng thì con cái càng quan trọng hơn và các con rất cần và luôn có nhu cầu được chơi và tương tác cùng ba mẹ. Trẻ sẽ học hỏi được nhiều kỹ năng và phát triển lành mạnh, thông minh hơn nếu được ba mẹ chơi cùng. Vì vậy, hãy bỏ điện thoại xuống và chơi với con để chúng cảm nhận được sự kết nối và tình yêu thương từ cha mẹ. Còn gì tốt hơn cho sự phát triển của trẻ khi được sống trong tình yêu thương, sự quan tâm ấm áp và đủ đầy này!?