Sau khi bắt lửa từ nến và cháy rụi cánh hoa, trở thành một miếng rác đen xỉn được thả xuống sông Hương. Ảnh: Lan Huế
Xin thưa, nó là chân đế của một ngọn hoa đăng sau khi cháy hết những cánh hoa bằng cao su, để lại cái đĩa nhựa bị cháy sém và cái đế ngọn nến bằng kim loại không thể cháy được. Nó là một cái xác hoa đăng mà ai đó đã thả xuống sông Hương và các thành viên của nhóm Cảm ơn dòng Hương đã vớt được. Số còn lại đã dạt vô hai bờ hoặc đã trôi về phía hạ lưu sông Hương.
Nó cũng là những ngọn hoa đăng được phóng xuống sông Hương vào những đêm rằm tháng Giêng, tháng bảy hay những lễ cúng của người dân, với ý nghĩa cầu mong cho hương linh người đã khuất được siêu thoát. Là muôn vàn ngọn hoa đăng được thắp sáng vào những ngày lễ lớn, với mục đích cao cả là tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh.
Nó cũng là những ngọn hoa đăng được thả xuống trong những đêm hội, tạo thành những tác phẩm nghệ thuật làm say đắm bao người. Nó đã đi vào các tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật... rồi theo du khách và báo chí đi khắp thế giới. Tôi cũng là người say mê vẻ đẹp lung linh đó cho đến khi nhìn thấy hình ảnh này và giật mình thảng thốt.
Hai mươi năm trước, khi ca Huế sông Hương trở nên tấp nập du khách và sau mỗi đêm lại thấy xác hoa đăng nổi lềnh bềnh trên sông, đã có người lo lắng nếu cứ phóng đăng thế này thì dòng sông sẽ ra sao? Lúc bấy giờ, hoa đăng là một miếng giấy nhuộm phẩm màu - một thứ phẩm màu được tạo nên bằng các hóa chất mà sau khi tan rữa thì để lại một lớp phẩm màu trong nước rất ái ngại.
Nhưng hoa đăng bây giờ không phải là hoa đăng thủ công ấy nữa. Nó là một loại hoa đăng công nghệ, được tạo bằng đĩa nhựa, cao su, kim loại. Hoa đăng “đời mới” có 2 loại, loại nhỏ làm đế xốp, cánh hoa bằng cao su mềm; loại lớn đế bằng đĩa hoặc chén nhựa (loại chén đĩa dùng một lần), cánh hoa bằng cao su mềm, ngọn nến có chân là một cái nắp bằng kẽm. Tấm ảnh trên là ngọn hoa đăng cỡ lớn, và hình ảnh của nó trước khi cháy đen là đây.
Đây là những ngọn hoa đăng “đời mới” sau một đêm thả xuống sông Hương, đã dạt vào bờ sông dưới chân chùa Thiên Mụ và nhóm nhặt rác Cảm ơn dòng Hương đã thu gom để đưa về bãi rác. Nhưng vẫn còn rất nhiều ngọn hoa đăng khác mắc kẹt dưới những bụi cây gai, dưới chân cầu hoặc trôi vật vờ trong dòng nước...
Ngọn hoa đăng trông đẹp đẽ được làm bằng cao su. Ảnh: Lan Huế
Những hình ảnh trên đây đã đủ cho chúng ta thấy rằng, việc thả hoa đăng còn gây nên sự ô nhiễm nặng nề cho dòng nước sông Hương.
Tôi, bạn và nhiều người nữa, cũng đã từng thả ngọn hoa đăng xuống sông Hương với một niềm thành kính nguyện cầu ánh sáng của ngọn đèn sẽ mang lại những điều tốt lành cho đời sống. Chúng ta còn vui mừng khi những ngọn hoa đăng đó tạo nên một vẻ đẹp lung linh cho dòng sông. Và chúng ta không biết rằng vô số ngọn đèn đó lại chìm vào dòng nước và trở thành một thứ rác gây ô nhiễm môi trường. Với ngọn hoa đăng “đời mới” bây giờ, một thứ vật liệu rắn khó phân hủy, thì sự ô nhiễm còn lớn hơn biết dường nào.
Nếu muốn duy trì một nghi thức văn hóa cao đẹp, một nghệ thuật tạo vẻ đẹp lung linh cho sông Hương, thì phải thay đổi ngay cái ngọn hoa đăng gây ô nhiễm như hiện nay. Còn nếu chưa tìm ra một loại hoa đăng sạch để thay thế thì phải tạm thời dừng lại việc thả hoa đăng trên sông Hương. Và không chỉ sông Hương mà cả những dòng sông còn lại.
MINH ĐĂNG