O Sương (bên trái) trao đổi nghiệp vụ
Tên họ đầy đủ của o là Vương Thị Sương. Tuổi đã cập kê 60 nhưng trắng trẻo nên nhìn trông trẻ lắm. Ở cơ quan BHXH huyện Phú Vang, tôi được giới thiệu o Sương là “lá cờ đầu” trong phong trào vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT và BHTN của toàn huyện. Về Phú Thanh, trực tiếp hỏi chuyện được biết o Sương là một trong 5 đại lý thu BHXH của xã. Tham gia từ tháng 11/2020, đến nay o Sương đã vận động được 51 trường hợp người dân/80 trường hợp của toàn xã, tham gia BHXH tự nguyện. Một con số thật ấn tượng.
Tham gia vận động mua BHXH ở địa phương, o Sương như chợt ngộ hơn, thì ra bên cạnh chưa hiểu hết giá trị và ý nghĩa của tấm thẻ BHXH, với không ít người còn là nỗi khó do nghèo. Được tập huấn, thấu rõ giá trị nhân văn to lớn của tấm thẻ BHXH với cuộc sống người dân nên khi vận động, o không “đao to búa lớn” chi nhiều mà cứ nói như tâm sự và sẻ chia nên ai cũng thích. O Sương cũng làm gương bằng cách mua cho chồng (đang làm thợ) một tấm thẻ BHXH phòng thân.
Nói thì dễ, bắt tay vô việc nhiều khi thấy cũng nản lòng, nhưng o Sương không bao giờ “bắt cóc bỏ dĩa”. Để vận động đạt hiệu quả, thực hiện phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà”. Thế nhưng, để chắc ăn, o Sương khoanh vùng đối tượng. Ai đã tham gia các loại bảo hiểm khác đang trong thời gian đóng tiền thì thôi… hạn chế bớt, vì biết chắc họ đang khó khăn. Ai đó, chồng hoặc vợ chưa thông hiểu, thì liệu đó mà nói. Hộ cận nghèo, khó khăn thì chỉ cho họ cách vượt khó để tích cóp. O Sương còn chọn đến tận nhà vận động vào thời điểm thích hợp có đầy đủ cả nhà, ban ngày lẫn ba đêm theo kiểu “mưa lâu thấm đất”.
Hỏi nhớ nhất là trường hợp nào đã vận động được, o Sương đáp ngay, là trường hợp của 2 cặp vợ chồng anh Phạm Hữu Chánh và anh Hồ Khánh Chính ở xóm 6 thôn Quy Lai. Đó là 2 hộ gia đình hộ cận nghèo, họ ưa lắm tấm thẻ BHXH nhưng lo ăn hằng ngày chưa xuể nên cứ mãi đắn đo. O Sương thường xuyên đi lại, kiên trì thuyết phục, nên cuối cùng cả 2 hộ đã chấp nhận tham gia BHXH tự nguyện.
O Sương chia sẻ, chức danh chi hội trưởng phụ nữ cũng giúp cho o có nhiều thuận lợi khi vận động người dân tham gia BHXH. Đó là có nhiều cuộc gặp gỡ qua các cuộc họp hành. Nhiều cuộc vận động hay phong trào phụ nữ cũng giúp cho o Sương hiểu hơn về những gia đình xung mình ở cái thôn nhỏ vùng thấp trũng Quy Lai này; từ đó, biết chọn đối tượng phù hợp mà vận động cho đạt hiệu quả. Còn hỏi làm sao quản lý xuể và thường xuyên gặp gỡ, tư vấn cho hơn 50 đối tượng tham gia BHXH này, o Sương cười hiền, cũng nhờ tới… mạng Zalo. Gọi điện rồi chát liên tục, không có mạng Zalo thì tiền mô mà chịu thấu.
Chia tay o Sương, tôi nhớ hôm gặp mấy anh chị ở BHXH huyện Phú Vang. Họ bảo vận động BHXH làm nghề tay trái cũng sống được được lắm đọ. Như o Sương ở Phú Thanh (mà tôi vừa kể) cũng có thu nhập vài triệu đồng một tháng nhờ làm đại lý thu BHXH.
Bài, ảnh: THU HUẾ