ClockThứ Năm, 07/12/2023 06:35

Sử dụng điện thoại có văn hóa

TTH - Hôm rồi đưa vợ đi sinh ở bệnh viện, ngoài mệt mỏi và lo lắng bởi những lý do “ai cũng hiểu”, điều khiến tôi cũng như nhiều người “ám ảnh” nhất có lẽ là tiếng nói chuyện, thăm hỏi qua call video để loa ngoài từ một số người nhà bệnh nhân khiến sản phụ được hỏi thăm… mệt quá, đành đưa điện thoại cho người nhà đang chăm sóc nói chuyện tiếp để nghỉ ngơi.

Như loa kẹo kéo

 

Tưởng thế là xong, ai dè “người hỏi thăm” cùng người nhà sản phụ lại tiếp tục “buôn chuyện” cả nửa tiếng nữa mà không hề biết người nhà mình và những người trong phòng đều rất mệt, khó chịu vì tiếng nói chuyện to. Phải cho đến khi một sản phụ trong phòng lên tiếng nhắc nhở, góp ý, người này mới đi ra hành lang phía sau và vẫn tiếp tục nghe gọi, mở điện thoại loa ngoài như không có gì xảy ra. Thực tình, khi phải đi bệnh viện, người nhà, bạn bè hỏi thăm là rất quý, nhưng gọi điện thoại mở loa ngoài, vô tư cười nói đến cả tiếng đồng hồ trong một không gian chung, có nhiều người cần được nghỉ ngơi thì quả thực làm cho bệnh nhân và người nhà chăm bệnh càng thêm mỏi mệt hơn.

Liên tưởng câu chuyện đó, nhớ hồi trước học ở Hà Nội có lần tôi đi xe khách giường nằm về quê, khoảng hơn 10h đêm, khi mọi người trên xe đang thiu thiu vào giấc bỗng có tiếng chuông điện thoại của ai đó vang lên rất to. Một nữ hành khách trên xe nghe máy giọng oang oang: “Chưa ngủ à, mai 5h sáng nhớ đón tao ở ngã 3 nhé”. Và rồi câu chuyện của họ cứ oang oang trên xe, từ việc vừa đi phỏng vấn để đi Nhật không mất một nghìn nào..., chuyện người miền Bắc làm việc khác với người miền Trung, thậm chí, cả chuyện những người cùng đến phỏng vấn như thế nào, ăn mặc ra làm sao... cũng được chị kể không sót 1 chi tiết…

Khi câu chuyện của chị gái kia tạm lắng một lúc, hành khách trên xe lại phải chịu một cuộc “tra tấn bằng tiếng ồn” đến từ một vị khách khác khi con dâu gọi nói cháu nội vừa bị trượt ngã đập đầu vào tường phải đem vào bệnh viện cấp cứu mà bố cháu đi nhậu giờ này chưa về, gọi điện thì không bắt máy... Cứ thế, cả xe nghe chuyện “nhà người ta” vừa thương, vừa giận và vừa cả bực mình do ồn ào, không ngủ nghỉ được gì.

Ở những nơi công cộng vẫn thường có dòng chữ đại ý nhắc mọi người đi nhẹ nói khẽ, tránh làm phiền người khác. Và, không gian chúng ta sống không chỉ cần xanh, sạch mà còn cần cả yên tĩnh. Thế nên, những hành động nhỏ như cắm tai nghe khi nói chuyện hoặc nói vừa đủ nghe tránh gây khó chịu cho người xung quanh là thể hiện văn hóa nói chung, văn hóa khi sử dụng điện thoại nơi công cộng nói riêng. Và đây là vấn đề mà mỗi chúng ta cần quan tâm.

An Khang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh

Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo nếp sống văn hóa là thành quả đáng tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Nam Đông khi triển khai Đề án Ngày Chủ nhật xanh “hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạnh - sáng”.

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh
Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

Văn hóa đọc không còn như trước đây, không phải cứ cầm sách mới là đọc sách. Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho rằng, trong thời đại công nghệ số, độc giả có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ cần có điện thoại, máy tính… kết nối internet.

Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số
Em và ngày hội đọc sách

So với các bạn cùng trang lứa TP. Huế và vùng đồng bằng, các bạn nhỏ ở huyện vùng núi, vùng xa Nam Đông và A Lưới thiệt thòi hơn nhiều về điều kiện để tiếp cận công nghệ thông tin...

Em và ngày hội đọc sách

TIN MỚI

Return to top