ClockThứ Bảy, 17/06/2023 18:00

Tác nghiệp nơi biển, đảo

TTH - Trên đảo Cồn Cỏ, tôi chỉ có thể tranh thủ thời gian ít ỏi lúc đoàn công tác ăn trưa để “gõ” laptop hết tốc độ. Khi biên đội tàu hụ còi rời đảo, tiếp tục rẽ sóng tuần tra, cũng là lúc thông tin từ chuyến tác nghiệp nơi biển, đảo đã “lên sóng” đến với bạn đọc, nóng hổi. Đối với người làm báo, đó là niềm hạnh phúc lớn. Cái bụng đói cồn cào hay đôi mắt thiếu ngủ chỉ là “chuyện nhỏ”.

Khi người dân “tác nghiệp báo chí”Báo chí trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

leftcenterrightdel
Tác nghiệp cùng đồng nghiệp trên mọi miền đất nước tại biển, đảo Tây Nam Tổ quốc 

Tiếng gọi thiêng liêng

“Đi hay không đi?”. Nhiều người đã hỏi như vậy lúc tôi “đứng trước” chuyến tác nghiệp nơi biển đảo, khi UBND tỉnh tổ chức chuyến tuần tra, kiểm soát trên biển, nắm tình hình có liên quan đến quốc phòng an ninh và các hoạt động khai thác giã cào trái phép, khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) vào cuối tháng 5/2023.

Nỗi lo ngại có vẻ “có lý” với một nhà báo nữ “chân yếu tay mềm”. Chuyến tuần tra trên vùng nước nội thủy của tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý, khu vực vùng biển tiếp giáp giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với tỉnh Quảng Trị và vùng biển tiếp giáp giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với TP. Đà Nẵng, có thể gặp sóng gió, có thể say sóng hoặc những bất trắc không lường được về sức khỏe…

Nhớ cách đây tầm nửa năm, tôi được phân công nhận nhiệm vụ theo Đoàn công tác Vùng 3 Hải quân thực hiện chuyến tuần tra trên biển; thăm, tặng quà, chúc tết cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) và huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Con tàu vừa rời quân cảng mấy tiếng đồng hồ thì biển động. Thành viên đoàn công tác có hàng chục cán bộ các tỉnh, thành phố và phóng viên trên mọi miền; hầu hết ai nấy say vật vã.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo tỉnh và thành viên đoàn công tác động viên ngư dân trên biển 

Khi tàu thả neo ngoài xa, việc rời tàu lớn xuống tàu nhỏ để cập đảo Cồn Cỏ hết sức khó khăn. Mạn tàu liên tục bị xô đẩy và trồi lên trụt xuống theo những đợt sóng lớn, là mối hiểm nguy cho những người xa lạ với sóng gió, bởi có thể vì “yếu tim” hụt bước mà rơi xuống những đợt sóng hung dữ. Mặc dù “hàng rào” lực lượng kiểm ngư và hải quân ở mạn hai con tàu hỗ trợ, đảm bảo an toàn, nhưng có nam cán bộ luống tuổi, 30 phút trôi qua vẫn luống cuống, mồ hôi rịn bết bát trong gió lạnh. Ai nấy cũng hồi hộp, căng thẳng đến quên cả thở. Lúc anh thực hiện thành công “cú nhảy”, tất cả mọi người bất giác cùng vỗ tay vui mừng.  

Thật xúc động khi người cán bộ luống tuổi ấy đã nhất định chiến thắng bản thân, thắng được nỗi sợ, bởi một trong những sứ mệnh quan trọng của chuyến đi, là mang tình cảm của đất liền đến với chiến sĩ, Nhân dân trên đảo. Để mùa xuân nơi đảo xa nồng đượm ấm áp tình hậu phương. Những người làm báo, càng phải đi đến tận cùng, để không bỏ lỡ những khoảnh khắc, chi tiết đôi khi “nhỏ bé”, nhưng chân thực, lay động lòng người; những cung bậc cảm xúc quý giá, từ quan sát, lắng nghe, cảm nhận và lắng đọng bằng trái tim.

Cũng từng nhận nhiệm vụ thực hiện chuyến tác nghiệp 7 ngày liền trên vùng biển và tuyến đảo Tây - Nam của Tổ quốc, tôi và các đồng nghiệp trên mọi miền đất nước đã “gặp” ngồn ngộn thông tin và lắng đọng biết bao cảm xúc về cuộc đời của những cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng bộ đội hải quân và lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP)đang cầm chắc tay súng ngày đêm canh giữ những hòn đảo - trạm tiền tiêu; canh giữ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Đặc biệt, có những con tàu, những người lính hàng tháng trời vững vàng trên biển, tuần tra giữ biển, bảo vệ ngư dân vươn khơi sản xuất.

leftcenterrightdel
Dọc đường tuần tra 

Để thực hiện xuất sắc nhiệm vụ nơi đầu sóng, giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo, người lính đã bất chấp gian lao, biền biệt xa cha mẹ, vợ con, gia đình, hy sinh hạnh phúc riêng tư. Có những anh hùng liệt sĩ đã mãi mãi nằm lại trong lòng biển. Vậy nên, biển, đảo của Tổ quốc luôn là tiếng gọi thiêng liêng. Được tác nghiệp nơi biển, đảo là vinh dự; chuyển tải chân thật những thông tin, cảm xúc từ biển, đảo quê hương - từ tuyến đầu Tổ quốc là sứ mệnh, trách nhiệm của người cầm bút. Dù khó khăn đến mấy cũng không lùi bước.

Những khoảnh khắc đẹp đẽ  

Ngày 25/5, xuất phát từ cảng Hải đội 2 (phường Thuận An, TP. Huế), biên đội 3 tàu tuần tra, do ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn và Thượng tá Hoàng Minh Hùng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh chỉ huy, đưa Đoàn công tác liên ngành gồm lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện các sở, ban, ngành và UBND các huyện, TP. Huế, Thị ủy Hương Trà, Hương Thủy, Huyện ủy Nam Đông, A Lưới… rẽ sóng lên đường tuần tra.

Trên vùng biển cách cửa Thuận An tầm 10 hải lý, đoàn công tác tiến hành kiểm tra, kiểm soát đối với tàu cá TTH- 96868, do ngư dân Nguyễn Văn Hồng làm thuyền trưởng, đang cùng các bạn thuyền trong quá trình ra khơi đánh bắt. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Hoàng Hải Minh ân cần dặn dò, động viên lực lượng ngư dân chấp hành các quy định trong quá trình bám biển, vươn khơi sản xuất phát triển kinh tế. Trên gương mặt “chất chồng” nắng gió của các ngư dân là niềm vui xúc động, khi nhận các món quà ngay trên biển - là cách lãnh đạo và Nhân dân toàn tỉnh gửi gắm tấm lòng, tình cảm đến những người đang là “cột mốc sống” giữa biển khơi, chung tay giữ vững chủ quyền biển, đảo.

Thượng tá Hoàng Minh Hùng, Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh, Trung tá Lê Văn Hải, Hải đội trưởng Hải đội 2 cùng đồng đội và các ngư dân, chung một cảm xúc trân trọng thiêng liêng, giây phút trao tặng và nhận lá cờ Tổ quốc, trong tiếng sóng vỗ mạn tàu. Trước hình ảnh một ngư dân áp lá cờ trên lồng ngực, tôi lặng người xúc động nhớ 64 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, quyết tử để bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên vùng biển đảo quê hương, trong trận chiến Gạc Ma năm 1988. Thời gian qua, hàng chục nghìn lá cờ Tổ quốc đã được BĐBP tỉnh phối hợp các lực lượng, tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương trao tặng, để ngư dân mang theo ra khơi xa sự khẳng định và niềm tự hào về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.

leftcenterrightdel
 Biên đội tàu tuần tra chuẩn bị cập đảo Cồn Cỏ

Dọc đường tuần tra, đoàn công tác đã ghé thăm đảo Cồn Cỏ; thăm, tặng quà, giao lưu tại Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân. Ông Hoàng Hải Minh và ông Đặng Ngọc Trân, UVTV, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy đã gửi đến lực lượng BĐBP đảo Cồn Cỏ và lực lượng bộ đội hải quân Vùng 3, tình cảm xúc động, khi các anh đã, đang và còn sẽ bất chấp thời gian, không gian, hiểm nguy để bảo vệ ngư dân nói chung, bảo vệ ngư dân Thừa Thiên Huế, trong quá trình bà con vươn khơi sản xuất.

Cũng như BĐBP tỉnh, những người hôm nay thực hiện chuyến tuần tra, là đang tiếp nối nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên cương, biển, đảo; tiếp nối nhiệm vụ bảo vệ ngư dân. Trong hành trang người làm báo, tôi mãi cất giữ khoảnh khắc 9 ngư dân Thuận An bị chìm tàu ngoài khơi, trong đêm tối, hoảng loạn trong sóng dữ, giữa lằn ranh sinh tử được BĐBP cứu sống; đưa vào bờ an toàn.

Cái ôm siết chặt cùng những giọt nước mắt hạnh phúc của vợ chồng ngư dân lúc gặp lại nhau; cái nắm tay thật chặt của ngư dân với Thượng tá Hoàng Minh Hùng (đã ở bên chân sóng, chờ đợi ngư dân gặp nạn trở về); gương mặt hốc hác nhưng “nhẹ nhõm” của Trung tá Lê Văn Hải (người trực tiếp chỉ huy, cùng đồng đội vượt sóng dữ trong đêm, cứu 9 ngư dân thành công) là những khoảnh khắc đẹp đẽ, mà người làm báo tự hào được chuyển tải, lan tỏa vào cuộc sống.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Báo chí ở mặt trận Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc “hội quân” của cả nước. Trong cuộc “hội quân” lịch sử đó có sự tham gia và đóng góp không nhỏ của “đội quân báo chí”.

Báo chí ở mặt trận Điện Biên Phủ
Khám phá AI với nhiếp ảnh Nghệ thuật và Thương mại

Chiều 7/4, tại Khoa Báo chí – Truyền thông Trường đại học Khoa học đã diễn ra hội thảo “Nhiếp ảnh thương mại trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo” do trường phối hợp Hội Nhiếp ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức và được tài trợ bởi công ty chuyên sản xuất về thiết bị chụp hình Yongnuo.

Khám phá AI với nhiếp ảnh Nghệ thuật và Thương mại
Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Thúc đẩy báo chí thích ứng, đổi mới mạnh mẽ

Trước thềm Diễn đàn với 12 phiên họp khai mở, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chia sẻ với báo chí xung quanh nội dung cũng như kỳ vọng về Diễn đàn Báo chí Toàn quốc trong khuôn khổ “Hội Báo toàn quốc 2024”. Diễn đàn với 12 phiên thảo luận nhiều vấn đề cấp thiết đặt ra với báo chí đang được kỳ vọng mở ra con đường mới cho các cơ quan báo chí thích ứng và phát triển, phục vụ và đóng góp đắc lực cho quốc gia, dân tộc.

Thúc đẩy báo chí thích ứng, đổi mới mạnh mẽ
Return to top