Ông Đỗ Mãi thăm hỏi, vận động ngư dân nỗ lực phát triển kinh tế
Khi chúng tôi đến, ông Mãi đang “loanh quanh” đến mấy hộ ngư dân trong thôn để thăm hỏi, khích lệ chuyện làm ăn, ra khơi đánh bắt.
Vợ chồng ngư dân Đỗ Thanh Hùng bộc bạch, trước đây, cũng nhờ ông Mãi đến “thủ thỉ” hoài về chuyện cần “bỏ” nghề lưới cá lạc kém hiệu quả, vợ chồng anh mới mạnh dạn đầu tư ngư lưới cụ, chuyển đổi sang nghề lưới quét. Thay vì chỉ khai thác cá lạc như trước đây, những chuyến đánh bắt xa bờ khai thác được rất nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao với sản lượng lớn, đã đưa lại thu nhập cao, ổn định cho gia đình anh Hùng.
Ông Đỗ Mãi cười mộc mạc: “Trước đây, nghề lưới cá lạc cũng “được” lắm. Nhưng sau này nguồn cá cạn kiệt, việc đánh bắt kém hiệu quả. Một số ngư dân trong thôn, trong đó có người thân gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi sang nghề lưới quét, thu nhập cao, ổn định. Mỗi chuyến tầm 10 ngày, nếu trúng thì thu được lãi ròng tầm 300 triệu đồng. Tôi đưa những trường hợp người thực việc thực đó “rỉ rả” với ngư dân trong thôn. Vậy là họ tin, nghe theo. Bây giờ, 100% ngư dân thôn 6 chuyển đổi sang nghề lưới quét, khai thác rất hiệu quả. Kinh tế mọi gia đình khấm khá, thôn xóm cũng vững mạnh hơn nhiều”.
Bà Trần Thị Thu Thủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Vinh Thanh cho biết, không chỉ đóng góp rất lớn trong việc vận động ngư dân chuyển đổi nghề, với vai trò Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, ông Mãi rất thành công trong việc vận động người dân trên địa bàn chung tay xây dựng nông thôn mới.
Khi chúng tôi đến, con đường bê tông ra biển rộng rãi, khang trang vừa được hoàn thành từ đóng góp của người dân. “Khi vận động, tôi nói rằng đây là con đường huyết mạch. Nếu bà con không làm, bản thân mình kéo xe lưới đi rất cực khổ. Vả lại bây giờ Vinh Thanh đã là xã nông thôn mới, chẳng lẽ để “sót lại” những con đường gập ghềnh, không đảm bảo an toàn giao thông. Vậy là bà con “nghe thủng”, cùng hưởng ứng chung tay đóng góp”- ông Mãi kể.
Từ sự vận động của ông Mãi và cán bộ các tổ chức đoàn thể trên địa bàn, người dân thôn 6 bằng nội lực của mình, chung tay cùng Nhà nước bê tông hóa toàn bộ đường liên thôn, liên xóm. Người dân đóng góp chi phí bê tông 100% đường khu vực xóm và hệ thống điện chiếu sáng, “phủ sáng” trên tất cả mọi nẻo đường trên địa bàn.
Khi tư tưởng, ý thức người dân đã “thông”, bất cứ việc chung nào cũng được tích cực hưởng ứng và hoàn thành thông suốt. Ngoài việc tích cực đóng góp quỹ Vì người nghèo, người dân thôn 6 thành lập các hội tiết kiệm (mỗi nhóm 10- 12 người). Tiền tiết kiệm hàng trăm triệu đồng, dùng để giúp đỡ hội viên khó khăn trong hội thông qua việc cho vay không lãi hoặc cho ngư dân trong thôn vay với mức lãi “tượng trưng”, để họ có điều kiện mua sắm, thay mới, cải tiến ngư lưới cụ, giúp nhau phát triển kinh tế.
“Ngoài ra, các hội tiết kiệm cùng đồng hành, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Như hộ ông Nguyễn Công Điệt, vợ chồng đều bị bệnh tật đeo đẳng. Nhiều năm liền, chúng tôi giúp gạo thường xuyên cho gia đình, để các con của họ được học hành tử tế. Nay các cháu đã trưởng thành, đi làm có thu nhập ổn định, xây được nhà hai tầng…”. Ông Mãi chia sẻ.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh