|
|
Căn phòng có sức sống hơn nhờ hiệu ứng từ bức tranh treo tường |
“Giữa bộn bề vòng quay của cuộc sống, công việc, tôi muốn có một góc nhỏ trong nhà, nơi mà mình có thể ngồi nhâm nhi ly trà và ngắm nhìn những bức tranh, bức ảnh. Phút giây tĩnh lặng đó khiến người tôi nhẹ nhõm, đỡ căng thẳng và tăng thêm niềm phúc lạc trong tâm hồn”, anh Nguyên, chủ một căn nhà tại thị trấn Phú Lộc chia sẻ.
Là người đam mê với nhiếp ảnh, anh Nguyên thường tự chụp những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc bình dị đời thường mà mình vô tình bắt gặp trên đường, sau đó phóng to và trang trí cho phòng làm việc. Anh kể: “Tôi làm nghề tự do nhưng áp lực cũng rất lớn. Bởi thế đối với tôi, việc ngắm nhìn những bức tranh, ảnh dung dị được bố trí trong nhà vừa là sở thích, đam mê, vừa là động lực thôi thúc để bản thân làm việc tốt hơn”.
Khác với sở thích chưng tranh, ảnh của anh Nguyên, là kiến trúc sư đam mê sáng tạo, anh Anh Tài (TX. Hương Thủy) đã biến căn nhà của mình trở thành “sàn diễn” của ánh sáng và hình khối. Từ phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ đến nhà vệ sinh, kiến trúc và nội thất trong căn nhà của anh đều được xây dựng và bài trí theo tone màu trắng, điểm tô bằng các loại cây trong nhà.
Điểm đặc biệt nhất trong căn nhà đó là anh đã “bắt” được những khoảnh khắc ánh sáng tự nhiên trong ngày để tạo nên các bức phông, màn bằng ánh sáng. Từ đó, mang lại hiệu ứng thị giác độc đáo, mới lạ và bắt mắt.
Anh cho biết: “Tôi đã tính toán để lúc sáng sớm, trưa hay chiều tối, luồng ánh sáng từ mặt trời sẽ được mang vào nhà một cách tự nhiên và nghệ thuật nhất. Từ đó, biến ánh sáng trở thành điểm nhấn và tạo nên không gian nghệ thuật vô cùng tinh tế ngay trong nhà mà không hề tốn bất cứ nguyên vật liệu nào để duy trì”. Bởi thế, dù chỉ đơn giản với tone màu trắng dung dị, ngôi nhà của anh Tài vẫn phô bật được vẻ đẹp lung linh của ánh sáng, của đường nét được tính toán khéo léo, nghệ thuật.
Có nhiều cách để mang nghệ thuật vào không gian sống. Ngoài những sắp đặt nghệ thuật được tính toán trước thông qua các thiết kế, kết cấu ngôi nhà, các chi tiết decor, trang trí khác từ tranh, ảnh, các tác phẩm nghệ thuật, phù điêu cũng là sự lựa chọn hợp lý. Ngoài ra, nhiều người còn có sở thích bày biện, bố trí những sản phẩm nội, ngoại thất handmade độc đáo. Qua đó, phô bật sự sáng tạo và khiếu thẩm mỹ, tạo nên điểm nhấn lạ mắt cho không gian sống.
Theo họa sĩ Trần Ngọc Sỹ, phổ biến nhất trong hoạt động mang nghệ thuật vào không gian sống đó chính là việc sử dụng tranh ảnh, những bức tượng, điêu khắc.
Anh cho biết, một tác phẩm nghệ thuật có thể gợi lên những cảm xúc vô cùng chân thực và mạnh mẽ. Đó có thể là một bức tranh, một bức tượng nhỏ được bố trí phù hợp và tương hỗ với nhau khi đặt gần nhau. Hoặc đó cũng có thể là một bức phù điêu được thực hiện khéo léo, phối trí với đèn chùm ngay nơi bàn uống trà.
“Những sự sắp đặt hài hòa ấy không chỉ khiến cho không gian sống đời thường và nghệ thuật như hòa làm một mà nó còn góp phần bổ trợ, làm đẹp cho nhau. Ngôi nhà là nơi trưng bày rất “đời”, đẹp và hợp lý, ngược lại, sự xuất hiện của các tác phẩm nghệ thuật giúp nhân lên vẻ đẹp và câu chuyện cho ngôi nhà. Đó sẽ là góc “nuôi dưỡng tâm hồn” được lồng ghép khéo léo và tinh tế, hô biến các góc cạnh khô cứng và nhàm chán trong căn nhà trở nên đẹp đẽ, sống động và đầy tinh tế”, anh Ngọc Sỹ nói.
Đưa nghệ thuật vào không gian sống không chỉ đòi hỏi hiểu biết về nghệ thuật, nó còn đòi hỏi những tình cảm sâu sắc và sự nhìn nhận, lắng nghe của mỗi cá nhân đối với bản thân mình. Có như thế, khi bày trí các tác phẩm hay thực hiện những kiến trúc đầy âm hưởng nghệ thuật trong nhà, tổng thể ngôi nhà mới đảm bảo sự hợp lý, toàn vẹn và giàu sức sống.