- Răng thấy chị quen quen...
Từ lời bắt chuyện của chị, chuyện cứ dài mãi, cho đến khi tối mịt vẫn chưa dứt.
Là chuyện hơn mười năm trước, chị bán rau muống ở chợ Bến Ngự. “Hồi nớ cực dễ sợ. Con dại, chồng thì vụng về, tui nách rổ rau bạ đâu ngồi đó. Bị đuổi chỗ ni thì chạy chỗ khác. Cực lắm, tủi phận lắm nhưng không bán thì lấy chi nuôi con”. Chị thủ thỉ, như đang lần giở những trang hồi ký đời mình.
Khen căn nhà trông khang trang, chị bảo: Đó là công trình hơn 20 năm của chị. “Hồi trước, miếng đất ni sâu lút ngực. Tui đi lượm từng viên đá, gánh từng gánh đất bồi lên. Đổ hoài rồi nó cũng đầy. Rồi tui dành dụm làm trước cái móng. Mấy năm sau xây tường. Mấy năm sau nữa tô trát, lợp. Rồi cũng có cái nhà để ở - chị bộc bạch - Thấy tui làm suốt ngày suốt đêm, ai cũng nói răng không bắt chồng làm. Không làm cái ni thì phải làm cái khác chớ. Nhưng tui cứ ngậm thinh, nghĩ thôi trời cho chi lấy nấy, biết răng mà đòi hỏi”.
Đến khi ở chợ, người ta không cho hàng rong bạ bán nữa thì chị liều mở quán cháo. “Ai cũng nói, cái chỗ khuất nẻo ri, bán ai ăn. Rứa mà chỉ sau chục ngày đã đông khách. Nhờ trời thương”, chị đúc kết về cái quán cháo nhỏ của mình đúng là bây giờ đã có tiếng, dù chẳng có biển hiệu.
Nói về nghề mới mà nhờ nó, chị không còn vất vả như thời lội ruộng cắt từng cọng rau muống; nói về tổ ấm của mình với hai con nhỏ ngoan ngoãn, chị luôn bảo: Nhờ trời thương.
Có lẽ đó là niềm tin của chị. Nhưng với tôi, tổ ấm mà chị có được hôm nay là từ sự tần tảo, chịu khó của chị. Người phụ nữ bé nhỏ ấy đã một mình xây nhà, rồi xây tổ ấm....
Nhật Nguyên