ClockThứ Năm, 28/11/2024 07:26
TRUNG TÂM CÔNG TÁC XÃ HỘI VÀ QUỸ BẢO TRỢ TRẺ EM:

Tận tình chăm lo người yếu thế

TTH - Có những hoàn cảnh không nơi nương tựa, bị bỏ rơi hay những người ở tuổi xế chiều, không người thân chăm sóc đã đến với Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em (gọi tắt Trung tâm). Do hoàn cảnh hay tự nguyện, họ đến đây để tìm "hơi ấm" sẻ chia, chăm sóc. Có những người đã gắn bó, trưởng thành, sống vui khỏe khi được nương tựa ở mái ấm tình thương này.

Nâng cao chất lượng chăm sóc người có công, người yếu thếHuy động nguồn xã hội hóa vì cộng đồngĐịa chỉ giúp người yếu thế hòa nhập

 Kiểm tra, thăm khám sức khỏe cho người già đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm

Tự nguyện gia nhập ngôi nhà tình thương

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, cán bộ hưu trí, có nhà cửa đàng hoàng ở phường Trường An, TP. Huế, nhưng vì sống một mình, không ai săn sóc, bản thân lại mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, nên ông quyết định đăng ký vào sống tại Trung tâm theo hình thức tự nguyện đóng kinh phí để được cán bộ Trung tâm chăm sóc chu đáo, điều độ hơn.

Như ông Vĩnh, nhiều người đến với Trung tâm đều có những hoàn cảnh, lý do khác nhau, có người được gửi hoặc tự nguyện vào Trung tâm vì gia đình không có người chăm sóc, kinh tế khó khăn hoặc do tính cách tuổi già... Hoàn cảnh đơn thân và không may bị khuyết tật từ trẻ, cụ bà Nguyễn Thị Thúy Vân nhập hộ khẩu vào Trung tâm từ những ngày đầu đơn vị hình thành dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tự nguyện. “Nhờ được các cô chú ở Trung tâm chăm lo từ miếng ăn, giấc ngủ, thuốc men đủ đầy và có người trò chuyện, bầu bạn, tinh thần mệ giờ khuây khỏa hơn, sức khỏe tốt lên nhiều”, bà Vân khoe.

Vào Trung tâm từ hơn 6 năm nay, bà Lài kể: "Hàng ngày, mấy cô chú ở Trung tâm can giờ cho tụi tui đi ngủ và thức dậy đúng giờ giấc lắm. Mấy cô bảo không nên kê gối cao khi ngủ, máu không lên não, rất nguy hiểm. Lắm lúc tụi tui chướng tính thất thường, nhác ăn, mấy cô chú còn phải dỗ ngon, dỗ ngọt".

Dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi tự nguyện đóng kinh phí vào sống tại Trung tâm được hình thành từ năm 2017. Những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, nhiều hạng mục nhà ở, trang thiết bị được đầu tư nâng cấp, cải tạo khang trang, sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Từ quy mô ban đầu là 10 giường, đến nay, cơ sở dịch vụ này đã tăng lên 70 giường.

Ông Trần Văn Khải, Giám đốc Trung tâm CTXH và QBTTE cho biết: “Hàng năm, Trung tâm được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để có điều kiện chăm sóc tốt hơn cho người yếu thế, người tự nguyện, chất lượng phục vụ - chăm sóc cũng được nâng lên, từ việc thay đổi khẩu phần, chất lượng bữa ăn đến tổ chức thăm khám, chăm sóc sức khỏe và tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí”.

Qua 6 năm thực hiện dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi tự nguyện, với đội ngũ nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, tận tâm, "địa chỉ dưỡng lão" của Trung tâm được người ở cũng như thân nhân đánh giá cao, tin tưởng, yêu mến. Nhiều trường hợp trước khi vào Trung tâm sức khỏe sa sút do ăn uống thất thường, nghiện ngập rượu bia..., nhưng nhờ được chăm sóc, ăn uống, ngủ nghỉ điều độ, đúng giờ giấc nên nhanh hồi phục sức khỏe để trở về với gia đình, cộng đồng. "Với mức thu như hiện nay và chất lượng dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng tốt của Trung tâm, dự kiến số người tự nguyện vào ở tại Trung tâm thời gian tới sẽ tăng cao", ông Trần Văn Khải nhận định.

Chăm lo toàn diện

Hiện nay, Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng gần 150 người. Trong đó, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội người cao tuổi và người khuyết tật 65 người; trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 21 cháu; người lang thang, xin ăn biến động từ 15 - 25 người; người cao tuổi tự nguyện 34 người.

Trong 5 nhiệm vụ được giao, Trung tâm xác định nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng là quan trọng nhất nên tập trung thực hiện, nâng cao chất lượng phục vụ. Để làm tốt, đơn vị luôn chú trọng chăm lo sức khỏe, phục hồi chức năng, lao động trị liệu, an toàn vệ sinh thực phẩm, chế độ dinh dưỡng với thực đơn phong phú, đủ dưỡng chất, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Qua đó, giúp các đối tượng nâng cao sức khỏe thân thể và có tinh thần tốt hơn.

Phải chăm sóc đa số là người già, người khuyết tật, trẻ dưới 4 tuổi, nên ngoài đảm bảo chế độ dinh dưỡng, Trung tâm đặc biệt chú trọng công tác thăm khám sức khỏe. Hàng ngày, nhân viên y tế Trung tâm tổ chức kiểm tra sức khỏe, phát thuốc cho những người cao tuổi, người khuyết tật bị ốm đau theo chỉ định bác sĩ. Trung tâm liên kết với các bệnh viện, cơ sở y tế tuyến trên tổ chức thăm khám định kỳ cho các đối tượng để kịp thời phát hiện bệnh và có hướng điều trị tốt. Trường hợp bệnh nặng sẽ lên các bệnh viện lớn điều trị.

Để nâng cao sức khỏe thân thể, hàng ngày, Trung tâm tổ chức các hoạt động tập thể dục, phục hồi chức năng, lao động trị liệu, chăm sóc cây, trồng trọt, chăn nuôi, làm hương, xếp vàng mã… Mở các câu lạc bộ như: Cờ tướng, văn nghệ, cầu lông… và các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, giải trí… để các đối tượng vui chơi, giao tiếp, nâng cao sức khỏe.

Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em; Địa chỉ: 65 Đặng Tất, phường An Hòa, TP. Huế; Điện thoại: 02343.589.788

Huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để chăm lo cho các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm và ngoài cộng đồng luôn được Trung tâm đặc biệt đẩy mạnh. Nhờ tranh thủ các nguồn lực, đến nay 2 cơ sở nuôi dưỡng: Người cao tuổi (tại 65 Đặng Tất) và trẻ em (tại 2 Nguyễn Lâm, phường An Hòa) được đầu tư khang trang, môi trường xanh - sạch - sáng, tạo nên không gian sống, vui chơi, sinh hoạt cho các đối tượng luôn thoải mái, sạch sẽ.

"Để hình ảnh Trung tâm là địa chỉ thân thiện, đáng tin cậy, ngoài chú trọng đầu tư cơ sở vật chất có nơi ăn, chốn ở khang trang, sạch đẹp, chất lượng, đơn vị luôn quan tâm xây dựng đội ngũ viên chức, người lao động thân thiện, trách nhiệm, có chuyên môn, nghiệp vụ tốt để luôn là điểm nuôi dưỡng có chất lượng, nơi đáng sống của người yếu thế", ông Trần Văn Khải khẳng định.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chăm lo lưu học sinh Lào

Là trường cao đẳng duy nhất trên địa bàn tỉnh đào tạo và cấp chứng chỉ năng lực tiếng Việt cho lưu học sinh (LHS) Lào, Trường Cao đẳng Huế đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa tích cực chăm lo cho LHS.

Chăm lo lưu học sinh Lào
Sáng tạo trong chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân

Từ các hoạt động thể thao, văn hóa đến những buổi chia sẻ cân bằng cuộc sống, công đoàn và Công ty HBI Huế đang tạo nên một môi trường làm việc năng động, gắn kết cho đoàn viên, người lao động (ĐV, NLĐ).

Sáng tạo trong chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân
Chăm lo đời sống cho đoàn viên và người lao động

Từ những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức công đoàn, các cấp công đoàn ở huyện Phú Lộc đã cụ thể hóa thành chương trình công tác, vận dụng vào tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị một cách sáng tạo, phù hợp, có hiệu quả.

Chăm lo đời sống cho đoàn viên và người lao động
Chăm lo đời sống mọi mặt cho người có công

Huy động mọi nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình cải thiện chỗ ở, hỗ trợ phát triển kinh tế, chăm lo đời sống về mọi mặt cho các đối tượng chính sách, có công đang được các cấp ủy Đảng, chính quyền ở Hương Trà chú trọng.

Chăm lo đời sống mọi mặt cho người có công
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng ngành y

Theo Sở Y tế, việc thu hút nhân lực không chỉ dừng lại ở chính sách đãi ngộ, mà còn là được học, được đào tạo liên tục, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tạo môi trường làm việc thuận lợi.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng ngành y
Return to top