|
|
Phụ huynh cần đồng hành cùng con học kỹ năng sinh tồn |
Mới đây, nhiều người đã “vỡ òa” trước thông tin bốn chị em ruột người Colombia, bé nhất chỉ 11 tháng tuổi và lớn nhất là 13 tuổi sống sót kỳ diệu giữa rừng rậm Amazon trong suốt hơn 40 ngày sau tai nạn máy bay.
Người chị cả với kỹ năng sinh tồn được học từ “trò chơi cắm trại” đã giúp mình và các em tìm kiếm quả dại cũng như tránh khỏi rắn rết, côn trùng. May mắn được lực lượng cứu hộ tìm thấy nhưng không phải phép màu, chính những kỹ năng sinh tồn tuyệt vời đã giúp các em trụ vững trong tình huống khắc nghiệt.
Có vai trò quan trọng, được sử dụng để duy trì mạng sống trong các tình huống đặc biệt, thế nhưng việc trang bị, giáo dục kỹ năng sinh tồn cho trẻ em vẫn còn ít được chú trọng. Bởi thế, những tai nạn đáng tiếc vẫn xảy ra và gây hậu quả nặng nề. Đặc biệt nhất là tai nạn đuối nước, điện giật, bỏng...
Theo số liệu từ Cục trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm nước ta có đến 2.000 trẻ em bị đuối nước. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu bởi tai nạn thương tích của trẻ em Việt Nam. Nguyên nhân chính xảy ra thực trạng này là do trẻ không biết bơi cũng như xử lý các tình huống khi ở trong môi trường nước.
Ngoài ra, những kỹ năng khác cũng vô cùng quan trọng để trẻ em thoát khỏi những tình huống khẩn cấp, như kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn, phòng ngừa tai nạn thương tích, kỹ năng sơ cấp cứu khi bị thương tích vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Ngày nay, do tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử và thế giới ảo, không chỉ người lớn mà cả trẻ em dần quên đi cách sinh tồn tự nhiên hoặc tầm quan trọng của việc trang bị những kỹ năng cần thiết để sinh tồn. Trong khi đó, hiểm họa từ những tai nạn không mong muốn vẫn có thể xảy ra bất cứ khi nào, với bất cứ ai và gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh nhận định: “Việc trang bị cho trẻ em kỹ năng sinh tồn là cực kỳ quan trọng. Nếu trang bị được những kỹ năng sinh tồn một cách bài bản, khoa học thì việc các em ứng phó với tai nạn sẽ dễ dàng hơn, hạn chế được những rủi ro. Đây là nội dung cần được các phụ huynh đặc biệt xem trọng trong mỗi gia đình cũng như cả trong môi trường học đường”.
Thực tế cho thấy, dù đã được quan tâm và mang lại hiệu quả, song việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho trẻ em trong môi trường học đường vẫn còn nhiều hạn chế. Các kỹ năng được nhà trường lồng ghép vào môn học hoặc triển khai đến học sinh theo hình thức dàn trải nên phần lớn còn thiếu tính thực hành. Trong khi đó, tại các gia đình, nhiều bậc phụ huynh vẫn chủ quan hoặc không có đủ thời gian đồng hành cùng con trong quá trình rèn luyện các kỹ năng, bởi thế, hầu hết những trang bị về kỹ năng sinh tồn cho các em mới chỉ dừng ở mức độ tiếp cận.
Hướng đến những giải pháp tích cực để trang bị kỹ năng sinh tồn cho trẻ, ngoài sự chú trọng của nhà trường vào các khóa học chính quy, phụ huynh có thể cho con em của mình tham gia những trại hè kỹ năng hay các hoạt động giáo dục tại các trung tâm giáo dục kỹ năng. “Ngoài sự đồng lòng của nhà trường và phụ huynh, cần nhất đó là nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sinh tồn. Những khóa học cần được chú trọng hơn và chuyên sâu hơn, nhất là các hoạt động thực hành. Học không phải để nhồi nhét kiến thức mà là để các em nhận thức, làm quen với tình huống, từ đó “lận lưng” những kỹ năng cần thiết để đề phòng khi bất trắc xảy ra”, đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh nói.