ClockChủ Nhật, 11/08/2019 17:54

Tàu cá mô hình & ước mơ vươn ra biển lớn

TTH - Là thú chơi ra đời từ rất lâu trên thế giới, nhưng độ 10 năm trở lại đây chơi tàu cá mô hình tại Huế mới nở rộ. Và, thú chơi này chủ yếu xuất hiện trong giới trẻ ở các vùng quê ven biển.
 

 

Đam mê

Một chiều cuối tuần, mặt nước tại khu neo đậu tàu cá thôn Hải Tiến (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) lại náo nhiệt bởi tiếng động cơ của tàu cá mô hình. Chủ nhân của những con tàu đứng ở khu vực mặt nước xâm xấp mắt cá chân, chăm chú điều khiển tàu tránh các chướng ngại vật và tăng tốc độ. Những chiếc tàu mô hình chạy trên mặt nước không chỉ thu hút người chơi mà mọi ánh mắt của người xem đều đổ dồn về phía xa. Thỉnh thoảng, lại có tiếng ồ vì một con tàu không may “gặp nạn”.

 

Lắp đặt hệ thống điện cho động cơ tàu cá

Nguyễn Hữu Anh (thôn Tân Bình, thị trấn Thuận An) bảo, thú chơi này xuất hiện từ lâu, là trò tiêu khiển của những người trẻ tại vùng bên chân sóng. Ban đầu, thú chơi tự phát, xuất hiện nhỏ lẻ nhưng sau khi thành lập tổ, nhóm tập hợp nhiều người cùng đam mê và lan rộng ra trong giới trẻ miền biển.

Về thị trấn Thuận An, không khó để hỏi thăm chuyện tàu cá mô hình vì nhiều bạn trẻ sở hữu cho mình một chiếc tàu với hình thức tùy theo sở thích, từ tàu lưới rê, tàu lưới vây đến tàu giã cào, tàu vỏ thép, compusite. Tàu cá mô hình có chiều dài khoảng 1m, nặng khoảng 10kg, chạy trên mặt nước với tốc độ từ 20 - 40km/h. Chơi tàu cá mô hình là thú chơi cầu kỳ, đòi hỏi niềm đam mê nhưng mang nét văn hóa vùng biển và ý nghĩa trong đời sống. “Tụi em đều sinh ra và lớn lên ở vùng biển, hàng ngày thường xuyên được tiếp xúc với tàu cá. Hầu như gia đình nào cũng sở hữu một chiếc tàu cá nên thú chơi tàu cá mô hình phát triển mạnh trong giới trẻ vùng biển”. Nguyễn Hữu Anh chia sẻ.

 

Số hiệu tàu cá không khác gì tàu thật

Cũng như bao thú chơi khác, khi đã trót đam mê tàu cá mô hình, người chơi sẽ suốt ngày nghĩ đến chúng, từ hình thức thân tàu, vỏ tàu, đến động cơ và cả những thiết bị chuyên dùng. Ngoài vẻ đẹp thân tàu, người chơi còn chú trọng đến tốc độ cũng như khả năng… vươn khơi của tàu mô hình. Một người chơi chuyên nghiệp thì khi tàu cá thật có gì thì tàu cá mô hình cũng phải có cái đó. “Tụi em chơi tàu cá mô hình chủ yếu xuất phát từ đam mê. Tàu cá mô hình được trang bị giống tàu cá thật đến 99%. Từ vỏ tàu bằng chất liệu gỗ hoặc vỏ thép, compusite. Tàu trang bị động cơ, dàn đèn, khoang lạnh và ngư lưới cụ đánh bắt, số hiệu... Hiện nay, nhiều người chơi tàu cá mô hình nên người chơi nào cũng muốn cải tiến tàu của mình để tạo ra nét độc đáo, riêng biệt”, Trần Văn Guyn (thị trấn Thuận An) nói.

Đóng tàu lớn vươn biển xa

Hỏi chuyện tàu cá mô hình, nhiều người dân Thuận An hướng chỉ tay về nhà Trần Văn Cường (25 tuổi, thôn Hải Tiến). Cường là một trong những người chơi có “nghề” tại thị trấn Thuận An. Từ năm 10 tuổi, Cường bắt đầu chơi và tập tành làm tàu cá mô hình. Thời điểm ấy, tàu cá của Cường chủ yếu được chế tác từ những tấm xốp bỏ đi. Dần dà, Cường thay thế chất liệu đóng tàu rồi tự sản xuất để chơi chứ không mua.

 

Hiệu chỉnh động cơ tàu trước khi hạ thủy
 

Để chế tác ra một con tàu quả rất cầu kỳ, ấy thế mà chàng trai trẻ “ăn học chưa đến nơi đến chốn” lại vừa là người thiết kế vừa kiêm thi công. Từ tàu chạy bằng bình ắc quy đến tàu chạy bằng động cơ hai thì, những miếng gỗ tưởng chừng vứt đi được Cường tạo ra những con tàu giống như thật. “Em mới xuất kho 2 con tàu cho những người đặt mua ở  Huế. Mỗi con trị giá 10 triệu đồng. Bây giờ, nếu ai đặt mua em sẵn sàng làm để cung ứng. Hiện nay, tàu mô hình được nhiều người chọn làm trang trí trong gia đình”, Cường khoe.

 

Tàu được điều khiển bằng thiết bị từ xa

Trần Văn Cường bảo rằng, làm được tàu mô hình phải mất ít nhất một tháng. Các công đoạn làm nên hình hài chiếc tàu không khác gì câu chuyện của những người thợ đóng tàu ở bãi đà. Gỗ được Cường lượm lặt hoặc mua lại các chủ đóng tàu, rồi thiết kế, cắt, lắp ráp, sơn, hoàn thiện thiết bị tàu. “Em không học qua trường lớp nào về đóng tàu. Vì đam mê tàu cá nên lúc nhỏ theo ba ra chỗ đóng tàu rồi bắt chước họ làm theo. Những thiết bị, như động cơ, bộ điều khiển tàu thường em đặt mua ở trên mạng. Còn gỗ thì mua hoặc tận dụng tại các xưởng đóng tàu. Lúc đầu em tập làm tàu mô hình bằng xốp, sau khi thành thạo rồi thì chuyển sang gỗ hay tàu vỏ sắt. Là người con của biển, đam mê với tàu mô hình từ nhỏ nhưng ước mơ của em là thiết kế những con tàu thật, hiện đại để vươn ra biển lớn, tăng năng lực đánh bắt”, Cường chia sẻ.

 

Chơi tàu cá mô hình là đam mê của các bạn trẻ vùng biển

 

Thú chơi tàu mô hình ngày càng lan rộng và tại thị trấn Thuận An, không chỉ Cường mà nhiều bạn trẻ khác cũng đang tự mình thiết kế nên những con tàu để tạo nên niềm vui và thực hiện ước mơ. “Thời buổi ni, để tìm hiểu tạo ra tàu cá mô hình không khó. Ngoài các xưởng đóng tàu, trên sách báo, internet cũng cung cấp khá nhiều thông tin tạo nên tàu mô hình. Chúng em cũng thành lập nhóm những người đam mê tàu mô hình trên facebook để trao đổi kinh nghiệm thiết kế. Sinh ra và lớn lên ở vùng biển, thú chơi tàu mô hình không chỉ dừng lại ở trò tiêu khiển mà đó còn là cách để hình thành nên ý niệm giữ nghề của tổ tiên để lại, tàu mô hình nhưng ước mơ vươn ra biển lớn”, Nguyễn Hữu Anh bộc bạch.

 

Những chiếc tàu mô hình có hình thức không khác gì tàu cá thật của ngư dân

 

Giới trẻ đam mê tàu mô hình không chỉ tạo nên một trào lưu mới mà đối với những ngư dân suốt đời sấp mặt vào biển thì đây như một niềm vui lớn. Ngư dân Trần Văn Cầu (thị trấn Thuận An) nói: “Tụi nhỏ bữa ni giỏi, tự mày mò, sáng tạo ra những con tàu mô hình như thật. Điều đó khiến tụi tui vui lây vì chúng còn nhớ biển, nhớ nghề mưu sinh hàng trăm năm nay của tổ tiên”.

Nội dung: Lê Thọ - Ảnh, Clip: Quỳnh Viên

Thiết kế: Minh Quân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Từ những mô hình hiệu quả

Với các mô hình “Con heo đất”, “Ngôi nhà xanh”, “Tiết kiệm tự nguyện”..., phong trào phụ nữ đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu ở TX. Hương Trà đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng động, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Từ những mô hình hiệu quả
Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”

Vốn là dân sư phạm nhưng vì đam mê hoa, chị Nguyễn Thị Thanh Lân (Phong Thu, Phong Điền) đã rẽ sang lĩnh vực kinh doanh hoa rồi khởi nghiệp với mô hình mang thương hiệu “Hoa tươi bất tử Cố đô” bước đầu thành công ở quê nhà. Với mô hình này, chị Lân đã tham gia Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Thừa Thiên Huế năm 2024 và được UBND tỉnh tặng bằng khen có sáng kiến ĐMST của thế hệ trẻ.

Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”
Hướng phong trào đến xây dựng mô hình sản xuất mới

Cùng với phát triển sâu rộng, tăng nhanh về số lượng, quy mô và hiệu quả kinh tế - xã hội, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trong giai đoạn hiện nay cần có các giải pháp hiệu quả, thiết thực hơn nhằm hướng phong trào đến xây dựng các mô hình sản xuất mới.

Hướng phong trào đến xây dựng mô hình sản xuất mới
Triển vọng từ mô hình trồng sen chính vụ kết hợp rải vụ

Những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn TX. Hương Thủy đã thay đổi tư duy canh tác khi mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng sen; trong đó, mô hình trồng sen chính vụ kết hợp rải vụ đã cho thấy hiệu quả khi giúp nông dân mỗi năm thu về hàng tỷ đồng.

Triển vọng từ mô hình trồng sen chính vụ kết hợp rải vụ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top