ClockChủ Nhật, 25/02/2024 07:21

Tháng Giêng theo mẹ ra đồng

TTH - Mẹ tôi không quan niệm còn mùng còn Tết, lại càng phản đối cái lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Gia quy của mẹ: chơi tết có chừng có đỗi, còn phải lo làm để đón những tết sau. Mẹ bảo không làm tay chân buồn bã, ngủ không ngon. Trừ một hai năm hồi còn nhỏ xíu, tôi được ba mẹ chở đi thăm một số người bà con xa, sau này khi những người thân xa đó không còn - vì nhiều lý do - tôi không thấy mẹ đi chơi tết nữa. Mới sáng mùng 4, mẹ đã ra đồng thăm lúa.

Về Lợi Nông xem đua trải đầu xuân

 

Nhà tôi làm ruộng nhưng địa thế gần sông nên nhà có thêm miếng đất thổ phía bên kia sông - đất pha cát - chỉ trồng hoa màu. Thường thì khoảng mùng 8 Tết, ba mẹ đã qua sông dọn cỏ, cày xới. Dân gian có câu: “Tháng Hai trồng cà, tháng Ba trồng đậu”, nhưng nhà tôi trồng mì.

Sáng tháng Giêng, làn sương trắng dày đang lượn lờ trước ngõ là tín hiệu của ngày mới. Mấy mẹ con băng sương mà đi. Sương mỏng lắm, nhẹ lắm, lững thững phủ lên cảnh vật như một tấm lụa trắng mềm, yên lành vắt qua đôi vai gầy của mẹ. Sương kia dần tan biến khi những giọt nắng vàng tươi ghé thăm. Tháng Giêng nắng trong vắt, đẩy bầu trời lên cao hơn. Những lọn mây bồng bềnh, xốp nhẹ di chuyển mà như đứng yên.

Gió xuân hây hẩy thổi. Thời khắc này, quê tôi nắng, gió có phần… đỏng đảnh - lúc nắng to, khô rốc hanh hao, khi âm u se lạnh. Nhưng dù thế nào đi nữa thì nắng, gió tháng Giêng vẫn đáng yêu như cô gái lần đầu đến buổi hẹn.

Ra Giêng đi làm, dù mệt cũng thấy vui.

Từ tờ mờ sáng, những đống mì, phân được di chuyển bằng cộ, ghe qua sông thì mẹ con tôi cũng tất tả khăn áo, nước non, cơm đùm cơm dỡ đi theo. Qua sông -  nói thì nghe nhẹ nhõm nhưng cực lắm, không dễ dàng như ra đồng ở bên này sông đâu. Không khó sao được! Đám đất nằm bên kia sông nhưng cũng gần gần chân núi rồi. Từ nhà tới sông phải bươn qua hai con dốc tức rực, phải vững vàng bấu chân bước từng bước một, rồi lại băng qua một cánh đồng cát. Nói chung, lết tới rẫy mì thì cẳng chân như muốn rớt ra từng khúc, miệng há to để thở, cảm giác như hai lỗ tai cũng xì ra hơi vậy.  Nhưng uống xong miếng nước là ra làm liền cho kịp buổi.

Công việc được làm theo dây chuyền, người nào việc nấy. Kẻ cuốc đất, người bỏ phân, kẻ đặt mầm mì, người lấp đất. Cứ như vậy, thoăn thoắt nhịp nhàng, thuần thục như đã được tập dượt trước. Đám đất ngày thường thấy đơn sơ nhưng ra Giêng tự dưng thấy đẹp. Những hàng cây gần đó xanh mượt, hoa dại bung nở thoang thoảng hương, đặc biệt có tiếng con chim gì đó hót réo rắt bên tai. Có lúc tôi phải ngừng tay ngước tìm con chim đang thả những giọt âm thanh vui nhộn đó, ngơ ngẩn nhìn những bông hoa dại đang thắm tươi dưới nắng…

Dù công việc đang diễn ra trơn tru trong tiếng cười nói, nhưng cứ một chập mẹ lại hỏi đói chưa nghỉ tay ăn cơm, rồi nếu thấy mệt thì cứ lại bóng cây ngồi nghỉ. Tôi “làu bàu” mẹ chỉ nhớ mỗi việc các con mẹ có đói, khát không hả? Mẹ ơi đừng lo, đứa nào đứa nấy lớn chầm dầm rồi, đói khát sẽ tự lo. Chị Hai bảo tôi nhỏ mà ăn nói như bà cụ non làm cả nhà cùng cười. Phần mẹ chỉ nói, thì tụi bây lớn hết cho mẹ đỡ lo… Tôi cười khì, con ứ lớn, con thích ở nhà mình thôi.

Anh em tôi lớn lên, mỗi đứa một ngả mưu sinh nhưng Tết và tháng Giêng vẫn thường tụ về mẹ để “ôn cố tri tân”. Vui nhất là kể chuyện đi làm trước và sau Tết. Không nói ra nhưng trong tôi vẫn đọng mãi cảm giác cùng mẹ và chị ra đồng vào tháng Giêng: dưới nắng hồng tháng Giêng, cây cỏ xanh mướt, tiếng chim râm ran, không chỉ bên đám nhà tôi mà nhìn sang bên chú Bảy, thím Ba cũng nghe lao xao vui vẻ.

Bây giờ thì tôi nghĩ, tháng Giêng đã tạo nền cho yêu thương và hòa quyện...

Nguyễn Thị Bích Nhàn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tháng Giêng xanh

Màu xanh tháng Giêng có một sức gợi thật mạnh mẽ, như buổi sáng hôm “ngày còn mồng” dịp Tết, đi chợ đầu năm mua cái sự may mắn như quan niệm xưa của người Việt mình. Đến chợ, quên mất là mua cau trầu đầu tiên để lấy duyên, tôi sà ngay vào gánh hàng rau mua ngay hai bó, một rau khoai và một rau cải - những món xanh non cuốn hút và chỉ nhìn thôi đã thấy ngọt ngào rồi.

Tháng Giêng xanh
Thì thầm mưa bụi

Sang tháng giêng là tiết lập xuân, ngày đông chuyển mình trút mưa bụi, khí trời nồm ẩm như đang dùng dằng, hờn dỗi điều chi.

Thì thầm mưa bụi
Mai nõn long lanh

Sau Rằm, cuối Giêng, những cánh mai vàng đã về với cội, sau kỳ mãn khai dâng hiến cho đời, nhường chỗ cho những chồi đọt, những lớp lá đầu tiên lung linh chào đón mặt trời. Lá và đọt cây mai Huế (hoàng mai, mai hương, mai ngự) thời kỳ này nuột nà xanh, một màu xanh tươi rói khát vọng...

Mai nõn long lanh
"Tháng Giêng ngon..."

Tháng Giêng, đất trời vẫn đang là mùa xuân, những cây bàng lá đỏ rồi trơ cành đang hé lên những nụ tươi xanh mới, bắt đầu chu kỳ báo hiệu mùa của mình.

Tháng Giêng ngon
Cho vụ mùa bội thu

Sau những ngày thảnh thơi nghỉ tết, nông dân các địa phương trong tỉnh đã xuống đồng, bắt tay vào sản xuất với mong muốn năm mới sản xuất thắng lợi, mùa màng bội thu.

Cho vụ mùa bội thu
Return to top