ClockChủ Nhật, 22/03/2020 14:54

Mai nõn long lanh

TTH - Sau Rằm, cuối Giêng, những cánh mai vàng đã về với cội, sau kỳ mãn khai dâng hiến cho đời, nhường chỗ cho những chồi đọt, những lớp lá đầu tiên lung linh chào đón mặt trời. Lá và đọt cây mai Huế (hoàng mai, mai hương, mai ngự) thời kỳ này nuột nà xanh, một màu xanh tươi rói khát vọng...

Mùa xuân đủ đầy…

Thảng hoặc, trên cành còn sót ít chùm nụ muộn và những chùm trái vừa đậu kết thành những chuỗi ngọc bích hiếm lạ mà tạo hóa đã ban tặng. Đây là thời kỳ phục sinh, thời kỳ hồi xuân của cây mai mà nhiều người yêu mai Huế gọi là "mai biếc", mai nõn long lanh...

Giêng hai ngỏ hầu cũng xao xuyến theo màu xanh ngọc rất riêng của mai Huế sau kỳ hoa vàng tuyệt mỹ đón tết mừng xuân. Sắc thái mai biếc, mai nõn long lanh quyến rũ cũng bắt mắt, "chết" người như kiểu... "gái một con", người đời thường nhắc. Đây là tín hiệu và là điều kiện tiên quyết để cội mai phục hồi, phát triển, rạng rỡ dâng hiến ở mùa sau.

Huế, xứ sở của mai vàng, mai hương, mai ngự, mùa này cũng xanh tươi theo sắc thái mai nõn khiến lòng người thêm xao xuyến, trẻ trung... Sau Rằm, cuối Giêng trở đi, người ta thường cắt bỏ hết những chùm hoa, nụ muộn, cả những chùm trái xanh vừa kết (ngoại trừ cây mai lấy hạt giống) để cây tập trung nhựa nuôi lá, và tua tủa cành, tược non.

Không ít người chơi mai ở Huế lưu lại thêm ít tuần những chùm nụ bích, trái ngọc xanh độc đáo của mai cốt để cây phô thêm sắc biếc, nét đẹp độc đáo riêng có của nó giữa trời xuân còn se lạnh. Đó cũng là cách để người ta được chiêm ngưỡng thêm nõn xanh khỏe khoắn, mạnh mẽ khát vọng riêng có của mai. Màu xanh ngọc trẻ trung, sung mãn và hút lực này chỉ có ở mai Huế chứ quyết không có ở bạch mai, hồng diệp mai hay bất kỳ loài mai nào khác!

Mai Huế nổi tiếng không chỉ hoa vàng thanh, hương nhẹ kín, lưu luyến mà còn ở sắc xanh nõn nà quyến rũ của đọt lá giêng hai. Nhiều người yêu mai Huế, quý mai Huế là vậy. Gần đây TP. Huế có kế hoạch xây dựng, mở rộng công viên mai Huế, con đường mai Huế bên bờ Nam sông Hương, phía trước Phu Văn Lâu, kể cũng xứng lắm thay.

Cuối ngày, vườn ngoại, những cội mai hương gầy gộc nhưng rậm xanh lá biếc nuột nà khiến khuôn vườn như trẻ trung, sung sức, rượi rợp hơn. Nhiều vườn mai Huế cũng đương thì như vậy, Huế như dịu dàng, tươi trẻ hơn...

Đã cuối Giêng, ngoại cũng chưa lấy hết những chùm nụ muộn, những trái xanh như hạt ngọc vừa kết như đợi con về hồi ức xanh xuân cùng mai nõn giêng hai...

Hình như con đã tiếp được ở ngoại cái nhìn, cách nghĩ trẻ trung yêu đời, yêu cây, yêu mai ấy để rồi ráng tu cho mai thêm tươi khỏe nõn nà sau mùa vàng dâng hiến.

Lớp lớp nõn nà kia, rồi cũng sẽ dày dặn, sẽ già, đến lượt cũng lại về cội, nhường chỗ cho muôn nụ bung, muôn bông nở nhưng mai nõn, mai biếc vẫn một thời rạo rực, một thời thanh xuân đầy biểu cảm không thể thiếu của mai, của bất kỳ sinh cảnh nào, như con và ngoại.

Hầu như cây cảnh nào rồi cũng đổ lá để phun nụ, đơm bông. Sau mùa hoa cây lại ngát chồi non, cành lá, tích nhựa, "thai nghén" mùa hoa trái mới nhưng xanh ngọc nõn nà của mai Huế là vừa tầm nhìn và bắt mắt hơn cả. Mai nõn thì thầm... Mai nõn long lanh...

BÙI NGỌC QUỲNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tháng Giêng xanh

Màu xanh tháng Giêng có một sức gợi thật mạnh mẽ, như buổi sáng hôm “ngày còn mồng” dịp Tết, đi chợ đầu năm mua cái sự may mắn như quan niệm xưa của người Việt mình. Đến chợ, quên mất là mua cau trầu đầu tiên để lấy duyên, tôi sà ngay vào gánh hàng rau mua ngay hai bó, một rau khoai và một rau cải - những món xanh non cuốn hút và chỉ nhìn thôi đã thấy ngọt ngào rồi.

Tháng Giêng xanh
Tháng Giêng theo mẹ ra đồng

Mẹ tôi không quan niệm còn mùng còn Tết, lại càng phản đối cái lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Gia quy của mẹ: chơi tết có chừng có đỗi, còn phải lo làm để đón những tết sau. Mẹ bảo không làm tay chân buồn bã, ngủ không ngon. Trừ một hai năm hồi còn nhỏ xíu, tôi được ba mẹ chở đi thăm một số người bà con xa, sau này khi những người thân xa đó không còn - vì nhiều lý do - tôi không thấy mẹ đi chơi tết nữa. Mới sáng mùng 4, mẹ đã ra đồng thăm lúa.

Tháng Giêng theo mẹ ra đồng
Đêm mùa hạ

Những ngày nắng chói chang của mùa hạ, ban ngày bầu trời ngan ngát xanh.

Đêm mùa hạ
Thì thầm mưa bụi

Sang tháng giêng là tiết lập xuân, ngày đông chuyển mình trút mưa bụi, khí trời nồm ẩm như đang dùng dằng, hờn dỗi điều chi.

Thì thầm mưa bụi
Khế mùa mưa

Mấy hôm nay trời mưa nhu trút. Ruộng lúa sũng nước, cánh đồng sũng nước.

Khế mùa mưa
Return to top