ClockThứ Hai, 12/09/2022 14:13

Thay đổi nhận thức về rác thải nhựa cho người dân vùng cao

TTH - Mô hình “Chợ giảm sử dụng túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần” do Huyện đoàn A Lưới phối hợp cùng tổ chức WWF - Việt Nam triển khai đã góp phần từng bước thay đổi nhận thức của người dân vùng cao A Lưới về hạn chế rác thải nhựa.

30 em học sinh tham gia trải nghiệm Trại hè “Hành trình tái sinh”Chung tay giảm rác thải nhựaĐẩy mạnh truyền thông giảm thiểu rác thải nhựa và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Đoàn viên, thanh niên dọn dẹp rác thải tại khu vực chợ tạm A Lưới

Mô hình nhỏ, ý nghĩa lớn

Nửa năm trở lại đây, chị Hồ Thị Thương (người dân thị trấn A Lưới) làm quen với việc tái sử dụng túi ni lông sau khi đi chợ. Theo chị Thương, bản thân đã cố gắng mang theo giỏ đi chợ, chỉ một số loại thực phẩm đặc thù mới sử dụng đến túi ni lông.

“Dù nhận thức được tác hại của túi ni lông với môi trường, nhưng bản thân chỉ có thể hạn chế sử dụng tối đa chứ không thể hoàn toàn loại bỏ hình thức tiện lợi này. Thay vào đó, tôi chọn cách rửa sạch và tái sử dụng hoặc quyên góp cho tủ túi ni lông sạch đặt tại các chợ”, chị Thương chia sẻ.

Không riêng chị Thương, các tiểu thương và người dân tại hai chợ Bốt Đỏ và A Lưới đã và đang nỗ lực thay đổi nhận thức, tập làm quen với việc hạn chế sử dụng túi ni lông. Thành quả trên là sự chung tay tuyên truyền, vận động của tổ chức Đoàn Thanh niên và hệ thống chính trị tại cơ sở với mô hình “Chợ giảm sử dụng túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần”.

Theo thông tin từ Huyện đoàn A Lưới, mô hình trên do đơn vị phối hợp thực hiện cùng tổ chức WWF - Việt Nam. Qua một thời gian triển khai, bước đầu mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của tiểu thương, người mua hàng tại hai chợ Bốt Đỏ và A Lưới.

Trong hơn 6 tháng triển khai, bà con tiểu thương và người dân tại hai chợ được cấp phát sử dụng miễn phí túi giấy thân thiện với môi trường, hỗ trợ giỏ đi chợ cho những người đi chợ có thái độ tích cực.

Cùng với đó, Huyện đoàn đã khảo sát lập danh sách 25 hộ tiểu thương tại chợ A Lưới cam kết tình nguyện thực hiện mô hình “Quầy hàng xanh”, gắn bảng “Quầy hàng xanh”, hỗ trợ gần 500 túi giấy cho 25 hộ tiểu thương này. Ngoài ra, Huyện đoàn phối hợp với tổ chức WWF - Việt Nam thiết kế, lắp đặt 2 pano truyền thông tại chợ Bốt Đỏ và chợ A Lưới (chợ mới), xây dựng hai tủ di động nhận và cung cấp túi ni lông tái sử dụng miễn phí cho người đi chợ đặt tại chợ A Lưới và chợ Bốt Đỏ; song song với đó lắp đặt thêm camera theo dõi hoạt động của tủ ni lông để kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh hoạt động phù hợp.

Chị Trương Thị Uyên (tiểu thương tại chợ A Lưới) cho biết, từ ngày triển khai mô hình, các chị em dùng giỏ đi chợ, lượng xả rác túi ni lông giảm rất nhiều. Thời gian trước, túi ni lông xả đầy đường, khắp các ngóc ngách của chợ, nhưng hiện đã được dọn dẹp sạch sẽ, chợ thông thoáng hơn.

Theo thống kê, đã có hơn 420 đoàn viên, học sinh, người dân đóng góp túi ni lông sạch dư thừa tại nhà cho tủ và có khoảng 4kg túi ni lông đã được tái sử dụng thông qua hai tủ này.

Thay đổi nhận thức

Anh Trần Toàn, Bí thư Huyện đoàn A Lưới cho biết, hạn chế sử dụng túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần vốn không phải là câu chuyện mới. Tuy nhiên, việc thay đổi nhận thức cho bà con vùng cao vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Mô hình “Chợ giảm sử dụng túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần” sẽ góp phần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của cán bộ đoàn, đoàn viên và Nhân dân trên địa bàn huyện về công tác bảo vệ môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt khoa học, hiệu quả. Qua đó, dần thay đổi thói quen sử dụng rác thải nhựa, túi ni lông chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường dễ phân hủy để góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người.

Bên cạnh những mô hình trực quan, Huyện đoàn A Lưới xây dựng các bài phát thanh, các thông điệp phát thanh trên hệ thống loa phát thanh huyện, vào các thời điểm phù hợp với thời gian hoạt động của chợ nói chung và của tiểu thương, người đi chợ nói riêng. Đồng thời, xây dựng phóng sự về giảm thiểu rác thải nhựa và hoạt động thực hiện mô hình chợ giảm sử dụng túi ni lông và đồ nhựa dùng 1 lần tại các chợ của huyện A Lưới năm 2022, trình chiếu trên hệ thống poster điện tử huyện, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện và đăng tải trên mạng xã hội.

Ban Thường vụ Huyện đoàn cũng tổ chức Lễ ra quân Ngày Chủ nhật xanh tại chợ tạm A Lưới với sự tham gia của hơn 300 đoàn viên và cán bộ, nhân viên, người lao động Ban Quản lý Công trình công cộng và Dịch vụ công ích huyện. Sau một ngày triển khai tích cực với sự hỗ trợ của xe thu gom rác, xe múc, lực lượng tham gia đã tiến hành thu gom, làm sạch và vận chuyển gần 120 khối rác thải tại chợ tạm A Lưới và chuyển  đến điểm tập kết rác tại bãi rác xã Hồng Thượng.

Chia sẻ về những khó khăn trong ngày đầu đi vận động, Bí thư Huyện đoàn A Lưới cho biết, các bạn đoàn viên nhiều lần khi đi vận động tiểu thương đăng ký quầy hàng xanh bị từ chối. Nhiều chủ quầy hàng ở chợ vẫn cho rằng, mức giá mua túi ni lông vẫn rẻ và tiện lợi hơn khi dùng túi giấy. Để thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa và ni lông trong mua, bán hàng của tiểu thương và người dân, các đoàn viên, thanh niên phải thực hiện nguyên tắc “mưa dầm thấm lâu”, thường xuyên tuyên truyền.

Để tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả, anh Trần Toàn cho biết sẽ tập trung vận động lực lượng đoàn viên gương mẫu trong việc hạn chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa và thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Song hành cùng đó, tiếp tục tăng cường công tác phối hợp và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của tiểu thương, người đi chợ giảm thiểu sử dụng túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần, tập trung tuyên truyền chuyển đổi hành vi cụ thể về giảm thiểu sử dụng túi ni lông thông qua các mô hình. Phát động mạnh mẽ phong trào bảo vệ môi trường, từ việc phân loại rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi ni lông của  tiểu thương, người đi chợ, hộ gia đình và cộng đồng dân cư.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

"Mẹ Lành" của học trò vùng cao

Hai từ “mẹ Lành” thân thương được nhiều trẻ gọi cô Mai Thị Mộng Lành (Trường mầm non Xuân Lộc, huyện Phú Lộc) không phải tự nhiên mà có. Ngoài giờ trên lớp, cô giáo Lành còn dành thời gian đến nhà thăm hỏi gia đình của các cháu. Đến buổi chiều vào giờ tan trường, có những trẻ mà ba mẹ đi làm rẫy chưa kịp về, cô Lành lại chở các cháu về nhà. Dù đường bản đi lại còn nhiều khó khăn, nhưng không làm khó được cô giáo dáng người nhỏ nhắn.

Mẹ Lành của học trò vùng cao
Hướng đến nền y tế hiện đại, tăng sự hài lòng của người dân

Trong xu thế đẩy mạnh chuyển đổi số, Sở Y tế đầu tư xây dựng Trung tâm Điều hành y tế thông minh (YTTM) nhằm phục vụ cho việc hoạch định chính sách, quản lý điều hành, phòng, chống dịch bệnh, giúp người dân nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế đã trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế về vấn đề này.

Hướng đến nền y tế hiện đại, tăng sự hài lòng của người dân
​Tầm soát miễn phí bệnh đái tháo đường cho người dân

Hưởng ứng ngày Đái tháo đường thế giới 14/11, Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp cùng Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh tổ chức chương trình “Tầm soát miễn phí đái tháo đường cho người dân toàn tỉnh”.

​Tầm soát miễn phí bệnh đái tháo đường cho người dân
Trẻ em vùng cao vượt qua định kiến giới

Sau khi Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh triển khai các hoạt động của Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), việc học tập của trẻ em, nhất là trẻ em gái được quan tâm hơn. Điều đó đã góp phần ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và bất bình đẳng giới.

Trẻ em vùng cao vượt qua định kiến giới

TIN MỚI

Địa chí bán lồng sắt đựng hàng
Return to top