|
Sinh viên tham gia tư vấn tuyển dụng tại sàn giao dịch việc làm. Ảnh: MC |
Có lần tôi ghé vào sàn giao dịch việc làm, lao động đến phỏng vấn khá đông, nhưng suốt cả ngày mà nhiều doanh nghiệp vẫn không tuyển được người. Lúc đó, anh Trần Duy Khả, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh cứ nôn nóng khi có đến gần chục hồ sơ mà lao động cứ trượt ở vòng phỏng vấn. Anh bảo, tôi cứ mừng hụt mãi khi nhiều ứng viên có hồ sơ khá "nặng ký" với đủ loại bằng cấp, song khi phỏng vấn mới phát hiện các em như "gà công nghiệp'' khi nhiều kỹ năng cơ bản không thể hiện được. Cũng theo anh Khả, nhiều lao động “mất điểm” khi phản ứng chậm, không nhìn thẳng vào mắt người tuyển dụng khi phỏng vấn. Chưa bàn đến năng lực, đây chính là điểm trừ về tác phong của ứng viên.
Nhiều chủ doanh nghiệp đồng tình khi rất nhiều sinh viên ra trường có đủ kiến thức và chuyên môn, thậm chí nhiều em có bằng giỏi ở các trường đại học danh tiếng, song lại khó tìm việc làm. Nhiều sinh viên thiếu tính chủ động, thậm chí tìm thấy một vị trí việc làm phù hợp, các em lại lúng túng, chuẩn bị thiếu chuyên nghiệp. Từ đó, tuột mất cơ hội nghề nghiệp. Chẳng hạn thiếu khả năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, sự tự tin và kỹ năng giao tiếp vẫn còn rất khiêm tốn. Ngay đơn giản như trả lời mail của doanh nghiệp khi được hẹn phỏng vấn, lao động trẻ cũng bỏ qua khiến cơ hội việc làm tuột mất.
Khảo sát của PGS.TS. Nguyễn Thị Thuận, chuyên gia của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đáng để suy ngẫm, khi mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,6 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động, nhưng có đến 83% sinh viên hiện nay tốt nghiệp ra trường bị đánh giá là thiếu kỹ năng mềm. Khảo sát này không "vênh" với thực tế khi kiến thức ở trường học chỉ chiếm khoảng 40% khả năng thành công, còn muốn làm việc nhóm tốt, giao tiếp lưu loát..., mỗi lao động phải tự học hỏi.
Nhắc đến chuyện sinh viên phải tự trau dồi rèn luyện các kỹ năng cần thiết để chuẩn bị hành trang bước vào đời, tôi lại nhớ câu chuyện của cô sinh viên khoa du lịch Đặng Thị Ái Mỹ. Từ một cô bé khá nhút nhát, ngại tiếp xúc em đã chững chạc hẳn khi tham gia công việc bán thời gian ở một khách sạn. Môi trường làm việc đã giúp em trau dồi kỹ năng công nghệ thông tin và ngoại ngữ nên em đã dễ dàng vận dụng hiệu quả công nghệ mới sau khi ra trường.
Tôi nghĩ trường hợp tự trang bị cho mình những kỹ năng mềm của Ái Mỹ là cần thiết. Song, quan trọng hơn để sinh viên đáp ứng được thị trường lao động, các trường đại học và doanh nghiệp cần hợp tác với nhau. Hình thức các trường gửi sinh viên tham gia làm việc ở các doanh nghiệp đã được một số trường thực hiện, nhưng chưa nhiều. Lợi ích thấy rõ khi thay vì chỉ có học lý thuyết, phương pháp giảng dạy theo hướng thực hành sẽ giúp sinh viên sẽ không còn bỡ ngỡ sau khi ra trường, vì các bạn đã được rèn luyện những kỹ năng trong môi trường làm việc sớm.
Tôi khá tâm đắc với lời khuyên của một doanh nghiệp dành cho sinh viên tại một ngày hội việc làm rằng, kiến thức phải tích luỹ lâu dài, kỹ năng phải qua rèn luyện, nhưng nếu xây dựng được thái độ tích cực trong học tập, làm việc các em sẽ biết cách xử lý để vượt qua khó khăn, chủ động nắm bắt các cơ hội. Thế nên, không còn chần chờ gì nữa khi phải kết hợp song hành giữa học tập và rèn luyện kỹ năng để nắm bắt cơ hội việc làm trên thị trường lao động.