|
Hấp dẫn thịt bò gác bếp của chị May |
Khởi nghiệp ở tuổi ngoài ba mươi không phải là muộn nhưng cũng không còn sớm với chị Trần Thị Bích May (thị trấn A Lưới), bởi những trải nghiệm trong cuộc sống đã đủ độ chín cho hành trình mới của chị. Rời công việc ổn định đã gắn bó gần chục năm, chọn kinh doanh làm ngã rẽ với nhiều phân vân, lo lắng. Nhưng đôi chân thích tự do đi đây đó đã vượt lên, để chị May quyết tâm hơn với chọn lựa của mình.
May chia sẻ, dù chị là người Kinh, từ thành phố theo bố mẹ lên A Lưới lập nghiệp. Nhưng sau nhiều năm gắn bó với mảnh đất này, thiên nhiên, con người nơi đây từ lâu đã trở thành thân thuộc. “Suốt những năm tháng sống ở A Lưới, văn hóa người đồng bào thấm đẫm trong tâm thức những người trẻ như tôi. Ký ức tuổi thơ tôi là những phiên chợ vùng cao đậm đà bản sắc. Dưới những nếp nhà sàn của người dân bản địa, bên bếp lửa hồng đỏ rực suốt ngày đêm luôn có những món ăn đặc trưng mang đậm phong vị của núi rừng cứ cuốn hút tôi mãi”, May chia sẻ.
Chính vì vậy, chị chọn sản vật địa phương để phát triển hướng kinh doanh của mình. Món thịt khô gác bếp của người đồng bào A Lưới không thua kém gì so với thịt khô gác bếp của người đồng bào trong Tây Nguyên hay ngoài Tây Bắc. Nhưng thương hiệu thịt khô gác bếp ở vùng cao A Lưới so với thị trường trong nước không được nhiều người biết đến. Trong khi A Lưới có vùng nguyên liệu rất ổn định, những trang trại heo sạch A Lưới, thịt bò từ dự án bò vàng A Lưới và các gia vị đặc trưng của núi rừng A Lưới như tiêu rừng, riềng rừng, ớt rừng… không chỉ đảm bảo về chất lượng mà còn mang đậm sắc thái đặc trưng của vùng miền.
Không phải là người bản địa, nên để nắm được bí quyết làm thịt khô gác bếp của người đồng bào vừa đúng chuẩn vị vùng cao, lại biến tấu sao cho phù hợp với khẩu vị rộng rãi của người tiêu dùng là một hành trình vừa dài, vừa khó và cũng lắm gian nan của cô chủ thương hiệu thịt heo, thịt bò gác bếp A Lưới Hanaalfood. Chị May kể, không biết bao nhiêu ngày chị về với bản làng, cùng ăn, cùng ở với người đồng bào, được các chị, các mẹ ở bản chỉ cho cách ướp thịt sao cho vừa khéo, phối gia vị sao cho đậm đà, thời gian của củi lửa sao cho đúng độ. Rồi những ngày cặm cụi ngồi bên bếp canh lửa cả đêm, có lúc ứa nước mắt khi nhìn cả mẻ thịt hàng chục ký phải đổ bỏ do quá lửa vì ngủ quên. Vừa đi, vừa học, vừa mày mò làm nhưng chị luôn tin mình sẽ chiến thắng.
May mắn trên hành trình ấy, chị May gặp được những tấm lòng rộng mở, không ngại khi chia sẻ bí quyết. May nhớ mãi một người chị đã nói với mình: “Chị quý May mới chỉ cho đấy. Chứ bí quyết làm thịt khô gác bếp của gia đình, người khác hỏi, chị không nói mô”. Dù hành trình của mình đi chưa được xa, nhưng chị biết ơn những tấm lòng đã luôn giúp đỡ mình trong những tháng ngày ban đầu đầy bỡ ngỡ, và cả những duyên may mà mình gặp được. Đó là lần gặp được một phượt thủ ngang qua A Lưới. Người này có vị giác vô cùng nhạy. Khi sử dụng sản phẩm thịt gác bếp của May, anh đã thốt lên: “Em đang dùng tiêu rừng của Quảng Nam. Tiêu rừng của A Lưới có vị thơm rất khác. Cay cay chút đầu lưỡi, nhưng hương thơm đọng lại rất lâu”. Từ lời khuyên của người bạn mới gặp, chị May đã quay trở về với vùng nguyên liệu bản địa vốn có ở A Lưới để tạo nét đặc sắc riêng cho thịt gác bếp Hanaalfood của mình.
Từ món thịt gác bếp cơ bản của người đồng bào, chị May đã biến tấu thành sản phẩm ăn liền, dễ dàng tiếp cận khách hàng, phù hợp với khẩu vị đa số thực khách, nhưng vẫn giữ lại đặc trưng gia vị địa phương. Không cần phải hấp, hay nướng lại, thịt gác bếp của May có thể dùng ăn ngay vì đã được hấp chín.
Chị May chia sẻ, mỗi mẻ thịt sau khi ướp các gia vị thô mộc của núi rừng A Lưới như riềng rừng, tiêu rừng, ớt rừng, sả… sẽ treo sấy khi còn tươi. Sau khi treo sấy với công nghệ sấy ám khói trong lò than khép kín, than hồng được vùi kín dưới tro để giảm nhẹ mùi khói, thịt được mang đi rửa sạch rồi hấp lại cho mềm, sau đó nướng thêm lần nữa mới thành phẩm. Để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng đảm bảo chất lượng, quá trình làm ra sản phẩm, mỗi khâu đều quan trọng như nhau và được chăm chút kỹ càng. Chị May cho biết, thịt gác bếp của chị có hương vị riêng, bí quyết của chị là dùng dầu được chiết xuất từ củ riềng rừng A Lưới giúp thịt tươi lâu hơn mà không cần dùng đến chất bảo quản.
Bên cạnh thịt trâu, thịt bò gác bếp, chị May còn phát triển thêm dòng sản phẩm hoa quả sấy như chuối ép sấy, hồng sấy khi tận dụng nguồn nguyên liệu ở địa phương. Chị May kể, từ ngày chị phát triển dòng trái cây sấy, người dân bản ở các vườn lân cận mỗi lần chuối vườn chín, mùa hồng chín đều đưa đến tận cơ sở để chị thu mua. Ước mơ của chị May là cơ sở của mình ngày càng phát triển rộng để góp phần vào việc tiêu thụ nguồn nguyên liệu của bà con, tạo công cụ hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho bà con nơi miền núi vẫn còn nhiều khó khăn này.
Tất bật đưa sản phẩm tham gia nhiều hội chợ khắp cả nước, người phụ nữ nhỏ nhắn ấy cứ đi đi về về như con thoi. Chị May nói, để có chỗ đứng trên thị trường như hôm nay, không chỉ dựa vào sự nỗ lực của bản thân, sự sẻ chia từ gia đình, chị còn nhận được sự động viên, quan tâm của hội phụ nữ, của chính quyền địa phương, sở, ngành liên quan. Nhờ sự động viên, quan tâm đó, May đã mạnh dạn đăng ký tham gia cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023”. Và dự án “Thịt heo, thịt bò gác bếp A Lưới Hanaalfool đã vinh dự nhận được giải thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh, là nguồn khích lệ để có thêm thật nhiều động lực tiếp tục cuộc hành trình phía trước.