ClockThứ Bảy, 09/09/2017 05:46

Nâng cao hiệu quả điều trị thuốc kháng vi rút HIV

TTH - Toàn tỉnh hiện có 305 trường hợp nhiễm “H” điều trị thuốc kháng vi rút HIV (ARV) tại Bệnh viện (BV) Trung ương Huế và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS (TTPC HIV) tỉnh. Hầu hết đều có sức khỏe tốt, ổn định.

Lấy mẫu máu để đo tải lượng vi rút HIV tại Trung tâm Phòng chống HIV tỉnh

Có ARV, cuộc sống vui trở lại

Từ năm 2006, với sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, BV Trung ương Huế xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động điều trị “H” bằng thuốc ARV. Do nhu cầu điều trị ARV ngày càng tăng, năm 2010, TTPC HIV tỉnh thành lập thêm phòng khám điều trị ARV. Năm 2013, với sự hỗ trợ của TTPC HIV tỉnh, Trại giam Bình Điền thành lập phòng khám điều trị ARV cho phạm nhân. Đây là 1/10 trại giam trên toàn quốc triển khai điều trị ARV vào thời điểm đó.

Anh Nguyễn Hoàng T. ở TX Hương Trà, cho biết: “Khi biết mình nhiễm “H”, tôi rơi vào tuyệt vọng, không thiết sống nữa. Được y, bác sĩ BV Trung ương Huế tư vấn, hỗ trợ khám, điều trị bằng thuốc ARV, dần dần sức khỏe bình phục. Hiện nay, tôi trở thành lao động chính trong gia đình”. Còn chị Hoàng Thị C. huyện Phong Điền trải qua một thời gian dài buồn tủi với “H”. Lây “H” từ chồng, C. đau đớn vì bất an về sức khỏe và lo nghĩ về những đứa con sau khi ra đời. Nhờ tư vấn, giải thích của các bác sĩ Trung tâm PC HIV/AIDS tỉnh, C. sử dụng thuốc ARV đều đặn. Hiện, C. không chỉ ổn định về sức khỏe, kinh doanh buôn bán mà còn sinh ra hai bé trai mạnh khỏe. C. chia sẻ: “Gia đình hai bên nội, ngoại cứ nghĩ tôi rơi vào bóng tối. Không ngờ, nhờ ARV đã đưa tôi đến bến hạnh phúc bên chồng, con hiện nay”.

Bác sĩ Thân Mỹ Dung, Trưởng khoa Chăm sóc điều trị, TTPC HIV tỉnh thông tin, năm 2006, toàn tỉnh chỉ có 13 bệnh nhân được điều trị thuốc ARV. Đến nay có 305 người nhiễm “H” điều trị thuốc ARV, chiếm tỷ lệ 99 % người nhiễm hiện đang sinh sống trên địa bàn. Trong đó, số bệnh nhân điều trị tại BV Trung ương Huế là 103 người và 202 bệnh nhân điều trị tại TTPC HIV tỉnh. Trong số này có 18 trẻ em, 287 người lớn.

Theo bác sĩ Thân Mỹ Dung, ngoài tác dụng giúp người nhiễm sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn, ARV còn có tác dụng dự phòng lây nhiễm “H” từ người bệnh sang người khác. Qua các nghiên cứu của nhiều quốc gia, nếu như điều trị sớm ARV cho những cặp bạn tình trái dấu (một người nhiễm dương tính với “H” và người kia âm tính với “H” - không nhiễm) sẽ làm giảm tỷ lệ lây nhiễm “H” đến 96%. Còn nếu điều trị sớm ARV cho những người nhiễm “H” sẽ giảm khả năng bị bệnh lao ở người nhiễm “H” đến 65%.

Để người nhiễm “H” không thiếu ARV

Trước năm 2009, bình quân mỗi năm toàn tỉnh phát hiện khoảng 60 trường hợp nhiễm mới. Trong 3 năm gần đây, mỗi năm phát hiện chưa đến 40 trường hợp. Trước 2009, tử vong do AIDS trên địa bàn 30-40 ca/năm, nhưng gần đây, số tử vong do AIDS chỉ đến trên đầu ngón tay. Điển hình như năm 2016 chỉ có 6 trường hợp tử vong do AIDS. Ngoài ra, tình hình đồng nhiễm HIV lao cải thiện rõ rệt. Trước đây, phát hiện trên 20 ca mỗi năm, trong 3 năm gần đây chỉ phát hiện 5-6 ca/năm. Thành quả trên là nhờ đẩy mạnh công tác tư vấn chăm sóc và điều trị HIV bằng thuốc ARV trong thời gian qua trên địa bàn, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Ngọc, Giám đốc TT PC HIV tỉnh chia sẻ. 

Bác sĩ Trần Thị Ngọc thông tin, trước đây, hầu hết người nhiễm “H” được điều trị miễn phí thuốc ARV bởi nguồn quốc tế hỗ trợ đến 85%. Từ năm 2017, nguồn hỗ trợ quốc tế có lộ trình cắt giảm, như Kế hoạch Cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR) giảm 40% vào năm 2017 và kết thúc vào đầu năm 2018.

Để đảm bảo cho người nhiễm “H” tiếp tục duy trì điều trị thuốc ARV sắp đến phải thông qua nguồn bảo hiểm y tế (BHYT). Hiện nay, cán bộ y tế và tình nguyện viên trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS nỗ lực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người nhiễm HIV duy trì và mua mới thẻ BHYT. Thông qua nhiều nguồn hỗ trợ, 98% người nhiễm “H” trên địa bàn đã có BHYT; số còn lại mong các ban, ngành chức năng hỗ trợ để 100% người nhiễm “H” có BHYT tiếp cận các dịch vụ khám, điều trị thuận lợi, nâng cao chất lượng sống, và sớm hòa nhập cộng đồng.

Chính phủ có Quyết định 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 trong đó quy định thanh toán thuốc ARV sử dụng nguồn Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT); hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm “H” để đảm bảo 100% người nhiễm có thẻ BHYT và hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm “H” có thẻ BHYT thông qua các quỹ, như Quỹ KCB người nghèo, Quỹ hỗ trợ người nhiễm “H”.

Bài, ảnh: Khánh Quan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo hồi sức sơ sinh cho cán bộ y tế

Từ ngày 4 đến ngày 7/11, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp cùng Newborn Việt Nam, Hội đồng Hồi sức châu Âu tổ chức hai lớp đào tạo liên tục dành cho các bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng đến từ các đơn vị y tế trong, ngoài tỉnh.

Đào tạo hồi sức sơ sinh cho cán bộ y tế
Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa

Ngày 1/11, hội nghị Nhi khoa toàn quốc lần thứ 25 khai mạc với chủ đề “Từ khoa học đến chính sách và thực tiễn”. Hội nghị có sự tham dự của UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh Nguyễn Thanh Bình; ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch hội Nhi khoa Việt Nam; PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc sở y tế cùng hàng trăm bác sĩ, chuyên gia trong ngoài nước, nhà quản lý, hội viên Hội Nhi khoa Việt Nam…

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa
Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế

Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là một trong những nội dung quan trọng của dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã và đang triển khai.

Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế

TIN MỚI

Return to top