ClockThứ Năm, 10/02/2022 13:30

Tiếng cười bông tết

TTH - Có những cuộc điện thoại mà tiếng chuông cũng reo lên, vui như... Tết. “Năm ni bông tết của anh chị đại thắng em ơi!” - tiếng chị Cúc ở thôn Lưu Khánh. “Tết ni quá vui em ơi. Bán hết, nhẹ nhàng, mau mắn” - tiếng chị Yến ở thôn Thạch Căn.

Check-in tếtXông đất đầu năm“Mùa Xuân là Tết trồng cây”

Bông tết năm nay được giá, người trồng lẫn người bán đều phấn khởi. Ảnh: MC

Rồi rất nhiều tiếng cười, lời mời về chơi ghé thăm nhà của anh chị Minh - Cúc. Chị Yến còn nhất quyết hẹn cho được một cuộc cà phê. Mà có gì đâu, chỉ là gọi điện hỏi thăm mùa bông Tết vừa rồi, hỏi đúng cái điều mà những người làm vườn mong chờ được hỏi. Năm nay những người trồng bông ở Huế có một mùa bông Tết mãn nguyện và các anh chị ấy muốn khoe niềm vui, niềm hạnh phúc của mình, kiểu như để an lòng những người quen biết, rằng nghề trồng bông Tết cũng có năm được, năm mất, không phải như năm nào tủi thân đêm ba mươi bỏ hoa ở hội chợ, vội vã chạy về nhà.

“Mùa trồng bông tết, bốn, năm giờ sáng anh chị đã ra đồng, làm đất, lên vồng, gieo hạt, chăm nom tưới tắm cho hoa, cho lá, đến tối mịt mới về đến nhà” - tiếng chị Cúc không mang vẻ mệt nhọc mà đầy niềm vui khi bên những vồng bông thọ của nhà mình, người mua sỉ tấp nập về “thăm hoa, ngó đồng” và đặt tiền cọc. Bông thọ nhà chị đẹp nhất vùng này, mà với người dân Huế, tết bên cạnh mai, là phải có thọ. Bông thọ như một lời chúc gia đình sum vầy, đầm ấm nên người Huế rất chuộng.

Ai có quen biết người trồng bông, mùa tết cũng ít nhiều “phập phồng” giùm họ. Có những năm tết mà Huế nóng như hè, mới hai mươi tháng Chạp mà cúc, thọ nở “tưng bừng”, những đôi mắt trũng sâu vì mất ngủ của người trồng làm người đi ngang qua cũng lo lắng theo. Mà cái nắng những ngày giáp tết, nắng càng gắt, bông càng nở mạnh, cảnh ấy không chỉ “đốt” lòng người trồng bông mà cả  những người nghe kể chuyện, nên có năm thầy trụ trì chùa Ba La Mật mua gần như nguyên vườn bông bán ế của một gia đình trẻ. Năm ấy, chợ bông tết ở Phu Văn Lâu, cúc, thọ nở sắc vàng rực mà khuôn mặt người trồng buồn hiu.

“Nghề trồng bông ni anh chị không than cực mô em, vì mình có thích, có mê mới trồng được” - anh Minh tiếp lời chị Cúc. “Cũng có những mùa bông anh nuốt nghẹn vào lòng, như một sớm mai thức dậy ra đồng, sâu vẽ bùa ăn nguyên cả một vườn lá hay mua phải thuốc dổm, bơm vào lá rụng hết, mà giống bông thọ ni, hoa đẹp phải có lá, chỉ cành hoa trọc lốc như rứa ngó chi được”.

Câu chuyện ngày đầu năm thành câu chuyện nghề. Tin vui được mùa, được giá nhưng hình như trong giọng nói của chị Yến vẫn phập phồng một nỗi lo mơ hồ vì “nghề trồng bông tết cũng như xổ số, tất cả phải đến giờ chót mới biết vui hay buồn, thắng hay thua. Có năm bông đẹp mà cung quá cầu cũng dội chợ. Có năm khan hàng thì xấu hay đẹp gì cũng bán hết nhưng mà không được giá, ngày ba mươi mới là ngày quyết định cuối cùng”.

Lời chị Yến làm sống lại cuộc chơi “kéo co” thường diễn ra ngày ba mươi tết ở chợ bông: người bán chờ người mua - người mua chờ hạ giá. Cuộc dền dứ có lúc không phải vì người mua hám rẻ, mà vì… nghèo. Nhớ có người bạn, lúc mới lập gia đình khó khăn nên năm nào cũng chờ đêm ba mươi để đi mua bông tết “bán như cho”. Bây giờ làm ăn vững vàng, bạn tuyên bố xanh rờn “Mình muốn gửi lời xin lỗi đến những người trồng bông vì lúc nghèo quá đã canh đi mua bông hạ giá, mình vui mà không để ý nỗi buồn của người bán. Bây giờ, tết là mình mua bông thật sớm, đắt tí cũng không sao, bù lại những năm chờ bông rẻ đêm ba mươi”. Lời thú nhận thật lòng ấy đã nhận được một tràng pháo tay của hội bạn vào ngày mồng ba tết.

Có hiểu mới có thương nên nhiều nhà có điều kiện, dư dả chút ít thì từ ngày hai lăm đã chưng bông rộn rã trong nhà. Mà tết thật sự đến từ những ngày ấy, đi mua bông và chưng bông là một cái thú vui rất tết. Cho nên khi xem MV của Đen Vâu, cảnh cậu con trai đi làm ăn xa, về Tết chở mẹ đi chợ, chở ba đi mua cành bông là cảnh đẹp, dễ thương, ấm áp và tết Việt nhất. Mua bông tết là một cuộc mua sắm tết thật sự vui khi cả người mua và người bán đều cười hớn hở.

“Chị còn để dành một vồng bông thọ bán rằm tháng Giêng, qua rằm nhà chị mới hết tết”, tôi nghe tiếng cười của chị Cúc mộc mạc, hiền lành. Mưa xuân vẫn nhẹ bay và tôi biết, trên cánh đồng ấy, rồi sẽ có mùa bông hoàng anh, bông cúc cho rằm tháng tư âm lịch. Mùa nối mùa. Mong những tiếng cười bông tết sẽ tiếp nối mùa bông sau để xứng công với nỗi nhọc nhằn của những người một nắng hai sương với ruộng vườn, những người chăm sóc hoa làm đẹp cho đời.

Xuân An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Niềm vui trong những ngôi nhà nghĩa tình

Nhiều ngôi nhà khang trang, bền đẹp, giúp các gia đình khó khăn sớm ổn định cuộc sống là cách làm thiết thực, hiệu quả của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh.

Niềm vui trong những ngôi nhà nghĩa tình
Kiến tạo trường học hạnh phúc - Bài 1: Áp lực từ trường học

Tại Thừa Thiên Huế, nhiều trường học đang hướng đến xây dựng một môi trường giáo dục lý tưởng khi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc, là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp.

Kiến tạo trường học hạnh phúc - Bài 1 Áp lực từ trường học
Thông tin doanh nghiệp:
Thông báo thành lập Quỹ từ thiện Hạnh Phúc (Happy Charity Fund)

Quỹ Từ thiện Hạnh Phúc hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế...

Thông báo thành lập Quỹ từ thiện Hạnh Phúc Happy Charity Fund
Niềm vui trọn vẹn

Sau mấy năm bị ảnh hưởng do dịch bệnh và thiên tai, bão lũ, dịp 20/11 năm nay, các thầy, cô giáo đón kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam trong niềm vui trọn vẹn với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa.

Niềm vui trọn vẹn

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Mẫu hộp quà tặng doanh nghiệp 2025 mới nhất
Return to top