Lãnh đạo tỉnh trồng cây ngày đầu năm. Ảnh: P.T
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cách đây hơn 8 thế kỷ, vào năm 1126, vua Lý Nhân Tông (1072- 1128) đã xuống chiếu “Cấm dân chúng mùa xuân không được chặt cây”. Vua Minh Mạng (1820- 1840) tháng 3 năm 1830 thì lại truyền chỉ cho các quan trị nhậm ở các địa phương từ Nghệ An trở ra hãy khuyên bảo dân chúng tích cực trồng cây. Chỉ dụ ghi rõ: “… Các quan sở tại phải sức khắp cho quân và dân ở trong thành, ở 2 bên đường cái quan thì trồng cây mít, ở đê ven sông thì trồng cây liễu và phải thường xuyên vun bón và bảo vệ cho cây được lớn”. (Theo sách Đại Nam thực lục chính biên tập 10 NXB KHXH- 1963 trang 194- 195).
Cũng chính vua Minh Mạng, trong Lễ tế giao mùa Xuân năm 1834 đã ra chỉ sắc cho các Hoàng tử theo hầu đạo ngũ, mỗi người phải trồng 1 cây thông dọc theo lối vua ngự thuộc trai cung tại khu vực Đàn Nam giao (Huế). Bấy giờ hoàng tử Miên Trinh (1820- 1897) mới 15 tuổi cũng trồng cây ở đó. Công việc trồng cây này những năm về sau vẫn được duy trì và thực hiện rất hiệu quả. Nhiều vị trong hoàng tộc, trong giới quan lại cấp cao của Vương triều Nguyễn cũng nhiệt tình tham gia. Nhờ vậy, quanh khu di tích Đàn Nam giao Huế rợp bóng cây xanh và cảnh quan nơi đây trở nên đẹp đẽ, mát mẻ, gần gũi với con người vô cùng.
Với cấp quốc gia thì như vậy. Ở cấp làng xã, phường phố, công việc trồng cây, bảo vệ cây và cảnh quan thiên nhiên lại càng được chú trọng. Nó đã ăn sâu vào ý thức của người dân và hơn thế nữa đã được nâng lên thành thuần phong, mỹ tục, thành lệ làng của nhiều địa phương. Xin được nêu một vài dẫn chứng từ Hương ước một số làng miền Trung mà chúng tôi có dịp đi điền dã, khảo sát, tìm hiểu.
- Điều 3, Khoán lệ ngày 6 tháng 4 năm Cảnh Thịnh thứ 3 (1795) của làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế có ghi: “Từ nay về sau, các bờ tre trong nội xã đều là để ngăn che, không được bẻ măng, nếu ai phạm thì thu tiền phạt 1 quan, 1 mạch, thưởng cho người bắt được 1 quan, tái phạm bị đánh 30 roi”.
- Hương ước của làng Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình), ở mục “Khoán lệ cựu định” (soạn năm Cảnh Hưng thứ 28 (1768)), điều 13 quy định: “Hễ chỗ Huyền vũ (một rừng cây lớn nằm ở phía nam của làng…) là để trấn cho dân cư, từ sau, xã trưởng, khán thủ thường ngày xét kỹ, như thấy người nào lén chặt phá cây cối thì bắt về giao nộp tại đình, làng theo khoán mà phạt heo 1 con, giá tiền xưa 1 quan, 5 mạch”. (*)
Luật lệ của làng xã thuở xưa quả thực là rõ ràng và nghiêm ngặt. Không chỉ biết giữ gìn, chăm sóc và bảo vệ, cư dân các làng xã, phố phường, từ miền ngược đến miền xuôi, từ vùng sâu đến vùng ven biển…, đâu đâu cũng cố sức trồng thêm cây cối cho làng thêm xanh, cho phố thêm mát. Chỉ cần đi dọc giải đất Duyên hải miền Trung cũng đã thấy rõ điều đó. Hàng trăm hecta rừng phi lao, bạch đàn, sầm bù, sầm giang, tràm, chủi…, hàng vạn những cây đước, cây bần, cây sú, cây vẹt… trồng khắp vùng đất ven các cửa lạch, bãi sông, đầm phá… ở 3 tỉnh Bình Trị Thiên là kết quả của hàng trăm năm lao động bất kể nắng mưa của cư dân miền quê này từ thuở họ “mang gươm đi mở cõi” cho đến tận hôm nay.
Ngay trong nội thành Huế, ven các đường phố, quanh các cung điện, đền chùa, am miếu, nhà thờ, thánh thất, lăng tẩm, dọc Ngự Hà, bên đôi bờ sông Hương, sông An Cựu, sông Đông Ba… không nơi nào là không có thảm cỏ, không có cây nhỏ, cây to… Ca dao Huế, từ thuở xưa đã có câu: Văn Thánh trồng thông, Võ Thánh trồng bàng/ Ngó về Xã Tắc, hai hàng mù u.
Nhờ coi trọng và tích cực trồng cây, bảo vệ cây trong suốt mấy trăm năm qua mà kinh thành Huế, từ lâu đã là một thành phố rợp bóng cây xanh. Dạo bước trên các con đường yên lành của thành phố Huế, người dân thành phố và du khách đều cảm thấy thoải mái, mát mẻ bởi cái trong lành do màu xanh của cây cối, của sông hồ…
Xưa cũng như nay, con người nếu biết yêu, biết quý trọng thiên nhiên thì thiên nhiên sẽ trở thành bầu bạn và đem lại vô vàn lợi ích. Tết trồng cây do Hồ Chủ tịch phát động cách đây 56 năm được Nhân dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng cùng hướng về một mục đích cao cả là làm cho đất nước ta mỗi ngày một xanh tươi hơn, đẹp đẽ hơn, thanh bình và trù phú hơn như ý nguyện, như lời khuyên của Tổ tiên ta từ hàng ngàn năm trước.
"Mùa xuân là tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân". (Hồ Chí Minh)
Trần Hoàng
(*) Hai bản Hương ước này nguyên văn chữ Hán, CN. Trần Đại Vinh (ĐHSP Huế) dịch ra chữ Quốc ngữ.