ClockThứ Tư, 01/02/2017 06:31

Tiếng nằm nôi

TTH - Khi đứng lớp giảng cho học trò những bài văn, không hiểu sao, tôi thường nghĩ về những bài ca dao được nghe từ bé.

Ru em em théc cho muồi/ để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu… Rồi dừng rất lâu ở từ “théc”. Bao đôi mắt tròn xoe ngơ ngác dưới kia ồ cả lên, ôi théc là ngủ hở cô? Ừ đơn giản thế thôi, một từ địa phương ăn sâu vào lời nói hằng ngày của bao người dân xứ mình, giờ hình như mỗi ngày mỗi vắng bóng. Cũng như “để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu…” đã quá lâu lắm rồi, “mạ” thành “mẹ”, thành “me”, thành “mama”… Khi câu ca vẳng lên, tôi nghe tiếng người xưa vang về ngờ ngợ. Rồi nhìn ánh mắt lứa học trò nhỏ, lại muốn níu cái ngày xưa người xưa ấy, về với hồn trẻ thơ bây giờ.

 Ngôn ngữ người xưa sử dụng dân dã mộc mạc vô cùng. Chỉ một cụm từ “Đi mô” mà day đi trở lại. Đi mô bỏ chiếu ai nằm/ Bỏ dâu ai hái, bỏ tằm ai nuôi; Đi mô bỏ gối, bỏ mùng? Đêm năm canh những lạnh lùng cả năm; Đi mô bỏ mẹ lều tranh/ Đói no không biết, rách lành không hay… Lời trách móc thuần hậu, quê mùa mà thực tế, gần gũi biết bao. Lối nói của người xưa không suồng sã, không nặng nhẹ, nó cứ thênh thênh mà làm nhói lòng cái kẻ “đi mô” đó. Tuồng như lời nói buông ra khi tình cờ gặp, như ánh mắt hỏi thăm khi tình cờ thấy… nhưng da diết vô cùng. Thành thử, trách móc mà không tra vấn, là bởi, người xưa dùng lời nói của chính họ trong giao tiếp hằng ngày để bày tỏ tư tình với nhau. Nên thơ mà không cao sang lạ lẫm. Mộc mạc dân dã mà không thô thiển. Đâu cần phải đợi đến lúc học được những từ ngữ hoa mỹ, người ta mới trao tình được cho nhau đâu.

Ngôn ngữ người xưa, họ tỏ tình cũng bằng từ ngữ hái được từ lá, từ cây, từ công việc hằng ngày: Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng/ Tre non khẳm lá, đan sàng nên chăng? Lại phải dừng ở từ khẳm mất rồi. Bao lứa học trò giờ này nhà ở trên phố, lá tre chưa phân biệt được non hay già, thế làm sao hiểu khẳm thì nó ra làm sao. Nhớ lại câu thơ của cụ Đồ Chiểu “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Câu này đã được học, đã được giải nghĩa trong những áng văn chương của cụ. Học trò tôi cứ vin vào nghĩa của từ ở câu này, rồi nương theo đó, mà giải nghĩa ở những câu lạ chưa từng được biết đến trong đời. Nhìn ánh mắt reo vui khi các em giải nghĩa được một từ, hiểu nghĩa một câu ca xưa cũ… lòng người đứng lớp bỗng nhiên ấm lại. Ngôn ngữ thì vô cùng, mỗi thời sẽ có những từ mới được phát sinh, lớp từ cũ bị mất đi. Âu cũng là lẽ tự nhiên của cuộc sống xã hội. Nhưng giữ được lớp ngôn ngữ cũ càng đó, là một cách để mình hiểu được người xưa, cũng là một cách tiếp biến dòng chảy văn hóa để đừng bị đứt gãy giữa các thế hệ, các thời đại.

Làm nghề đi dạy đã khó, dạy văn lại khó hơn. Vì thế, tôi xem nó như nghề truyền chữ chứ không đơn thuần là dạy. Văn chương tự cổ chí kim, nào ai dạy ai thấy cái hay cái đẹp bao giờ đâu. Áng văn người xưa viết “Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ” rồi cũng chỉ để “Bạch vân thiên tải không du du” chứ bạn trẻ thời nay làm sao ngồi ngó mây bay để biết bóng xưa hoàng hạc. Họ thích những câu văn tường minh dễ hiểu nhau hơn. Họ dễ dàng cười ồ lên khi đọc những áng văn trữ tình đầy mây bay và gió nhẹ. Đó là điều hiển nhiên trong cuộc sống thời đại mới này, chúng ta phải chấp nhận. Nhưng thế thì buồn quá, cùng một hệ ngôn ngữ, chỉ khác nhau vài thế hệ, mà chúng ta đâm ra “lệch pha” đến thế ư?

May quá, còn đó những câu ca nằm nôi, tôi đem ra chia sẻ với bạn trẻ. Có ai mà không thương, khi người con gái nói với con trai thế này: “Đi mô cho thiếp đi cùng/ Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp theo/ Thiếp đây thân phận cơ nghèo/ Biết sương triêng nặng, biết trèo đồi cao”. Con gái thời nay tự lập tự chủ. Con gái thời xưa tam tòng tứ đức. Cái tứ đức đó thể hiện ở công dung ngôn hạnh. Mà mỗi chữ trong câu ca kia nó dung chứa đức hạnh vô cùng. “Đi mô” nghe sao mà gần gũi, thân thiết. Như lời hỏi tiện đường gặp thôi, chứ không phải sửa soạn ăn nói chi mô. Chỉ thế mà người con gái ấy đã xưng “thiếp”, rồi “thiếp chịu”, “thiếp theo”. Đến cả lời giãi bày “biết sương triêng nặng” ,“biết trèo núi cao” nữa thì lòng dạ nào không nhận cho đang. Cái đòn sương, đòn triêng, cái đôi triêng gióng gắn liền với hình ảnh phụ nữ miền Trung, phụ nữ Huế xưa gần như cả cuộc đời họ. Và họ chỉ có điều này để tự hào, để “nói” lên rằng mình giỏi giang tần tảo, chịu thương chịu khó. Đó cũng là món của hồi môn lớn nhất mà cô gái có thể có được để đi lấy chồng.

Ngôn từ không chỉ là lời nói giao tiếp, mà đôi khi nó đã trở thành tài sản lớn cho một cuộc đời con người ta. Nên mộc mạc là thế, mà quý giá vô cùng. Ngày nay ít ai dùng triêng gióng, ít ai biết sương, biết gánh… Riết rồi sợ một ngày hình ảnh này biến mất trong đời sống, đến khi lỡ gặp lại câu ca dao này, lớp trẻ ngác ngơ rồi bỏ qua một hình ảnh đẹp đã từng tồn tại trong đời sống cha ông ta ngày trước. Là người hay lo xa, tôi nghĩ vậy. Nên khi nhìn ánh mắt reo lên bởi phát hiện ra vẻ đẹp của những từ ngữ giản dị kia, tôi vững tin mà truyền tiếp những từ ngữ cũ càng đã từng hay được.

Làm nghề đi dạy có nhiều kiến thức cần truyền cho học trò. Nhưng thế giới ngoài kia mênh mông quá, kiến thức hôm nay mang đến cho các em, ngày mai đã trở thành cũ. Lấy cái nhìn của người đã qua áp vào cái nhìn của những tâm hồn chưa tới, đôi khi e ngại vì một sự chủ quan biết đâu vô tình tổn hại đến những chồi xanh cục cựa đâu đó trong trái tim của mỗi học trò. Thôi đành mượn tiếng nằm nôi của nhạc sĩ Phạm Duy, truyền lại cho các em, từ đó mà hiểu, mà yêu thương hơn cái thứ “tiếng nước tôi”. Mai sau lỡ xa xứ, nghe ai nói một câu tiếng nước mình còn biết quay đầu nhìn lại. Và dẫu bao xa bao lâu, như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khi nghe con chim rừng già hót lên “Kờ-ruồng Kù tiệt!” đã nhận ra tiếng kêu “Đất Nước! Đất Nước/ Đất nước trên miệng ta rồi/ Trong tim ta mang/ Trên chân ta bước”, cũng biết quê hương giống nòi.

Đông Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giọng mạ

Những lúc đi một mình trên đường, tôi nhớ vô cùng câu thơ này, câu thơ bình dị, không cầu kỳ kiểu cách, không uốn nắn...

Giọng mạ
Đóng góp ý thức

Những thông tin ban đầu có lẽ người ta đã đọc trên mạng xã hội. Và sau đó là những thông tin được một số tờ báo làm việc, dẫn nguồn khi đối thoại với người có trách nhiệm về phòng dịch tại Quảng Trị.

Đóng góp ý thức
Lòng không rời bến

Hốt nhiên, một ngày nhìn lại, tôi đã rời ngôi trường mình học một quãng quá xa. Bây giờ, mỗi lần có dịp trở về, đi ngang qua, đứng một chút thôi ngó vào, lòng lại bâng khuâng tháng ngày xưa gợi về những ký ức chưa bao giờ cũ. Nơi đó, tôi đã gửi lại một thời thiếu nữ, gửi lại tà áo dài bối rối trong màu gió hồng đặc trưng của đất bụi xứ này.

Lòng không rời bến

TIN MỚI

Return to top