Nơi đây, tôi đã được truyền trao những con chữ làm người đầu tiên từ người thầy đến bây giờ mỗi lần nghĩ đến vẫn còn ứ ào nước mắt. Đó là một người thầy mà khi nhắc đến, hẳn những ai liên quan đến ngành giáo dục xứ này, đều không thể không biết. Thầy tôi nổi tiếng chính trực, mực thước và vô cùng nghiêm khắc. Buổi đầu gặp thầy, hầu như những đứa học trò non nớt đều sợ sệt. Đôi mắt thầy sáng quá, ánh nhìn thầy thẳng quá, lời nói thầy ngay quá. Lớp học trò đó, có đứa đã khóc trước sự thẳng thắn của thầy, có đứa đã cúi gằm không dám ngẩng lên trước lời nói như roi quất của thầy. Nhưng cũng chính cái thẳng thắn đó, cái cương trực đó, qua ba năm đã ngấm dần vào lớp học trò chuyên văn toàn con gái. Không biết có phải vì thế không, mà, lẽ ra, tôi và bạn tôi phải yểu điệu thục nữ, thì lại trở thành những người phụ nữ cứng cỏi như thể sinh ra chỉ để chống chọi với đời.
Bởi từ thầy, chúng tôi học được tấm lòng cương trực. Những năm tháng đèn sách còn bị ràng rịt trong khốn khó thiếu thông tin, thiếu phương tiện, thầy đã cho chúng tôi biết những câu thơ của Phùng Quán: “Yêu ai cứ bảo là yêu/Ghét ai cứ bảo là ghét Dù ai cầm dao dọa giết/Cũng không nói yêu thành ghét/Dù ai ngon ngọt nuông chiều/Cũng không nói ghét thành yêu”. Mang những câu thơ thầy truyền trao, chúng tôi bước ra khỏi cổng trường để đi tiếp chặng đường với lòng tin về sự thật.
Cũng nhờ vậy, sau này tôi theo nghiệp thầy, mỗi lúc gặp chát chua trên bục giảng, không nhớ biết bao nhiêu lần, hình ảnh thầy lại hiện lên, ánh mắt sáng thẳng. Ánh mắt đó vừa nghiêm khắc, vừa độ lượng. Tôi nhắm mắt nuốt ánh nhìn của thầy khởi lên tự tâm, khẽ chùng mình, lướt qua khoảnh khắc chao động để tiếp tục cầm vững ngòi bút đỏ trên tay.
Thầy nghiêm khắc là thế, nhưng thầy thương bầy con gái đa đoan. Lúc còn đi học, thầy luôn nhắc gắng học cho xong chứ đừng bỏ dở nửa chừng để đi lấy chồng. Giờ mỗi đứa học trò ngày xưa mang một nỗi thân phận khác nhau, lúc trở về ngồi bên thầy, thầy lại xa xít thương.
Từ ngày rời khung cửa mến thương đó đến nay, tôi đã bước qua bao cánh cổng khác, mong nhặt được hạt rơi hạt vãi trong kho tàng tri thức nhân loại. Nhưng mỗi cánh cửa bước vào rồi ra, sao tôi thấy chân đi thõng thoãi. Con đường đi học chữ gian nan dằng dặc, con đường đi học làm người càng dâu bể mênh mông. Chính vì thế, mỗi lúc có dịp ngồi cùng thầy bên hiên nhà năm cũ, tôi lại càng thiết tha hơn về con đường xưa đã được thầy đi cùng những năm tháng trọn vẹn. Những năm tháng mỗi bước vấp ngã có đôi mắt nghiêm khắc nhắc đứng dậy, mỗi cái khuỵu chân quỵ xuống có giọng nói dịu dàng mà mạnh mẽ như ngọn roi cứng rắn quất lên lằn đau đớn để vượt thoát vươn cao. Cũng nơi đó, mỗi khi bị sát thương, lại có vườn ổi vườn chanh, có gốc me gốc khế để tôi về bên, thả mình bệt xuống gốc cây tựa đầu để được thầy dành cho cái nhìn ấm êm. Tấm lòng nhân hậu tự tính của thầy đã truyền trao cho tôi ngọn lửa. Tôi tự sưởi ấm mình, rồi xòe tay chuyền hơi ấm cho những bàn tay nhỏ tôi đang ngày đêm kế tục thầy dắt dẫn.
Bài học qua sông thầy chỉ cho chúng tôi ngày nọ, bên những bậc cấp phủ màu bụi đỏ, đến bây giờ, đi quá nửa đời người, về lại vẫn thấy chẳng muốn rời bến chút nao.
ĐÔNG HÀ