ClockThứ Bảy, 20/01/2024 06:46

Tìm cách kéo giảm tảo hôn

TTH - Giai đoạn 2021 - 2023, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 61 trường hợp tảo hôn. Các ban, ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm truyền thông và phòng, chống tình trạng này.

Nỗ lực giảm thiểu tảo hôn và sinh con thứ 3 tại A Lưới

 Blup T.K. trông con ở nhà và dệt dèng

Nghèo càng thêm khó

Đón khách trong căn nhà lụp xụp, Blup T.K. ở xã A Roàng (A Lưới) bỏ tấm dèng dệt dở bồng đứa con 7 tháng tuổi ra khi thấy người lạ vào nhà. Chồng K. là A Viết H. đi làm rẫy cùng ông bà. K. và H. lấy nhau trong khi H. chưa đủ tuổi, gia đình phải nộp phạt 3 triệu đồng vì tảo hôn, vi phạm hương ước của làng. “Ông bà gom góp làm cái lễ theo phong tục để hai đứa về chung sống nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, chưa làm đủ lễ. Tiền nộp phạt phải trả góp, đến giờ con sinh ra 7 tháng vẫn chưa trả xong. Đợt trước, cha thằng bé đi nuôi heo thuê cho trang trại 4 tháng bị lừa tiền không có đồng nào nên giờ về ở nhà rau cháo nuôi nhau”, một người thân trong gia đình kể.

Nhà chồng K. là hộ nghèo, A Viết H. là con đầu trong gia đình lại nghỉ học sớm. “Lên chức bố”, H. làm nhiều việc phụ gia đình nuôi con nhỏ. Mẹ H. 34 tuổi có cháu nội, gia đình vốn nghèo nay có thêm hai thành viên mới, khó khăn chất chồng. K. ngoài trông con tranh thủ dệt dèng kiếm thêm thu nhập. “Lỡ mang thai rồi nên em phải theo về nhà chồng. Giờ nhà nghèo nên em lo chăm sóc con để cháu đủ dinh dưỡng. Do chưa làm đăng ký kết hôn vì chồng chưa đủ tuổi nên cháu mang họ mẹ”, K vừa nựng con vừa bẽn lẽn chia sẻ.

Đó là một trong những trường hợp tảo hôn khá điển hình ở A Lưới. Hôm chúng tôi đến Trung tâm Y tế A Lưới, gặp một trường hợp khác L.T.M. đang chăm con ốm. Thoạt nhìn, M. và con trông như hai chị em. M. chỉ 16 tuổi, đứa con 1 tuổi gầy gò ốm yếu. Khi hỏi về cuộc sống, M. nghèn nghẹn: “Gia đình em hoàn cảnh khó khăn. Sức khỏe con ốm yếu do em ăn uống không đủ chất, cháu mặc không đủ ấm. Giờ nghĩ lại em thấy hối hận vì lấy chồng sớm!”.

Tảo hôn không chỉ vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dân số, chăm sóc trẻ em. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tảo hôn. Phần lớn các cặp tảo hôn rơi vào trẻ  bỏ học, đi làm ăn xa, có thai ngoài ý muốn.

Qua khảo sát của Ban Dân tộc tỉnh, 60% số cặp thừa nhận hủ tục con gái đã có quan hệ tình dục hoặc có thai phải lấy chồng còn tồn tại khá phổ biến tại các địa phương vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác vận động, can thiệp và áp dụng các chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm luật hôn nhân - gia đình. Phản ứng từ phía cộng đồng còn rất yếu ớt, hầu hết đều coi đây là chuyện riêng của từng gia đình, thậm chí có nơi đồng tình ủng hộ. Một thực tế khác phải thừa nhận là tác động internet và mạng xã hội, trẻ vị thành niên tò mò, quan hệ tình dục không an toàn, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn...

Nỗ lực tuyên truyền, tích cực can thiệp

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là vấn đề đáng báo động. Qua một thời gian, nhiều giải pháp được triển khai, mang lại kết quả bước đầu. Huyện Nam Đông có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46,4% dân số toàn huyện. Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú; thường xuyên nắm bắt tình hình trong Nhân dân và ngăn chặn, xử lý kịp thời một số trường hợp có ý định tảo hôn. Đảng ủy các địa phương và các dòng họ đều ký cam kết ngăn chặn và xử lý các trường hợp lấy nhau khi chưa đủ tuổi theo quy định pháp luật. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn giảm rõ rệt. Năm 2020, toàn huyện có 14 trường hợp tảo hôn; năm 2021 và 2022 mỗi năm có 3 trường hợp; năm 2023 không xảy ra trường hợp nào. Từ năm 2015 đến nay không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống.

Nhận thấy vai trò, từ năm 2021 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp khảo sát, tìm hiểu và triển khai xây dựng các mô hình. Đơn vị đã phối hợp Sở Y tế, Sở Tư pháp, UBND huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc và thị xã Hương Trà cùng các trường THCS - THPT tổ chức 3 hội nghị bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới; 4 hội nghị sinh hoạt chuyên đề ngoại khóa, những câu chuyện chia sẻ của người trong cuộc về hậu quả tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Bà Hồ Thị Tùy, Trưởng phòng Thanh tra và tuyên truyền Ban Dân tộc tỉnh cho hay: “Phần lớn, các trường hợp tảo hôn chia sẻ câu chuyện bản thân đều khóc và hối hận vì những áp lực và vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Câu chuyện của họ chính là bài học chân thực giúp lớp trẻ nhận thức ra vấn đề”.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, sau 3 năm kể từ khi thành lập mô hình điểm và 1 năm nhân rộng mô hình, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về được nâng cao. Nhiều tổ chức, cá nhân nỗ lực trong tuyên truyền, vận động, can thiệp nhằm đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Giai đoạn 2021 - 2023, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 61 trường hợp tảo hôn, giảm 44 trường hợp so với cùng kỳ giai đoạn 2016 - 2020. Năm 2023 giảm 12 trường hợp so với năm 2022 và tình trạng này giảm rõ nhất tại các địa bàn được xây dựng mô hình.

Để kéo giảm tảo hôn, ngoài sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, cần phát huy vai trò trách nhiệm của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng. Bởi họ là người sát dân và nắm rõ cơ sở nhất. Một điều quan trọng không kém là đẩy mạnh truyền thông trong các trường học và các địa phương, từ đó mới tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng về hệ lụy của tảo hôn.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thích, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Đông cho rằng: “Nên chăng điều chỉnh bổ sung pháp luật về chế tài xử lý các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết để đủ sức răn đe. Kêu gọi người dân, đặc biệt là cán bộ thôn, xã làm gương không dự cưới các trường hợp tảo hôn”.

Bài, ảnh: LINH TUỆ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Việt Nam, Lào và Campuchia tìm cách thúc đẩy du lịch “Một hành trình, ba điểm đến”

Với kỳ vọng mang đến cho du khách một trải nghiệm du lịch liền mạch và độc đáo, sáng kiến “Một hành trình, ba điểm đến” đã được lãnh đạo ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia đưa ra thảo luận bên lề các Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm ngoái. Thủ tướng Campuchia Hun Manet cũng tuyên bố nước này sẽ tổ chức một hội nghị các bộ trưởng du lịch của ba nước để phát triển các nỗ lực chung.

Việt Nam, Lào và Campuchia tìm cách thúc đẩy du lịch “Một hành trình, ba điểm đến”
Tìm cách “hồi sinh” phố cổ Bao Vinh

Các khu phố cổ ở vùng đất Cố đô được xem là yếu tố quan trọng kết nối các giai đoạn hình thành đô thị Huế. Trải qua thời gian, những khu phố cổ ấy được các cơ quan chức năng, tổ chức trong và ngoài nước đưa ra nhiều giải pháp quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị, thế nhưng việc triển khai như thế nào vẫn là một bài toán khó.

Tìm cách “hồi sinh” phố cổ Bao Vinh
Nỗ lực giảm thiểu tảo hôn và sinh con thứ 3 tại A Lưới

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác tuyên truyền, vận động, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện A Lưới đã giảm thiểu tình trạng tảo hôn và sinh con thứ 3 trở lên. Từ đó, nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.

Nỗ lực giảm thiểu tảo hôn và sinh con thứ 3 tại A Lưới
Góp phần kéo giảm tai nạn giao thông

Sau thời gian tăng cường lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tổng kiểm soát, xử lý ô tô kinh doanh vận tải hành khách và ô tô vận tải hàng hóa bằng container tình hình đã có những chuyển biến tích cực; góp phần kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn toàn tỉnh.

Góp phần kéo giảm tai nạn giao thông
Return to top