ClockThứ Năm, 01/02/2024 13:31

Tìm nữ liệt sĩ trong ảnh

TTH - Cách đây khá lâu, trong một lần trò chuyện, anh Hồ Viết Lễ (nguyên Chủ tịch UBND Phú Vang) đã cho tôi xem bức ảnh chụp ở chiến khu cuối năm 1973. Khi tôi hỏi người con gái đứng bên cạnh ông Vũ Thắng (nguyên Bí thư Tỉnh ủy) là ai, anh Lễ cho biết: Đó là chị Lành, đại diện cho xã Phú Hồ tham dự Đại hội mừng công 18 năm thắng Mỹ của quân và dân Thừa Thiên Huế.

Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin: Trách nhiệm thiêng liêngKhảo sát khu vực mộ liệt sĩ tập thể tại huyện A Lưới

 Hàng đầu: Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng chụp ảnh lưu niệm với đoàn Phú Vang. Bà Dương Thị Lành (trái); ông Hồ Viết Lễ ( phải, áo trắng). Ảnh: Tư liệu

Gần đây, trong một lần trò chuyện với chị Võ Thị Bưỡi (quê Thủy Vân, Hương Thủy) chị đã cho tôi xem bức ảnh chị chụp chung với chị Lành cuối năm 1969 sau khi họ được phóng thích từ nhà lao Thừa Phủ.

Mang 2 tấm hình tìm hỏi anh Dương Đức Thế (nguyên Bí thư xã Phú Hồ 1965 - 1968) và chị Dương Thị Siêng (em ruột chị Lành), cả hai đều xác nhận người trong ảnh đúng là chị Dương Thị Lành, sinh năm 1945, quê thôn Trung Chánh, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang.

Chị là con đầu của ông Dương Văn Thạch (đại tá) và bà Bùi Thị Thơm.

Được ông Võ Trác (tức Vinh), Bí thư Huyện ủy Phú Vang giác ngộ, năm 1964, chị Dương Thị Lành tham gia cách mạng và đến năm 1966, chị đảm đương vai trò Bí thư Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng xã Phú Hồ.

 Chị Dương Thị Lành (trái) và chị Võ Thị Bưỡi. Ảnh: Tư liệu

Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lành đã vận động các mẹ góp gạo nuôi quân, chăm sóc thương binh và tuyên truyền, giác ngộ thanh niên thoát ly tham gia cách mạng.

Chị Dương Thị Minh Tám (trú tại ở 27 A Nguyễn Văn Chư, phường Thủy Phương, Hương Thủy) cho biết: Năm 1966, đích thân chị Dương Thị Lành dẫn hơn 70 thanh niên Phú Hồ lên chiến khu, lúc này hậu cứ Phú Vang đóng ở bắc Truồi, Phú Lộc. Số anh chị em thoát ly năm ấy nay một số còn sống...

Ngoài vận động “hậu phương” tiếp thêm sức người, sức của cho cách mạng, chị Lành còn tổ chức lực lượng tại chỗ phối hợp với bộ đội đánh địch khi chúng càn vào Phú Hồ.

Riêng chuyện chị Dương Thị Lành bị bắt phần lớn đều không biết.

Mà họ không biết là phải, bởi sau Xuân 1968, đồng bằng Phú Vang liên tục bị đối phương “chà đi xát lại”. Nhà cửa, mồ mả, vườn tược bị đạn bom phá hủy và xe ủi cày xới. Nhân dân phần lớn bị cưỡng bức vào các trại tập trung hoặc tháo chạy tứ tán. Phú Vang trở thành vành đai trắng. Cùng với “Bình định cấp tốc”, đối phương liên tục mở nhiều đợt “tảo thanh Cộng quân”.

Tháng 5/1968, khi biết ở Phú Vang xuất hiện nhiều tiểu đoàn của Quân giải phóng (phối hợp với Sài Gòn mở tiến công Mậu Thân đợt 2), dưới sự yểm trợ của 80 xe tăng, thiết giáp và hàng chục trực thăng vũ trang, đối phương huy động Lữ đoàn I Sư đoàn 101 Dù Mỹ phối hợp với Trung đoàn 54 Sư đoàn I quân đội Sài Gòn mở cuộc hành quân hỗn hợp tảo thanh vùng Phú Thứ mà trọng điểm là các xã: Phú Hồ, Phú Lương, Phú Xuân…

Tác chiến trên địa hình bất lợi nên K2, K4, K10 (tên các tiểu đoàn) bị thiệt hại khá lớn. Ngoài hy sinh, một số cán bộ, chiến sĩ bị bắt, trong đó có chị Dương Thị Lành.

Do bị lính Mỹ bắt vì không có đủ chứng cứ buộc tội nên đến năm 1969, chị Dương Thị Lành được phóng thích.

Chị Võ Thị Bưỡi cho biết, khi bị giam ở Thừa Phủ, tôi ở chung phòng với chị Lành, vì chỉ cách nhau một dòng sông nên chúng tôi trở thành bạn tù của nhau. Tôi ra tù trước; thông qua chị Ngô Thị Hương (cơ sở hợp pháp của Thành ủy Huế), tôi tiếp tục hoạt động hợp pháp ở nội thành; cuối năm 1969, chị Lành được phóng thích.

Do bị mất liên lạc nên chị Lành nhờ tôi móc nối để tiếp tục hoạt động. Trước khi đưa chị Lành về Lợi Nông, Mỹ Thủy thoát ly, hai chị em chúng tôi ghé hiệu ảnh La Cảnh Lưu ở Huế chụp chung bức ảnh. Đây là bức ảnh duy nhất về người bạn tù của tôi.

Năm 1970, Huyện ủy Phú Vang (lúc này đóng ở bắc Truồi, Phú Lộc) chủ trương đưa cán bộ về đồng bằng bám trụ gây dựng phong trào và chị Dương Thị Lành nằm trong số đó.

Được Nhân dân che chở, chị Dương Thị Lành cùng đội ngũ cán bộ cơ sở bền bỉ gây dựng phong trào. Nhiều thanh niên phòng vệ dân sự được giác ngộ trở thành du kích mật. Thậm chí có Bí thư chi bộ mật của ta như ông Dương Văn Tế được cài cắm làm Ấp trưởng.

Nhờ tạo được thế trận khá an toàn nên cuối năm 1974, Bí thư Huyện ủy Lê Hùng Vinh, Phó Bí thư Huyện ủy Nguyễn Lanh đã bám trụ Phú Hồ trực tiếp chỉ đạo phong trào.

Anh Nguyễn Đình Đãi, nguyên Chính trị viên Đội Biệt động quận Tả Huế cho biết, trong đợt I - Xuân 1975, từ dốc Công Sự đơn vị ông tiến quân về đồng bằng Phú Vang.

Tại Phú Hồ, Bí thư Huyện ủy Lê Hùng Vinh và Q. Tỉnh đội trưởng Dương Quang Đấu trực tiếp nghe lãnh đạo địa phương là ông Dương Văn Bằng (Bí thư) và Dương Thị Lành (Phó Bí thư) báo cáo tình hình hoạt động của đối phương và thế trận mà Phú Hồ đã chuẩn bị.

Ngày 8/3/1975, cùng với các xã: Vinh Hà, Vinh Phú, Vinh Thái, Phú Đa, Phú Lương, Phú Hồ đồng loạt nổ súng...

Sau khi tấn công, cách mạng làm chủ 2 thôn: Nam Dương và Trung Chánh ở Phú Hồ, đối phương co cụm về Đồn Đồng Di Đông cố thủ và tìm cách phản kích.

Chị Nguyễn Thị Thệ (ở phường Thủy Phương - Hương Thủy), vợ của Liệt sĩ Dương Văn Cho cho biết:

- Trước khi hy sinh, chồng chị cùng anh chồng là Dương Văn Bằng và chị Dương Thị Lành đều trú trong hầm bí mật của nhà chồng tôi ở thôn Đông Đỗ, Phú Hồ.

- Sáng đó, khi biết tôi định sang nhà hàng xóm mượn gạo (vì chỉ còn 3 lon), anh Bằng khuyên tôi “thím tranh thủ gánh lúa đi xay, nhà mình đông người nên cần có gạo dự trữ”. Trên đường gánh gạo về tôi nghe súng nổ. Gặp tôi, bà con khuyên “trốn đi, ông bà gia mi đã bị bắt”. Nóng ruột vì không biết đứa con gái đầu lòng mới 4 tháng tuổi của mình sống, chết thế nào, tôi nhất quyết về nhưng vừa đến thôn Đồng Di, tôi bị lính chặn bắt.

Anh Dương Văn Gái, lúc đó là Du kích mật khoác áo Phòng vệ dân sự, nhà ở cùng thôn Đông Đỗ cho biết thêm: Sáng đó, chừng 9 giờ, một Trung đội Nghĩa quân ở Đồn Đồng Di Đông kéo về vây nhà ông, bà: Dương Văn Luật - Bùi Thị Nhỏ. Do không bắt được ba cán bộ nằm vùng là anh Quảng, chị Lành và anh Cho (vì đã tự sát) nên bọn chúng bắt cha, mẹ anh Quảng đưa ra trường học gần đó đánh đập vì tội “chứa chấp Việt Cộng”!.

Sau này chị Nguyễn Thị Huệ mới nghe cha, mẹ chồng kể lại:

- Có lẽ do bị thằng G. chỉ điểm khi hắn đi ngang đây thấy người lạ (chị Lành) ngồi bên bếp lửa nên mới báo cho Đồn. Khi tụi lính vây, gọi đầu hàng, cả ba đứa đã nhảy ra khỏi hầm ném lựu đạn và bắn. Hết đạn, cả ba đứa nhảy xuống hầm mở lựu đạn tự vẫn!

Hôm đó là sáng ngày 11/3/1975, nhằm ngày 29 tháng Giêng năm Ất Mão!

Giữa lúc đang đánh trả phản kích, Phú Vang nhận tin Phú Hồ cùng lúc hy sinh 3 cán bộ, trong đó có Bí thư và Phó Bí thư Đảng ủy.

Biến đau thương thành sức mạnh, quân dân Phú Vang ngoan cường chiến đấu và trong đợt I/1975 đã giành quyền làm chủ 6 xã của quận Phú Thứ cũ, hình thành vùng giải phóng rộng lớn.

Riêng Đội trưởng Đội vũ trang công tác Vinh Phú Hồ Viết Lễ bùi ngùi nhớ lại những ngày “đoàn Phú Vang” cùng gần 200 đại biểu của các huyện, xã và các anh hùng chiến sĩ thi đua tiêu biểu cho phong trào chính trị, vũ trang, binh vận, sản xuất, phục vụ chiến đấu… tụ hội ở Dòng (Hương Nguyên - A Lưới) tham dự Đại hội mừng công 18 năm thắng Mỹ của quân, dân Thừa Thiên Huế.

Tại Đại hội này, chị Dương Thị Lành vinh dự được chọn báo cáo điển hình của một xã vùng sâu kiên cường bám trụ gây dựng phong trào đánh Mỹ.

Và tấm ảnh quý hiếm chụp đoàn Phú Vang tham dự Đại hội (trong đó có chị Dương Thị Lành), anh Hồ Viết Lễ vẫn nâng niu, gìn giữ cho đến tận bây giờ.

Ở tuổi 30, không chồng, không con, Dương Thị Lành đã trở thành tấm gương tiêu biểu của lớp thanh niên chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp Độc lập - Tự do của Tổ quốc!

Phạm Hữu Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

"Trồng" những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện

Rèn luyện đảm bảo sức khỏe, nâng cao thể lực cho học sinh là “khâu” quan trọng, hiệu quả trong nâng cao chất lượng dạy và học của ngành giáo dục & đào tạo (GD&ĐT) huyện Phú Vang; “trồng” những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện, để sau này các em tiếp bước xây dựng quê hương.

Trồng những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện
Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học

Những năm gần đây, học sinh các cấp trên địa bàn Phú Vang ngày càng đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Quốc gia. Riêng tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 THCS cấp tỉnh năm học 2023-2024 mới đây, học sinh Phú Vang đoạt gần 40 giải. Đó là nỗ lực và kết quả của quá trình vượt lên nhiều khó khăn, bền bỉ nâng cao chất lượng dạy và học của thầy và trò huyện Phú Vang.

Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học
Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện

Ngày 24/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân (BN) Phạm Q.T.. Đây là trường hợp ghép tim thứ 11 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 10 tại đơn vị.

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện

TIN MỚI

Return to top