ClockThứ Ba, 16/07/2019 08:39

Chuyện vợ chồng ông bà cụ ấy

TTH - Bạn rủ: “Hôm nào sáng sớm đi bộ cùng tui dọc đường Hùng Vương một bữa đi. Có “chuyện này” hay lắm".

Yêu thương bằng cả tấm lòngNhững điều tốt đẹpVũ điệu ngày nắng

“Chuyện hay” bạn kể là về đôi vợ chồng, cụ ông 91 tuổi, cụ bà 86 tuổi sáng nào cũng nắm tay nhau chậm rãi đi bộ dọc đường Hùng Vương, từ đoạn chợ An Cựu lên hướng cầu Trường Tiền. Áo quần, mũ, giày thể thao, có thể mỗi ngày thay đổi một màu sắc, nhưng bao giờ hai cụ cũng mặc đồ đôi. Đặc biệt hai gương mặt luôn thảnh thơi, tươi cười. Mỗi khi cần phải qua đường, ông bao giờ cũng nắm tay bà chặt hơn, đi sát vào hơn để bà cảm giác yên tâm vì có bờ vai vững chắc để tựa vào.

Hầu như hôm nào cũng vậy, tầm 5 giờ 30 phút, hai cụ đi đến trước khách sạn Indochine Palace (tọa lạc trên đường Hùng Vương) và dừng chân tại đây. Bà ngồi lên bức tường thành thấp, ông đứng bên cạnh, chậm rãi tập vài động tác “vươn vai”. Nhiều người chạy bộ ngang qua, chạy chậm lại một chút để chào và cười với hai cụ. Cụ bà “đáp lễ” bằng cách mỉm cười, còn cụ ông xởi lởi đưa cả hai tay lên vẫy vẫy.

5 giờ 30 phút, tôi chạy xe máy đến trước khách sạn Indochine Palace. Hai cụ đang dắt tay nhau đi chậm rãi. Hôm nay các cụ mặc đồ đôi áo thể thao màu xanh, mũ trắng, quần trắng và giày màu xám. Chỉ có màu tất khác nhau, tất của ông màu đậm hơn.

Tôi thắc mắc, sao các cụ không chọn tất cùng màu? Cụ bà cười: “Tôi chọn cho ông màu đậm nam tính, mạnh mẽ đó mà”. Còn bà, môi tươi tắn màu son nhè nhẹ. “Tôi 86 tuổi, nhưng phụ nữ tuổi nào cũng phải đẹp, phải tươi tắn. Tôi đã quen với điều này, không bao giờ thay đổi. 4 giờ sáng, vợ chồng cùng dậy, nấu nước pha trà, nhâm nhi xong, tôi sửa soạn tươm tất trước khi ra đường”. Ông cười cười nhìn vợ với ánh mắt hãnh diện.

Ông bà vui vẻ kể, về chung một nhà với nhau, cùng nhau đồng cam cộng khổ đến nay là 67 năm, có với nhau 8 đứa con. Con, dâu, rể, cháu tổng cộng 32 người, nhưng ông bà chưa lần nào to tiếng cãi vã. Bà cười nhẹ nhàng: “Mỗi lúc có “sự cố”, tôi luôn nhường nhịn chồng. Đợi 2, 3 ngày sau, khi cả hai đều bình tâm lại, tôi mới nhỏ nhẹ nói với chồng, không bằng lòng điều này, điều kia. Và mỗi lúc như vậy, ông đều tiếp thu, sai cái gì thì biết nhận sai rồi sửa. Vợ chồng phải nhường nhịn, yêu thương, quan tâm nhau... 8 đứa con nhìn vào cha mẹ. Rồi sau này có dâu, rể, cháu…, “chúng nó” đều nhìn vào ông bà, cha mẹ. Vậy nên mình luôn phải chuẩn mực.

Ông dí dỏm “chen” vào: “Ra đường thì sợ công nông. Về nhà thì sợ vợ không nói gì. Sợ vợ buồn nên người chồng cũng phải biết "giữ ý", có trách nhiệm...”.  Đó là câu chuyện của vợ chồng cụ Nguyễn Thị Bê, Lê Văn Sung ở 2/127 Hùng Vương, TP.Huế.

Tinh thần sống của các cụ truyền cảm hứng lạc quan, trẻ trung, hiện đại…, khiến cuộc sống đáng yêu hơn. Nhất là trong thực trạng ly hôn đáng báo động như hiện nay (riêng TAND TP. Huế nhận tầm 1 nghìn đơn ly hôn mỗi năm). Tình yêu thương, nghĩa vợ chồng bền chặt của những đôi vợ chồng như ông bà thật đáng trân trọng, học hỏi…

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Return to top