Chiếc gậy là kỷ vật ba vô cùng trân quý. Lúc còn khỏe, những khi không bận bịu, ông thường đem chiếc gậy ra, lau kỹ từng tý bụi. Lạ thay, gậy cũng như đời người. Mỗi năm, nó lại sẫm màu hơn một tý. Lớp vỏ trúc đỏ ong, ẩn hiện nét chấm phá đồi mồi của tuổi tác…
Ba kể, năm 16 tuổi, ông được tổ chức bí mật đưa ra miền Bắc. Trước khi đi, bà nội chỉ kịp trao cho ba cái gậy trúc. Có lẽ nội biết, đường Trường Sơn gian nan, vượt suối trèo đèo. Cây gậy sẽ là người bạn đồng hành theo mỗi bước chân con…
Khi đất nước thống nhất, điều đầu tiên ba làm là đưa vợ con về quê cũ - điều mà ba nói - ông đã chờ đợi hơn 20 năm. Hành trang về quê không có gì nhiều. Và thứ ba không quên là chiếc gậy. Không còn dùng đến, ba gác cây gậy ở một góc trên bàn thờ. Sau này tôi mới hay, cây gậy là kỷ vật từ đời ông nội. Ít nhất, nó cũng đã thành gia bảo…
Khi chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra, những cái hầm trú ẩn được người dân huy động đào gần sân kho của hợp tác xã. Những bó chông sắt được ba đặt hàng sẵn. Ông bện cho chúng tôi những chiếc mũ rơm mà ba giải thích là chúng sẽ che chở cho các con khi nào cần đến. Hình như, ba đã sẵn sàng cho một cuộc hành quân mới khi cần.
Những ngày tháng ngột ngạt ấy, ba đem cây gậy xuống, lau kỹ. Có lẽ, nếu khi ấy, chiến tranh lan rộng, cần đến một cuộc tổng động viên, ba lại lên đường, với chiếc gậy vượt Trường Sơn năm xưa.
Sau này, khi về già, chiếc gậy lại là người bạn thân thiết của ông. Chứng viêm khớp khiến chân ba sưng tấy, đau nhức. Con cái bận bịu, không phải lúc nào cũng cận kề, cây gậy trở thành chỗ dựa cho những bước đi tập tễnh… Như có lần ba đùa: “Đâu chỉ có đời người, cái chi khó cũng cần có cây gậy…”.
Bây giờ, mỗi khi nhớ ba, tôi thường chạy ù về quê. Lại đem cây gậy trúc, lau thật sạch từng tý bụi như ba ngày nào. Ở đó có tháng năm, có hơi ấm đời người, có lịch sử hào hùng một thời vượt Trường Sơn cứu nước. Và cả cái triết lý ẩn dụ về chiếc gậy như có lần ba đã hóm hỉnh ví von…
TIỂU MUỘI