ClockThứ Tư, 20/03/2013 14:42

Kỷ vật tháng ba

TTH - Đi qua đường Trần Hưng Đạo, đoạn công viên Thương Bạc, người ta dễ dàng bắt gặp cảnh tượng bày bán những mặt hàng lưu niệm là đồ vật xưa cũ. Đặc biệt trong số đó, có rất nhiều đồ dùng dân dụng của những người lính trong chiến tranh. Tất cả đều được tẩy sạch những vết bụi bặm và được sắp xếp ngay ngắn trên lề phố hay treo móc nơi phía hàng rào. Nó là chiếc mũ cối, bi đông nước hay cái nịt của bộ đội giải phóng và cũng có rất nhiều trong đó là đồ dùng của những người lính Mỹ ngụy với chiếc cà mèn, bi đông, hột quẹt zipo hay cả những đôi giày đinh to tướng.

Nhiều lần ngang qua tôi đã bắt gặp không ít những khách qua đường, trong đó có không ít người là khách du lịch từ xa đến cứ mãi tần ngần trước những đồ vật kia. Tôi hiểu, có thể trong số họ có những người từng cầm súng năm xưa, có người thân tham chiến, hay đã cảm nhận và đã lưu lại trong ký ức những kỷ niệm khó quên về cuộc chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng mấy chục năm rồi. Bắt gặp những đồ vật người lính như gặp lại những kỷ vật xưa. Và tôi nghĩ, giá của mỗi kỷ vật có thể chẳng bao nhiêu nhưng nó chứa đựng một giá trị lịch sử mà chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu.

Một thời Thừa Thiên Huế là chiến trường. Cuộc chiến ác liệt ở vùng đất này không chỉ diễn ra ở nơi rừng núi xa xôi phía A Lưới, Bạch Mã, Hòa Mỹ, Dương Hòa… mà còn xảy ra ngay tại mảnh đất thành đô một thời là kinh đô của đất nước như trong chiến dịch mùa xuân 68 hay chiến thắng 1975. Hàng chục năm rồi, lòng đất Cố đô vẫn còn đó bao con người đã nằm xuống, bao chứng tích và hiện vật chiến tranh hiện hữu. Tôi nhớ, sau ngày phóng ở vùng Hương Thủy quê tôi đã xuất hiện nghề đào hầm rác và thu nhặt phế liệu chiến tranh như một cách thức mưu sinh. Cứ tưởng qua rồi, ai ngờ cho đến giờ, đằng đẵng gần 40 năm trôi qua vẫn còn những con người chuyên thu lượm những thứ phế liệu như thế ở Huế. Họ gom lại, chùi rửa tươm tất để bán cho du khách. Bây giờ đó là thứ nghề mà có người đã đặt cho cái tên nghe thật bùi ngùi và nao lòng: “nhặt kỷ niệm”.

Khách du lịch đến Huế vào thăm Đại Nội đi qua Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng sẽ được chứng kiến nhiều loại vũ khí chiến tranh được trưng bày, cả của bên ta và cả của kẻ xâm lược. Mấy năm về trước là những chiếc xe tăng bên cạnh những khẩu pháo. Gần đây bổ sung thêm nhiều chiếc máy bay chiến đấu và trực thăng. Cũng là những thứ vũ khí giết người tàn bạo, nhưng nằm lại trong khuôn viên bảo tàng, nơi Đại Nội cổ kính, rêu phong và gió lộng, các loại xe tăng và máy bay giết người kia bỗng sao cảm thấy hiền hòa như con hổ dữ ở vườn bách thảo, nhất là khi tôi được chứng kiến cảnh tượng các em bé thơ ngây đùa nghịch và sờ mó. Nó như gửi đến mọi người, chiến tranh đã lùi xa và giờ chỉ còn là hoài niệm.

Nhìn lại những kỷ vật chiến tranh bày bán trên hè phố, tôi lại nhớ những xe tăng, đại bác, máy bay nơi bảo tàng bên trong Đại Nội. Và tôi đã nghĩ đến những đồ dùng vật dụng chiến tranh kia còn lại như những kỷ vật của tháng ba lịch sử gắn với ngày vui 26/3/1975, thời khắc mà Huế yêu thương được hoàn toàn giải phóng và niềm vui thanh bình trọn vẹn đã đến với quê hương.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top